Tại hiện trường, những gốc gỗ nghiến có đường kính hơn một người ôm đã trơ trụi, ngọn cây nằm ngổn ngang, thân gỗ giá trị đã được “lâm tặc” vận chuyển đi bán thu lợi.
Những ngày cuối năm, phóng viên nhận được hình ảnh gỗ bị đốn hạ và kèm theo tin nhắn của dân bản xã Phìn Hồ “rừng gỗ nghiến bị đối tượng xấu cưa xẻ ầm ĩ cả ngày lẫn đêm, phá hết rồi, mong anh chị giúp bà con giữ rừng…”.
Phóng viên đã tiếp cận tìm hiểu thông tin và ghi nhận thực trạng phá rừng nghiến. Nạn khai thác gỗ nghiến trái phép ở xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu diễn ra từ nhiều năm nay, tàn phá những cánh rừng phòng hộ, gây bức xúc trong dân, ảnh hưởng đến môi trường.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện bài viết với chủ đề “Lời cầu cứu từ Phìn Hồ” ghi nhận thực trạng của việc khai thác gỗ rừng trái phép, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý tài nguyên rừng.
Khu vực rừng phòng hộ thuộc bản Séo Lèng 2 ở xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ nhiều cây gỗ nghiến lớn hàng trăm năm tuổi bị tàn phá tan hoang. Tại hiện trường, những gốc gỗ nghiến có đường kính hơn một người ôm đã trơ trụi. Ngọn cây nằm ngổn ngang, thân gỗ giá trị đã được “lâm tặc” vận chuyển đi bán thu lợi.
Nạn phá rừng nghiến diễn ra nhiều năm
Gỗ nghiến thuộc nhóm IIA là loài thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp cần được bảo vệ. Chính vì sự quý hiếm và có giá trị kinh tế cao nên cây nghiến luôn trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng “lâm tặc.”
Khu vực khai thác gỗ nghiến trái phép ở xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ nằm sâu trong rừng phòng hộ, thuộc địa phận bản Séo Lèng 2.
Từ đường Tỉnh lộ 128, men theo đường mòn do người dân tự mở vào rừng có biển báo khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng xã Phìn Hồ ghi rõ: “Cấm chặt phá rừng, khai thác gỗ, củi trái phép, lấn, chiếm đất rừng.” Vừa đi người dẫn đường cho biết, đây mới là cửa rừng, phải đi bộ xa nữa mới tiếp cận được vị trí “lâm tặc” cưa hạ gỗ.
50 phút vượt dốc núi cheo leo hiểm trở, đá tai mèo sắt nhọn mới tiếp cận được khu vực “lâm tặc” chặt phá gỗ rừng. Tại đây, rất bất ngờ, cảnh tượng nhiều cây gỗ nghiến có đường kính từ 50cm trở lên bị “lâm tặc” đốn hạ, nằm ngổn ngang trong rừng. Vỏ can xăng, vỏ chai nhựa vẫn sót lại trên bãi mùn cưa vương vãi. Xen lẫn với những gốc cũ bị đốn hạ trước kia mà kiểm lâm đã đánh số là những gốc có vết cưa mới, thân cây bị xẻ thành nhiều khúc. Có cây mới bị “lâm tặc” đốn hạ chưa kịp xẻ lấy thành phẩm, họ vạch dấu nhân trên thân cây khẳng định chủ quyền không được ai xâm phạm.
Ra gần đến cửa rừng, tại bãi trâu bản Séo Lèng 2, một bãi cưa xẻ của “lâm tặc.” Trên bãi, cây gỗ nghiến đường kính khoảng 40cm vừa bị đốn hạ, 2 khúc gỗ dài khoảng 2,5m và đường kính 3 người ôm đang xẻ dở nham nhở, màu gỗ đỏ au. Nếu tính tuổi đời, thân gỗ này phải gần nghìn tuổi.
Tại chợ ngã 3 Séo Lèng, dò hỏi những người bán hàng để mua thớt gỗ nghiến về dùng, người phụ nữ bán hàng ăn nói nhỏ “dạo này làm gắt lắm, không ai dám bán công khai nữa, sang nhà bên kia hỏi kín sẽ có.” Làm theo chỉ dẫn, phóng viên đến nhà bên cạnh hỏi mua thớt nghiến về dùng gia đình, thấy người lạ, chủ hộ trả lời không có.
Theo người dân ở bản Séo Lèng 2, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), nạn phá rừng nghiến ở đây diễn ra trong nhiều năm, người dân đã phản ánh với chính quyền nhưng không dứt điểm được. Thời gian qua, lực lượng Công an đã quyết liệt vào cuộc điều tra, xử lý và truy tố nhiều đối tượng khai thác rừng trái phép.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ (Lai Châu) Trần Công Trung cho biết thực trạng phá rừng trên địa bàn xã Phìn Hồ diễn ra trong thời gian dài. Tại đây, một số diện tích rừng có cây gỗ nghiến to, các đối tượng “đầu nậu” lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cuộc sống khó khăn của người dân rồi thuê họ vào rừng cắt hạ cây gỗ, biến thành thớt, sau đó thu gom tại một địa điểm để vận chuyển.
Báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ, giai đoạn 2020-2023, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 56 vụ vi phạm lâm nghiệp tại xã Phìn Hồ với trên 46,2 m3 gỗ, riêng gỗ loại IIA gỗ quý hiếm hơn 23 m3, còn lại là gỗ thông thường. Trong đó, năm 2020 có 26 vụ, năm 2021 có 11 vụ, năm 2022 có 16 vụ và năm 2023 có 3 vụ.
Xót xa nhìn rừng bị tàn phá
Chứng kiến nhiều cây gỗ nghiến bị “lâm tặc” đốn hạ đưa đi bán, người dân bản không khỏi xót xa, nhưng không dám lên tiếng vì đối tượng khai thác rừng trái phép rất hung hãn, nguy hiểm. Rừng nghiến sinh tồn hàng trăm năm ngày càng bị chặt phá tan hoang, ảnh hưởng đến chất lượng rừng, môi trường. Khi được hỏi về việc khai thác gỗ nghiến trái phép, nhiều người dân rất bức xúc.
Ông H.A.H người dân ở bản Séo Lèng 2, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ bức xúc chia sẻ, trước đây, những cánh rừng xung quanh bản đều xanh tốt, cây cối um tùm. Đặc biệt, khu vực này rất phù hợp cho cây gỗ nghiến phát triển. Hầu hết các cây có đường kính từ 50-80cm. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, các cây gỗ nghiến bị kẻ xấu chặt hạ gần hết. Nhìn rừng bị tàn phá, người dân rất xót xa.
Ông H.A.D, ở bản Séo Lèng 2 bộc bạch, những cây gỗ nghiến phải trải qua hàng trăm năm tuổi mới có được gốc to như vậy. “Bọn chúng” ngang nhiên đốn hạ. Dân bản nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng đâu lại vào đó, tình trạng khai thác gỗ vẫn diễn ra khiến người dân rất bức xúc.
Trao đổi về việc rừng nghiến trên địa bàn bị “lâm tặc” chặt phá, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Phìn Hồ vẫn khẳng định năm nay trên địa bàn xã ổn định, không có vấn đề gì. Xã thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm tra. Qua công tác kiểm tra, có một số cây bị chặt hạ từ lâu chỉ còn cành nên bà con tận dụng, chứ không có tình trạng phá rừng.
Khi phóng viên đưa ra những hình ảnh cây mới bị đốn hạ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phìn Hồ (Sìn Hồ) Giàng A Pềnh mới nói: “Họ ở trong tối, mình ở sáng khi đi tuần tra về họ ở trong rừng cưa nên chính quyền không biết được có hay không có việc khai thác gỗ trái phép.”
Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sìn Hồ, cho hay công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được cấp ủy chính quyền quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt tại các xã có điểm nóng về vi phạm lâm nghiệp, nhất là ở xã Phìn Hồ. Các lực lượng bảo vệ rừng và chính quyền cơ sở có trách nhiệm tích cực, luôn túc trực tuần tra kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn có vụ việc vi phạm lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn. Nguyên nhân do địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn, có nhiều tuyến đường giao thông gây cản trở việc tuần tra canh gác ngăn chặn. Mặt khác, vai trò của cơ sở chưa sâu sát dẫn đến kẻ xấu lợi dụng, vi phạm pháp luật. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, huyện sẽ cho lực lượng đi kiểm tra xác minh sự việc để có hướng xử lý đảm bảo nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Lai Châu, tội hủy hoại rừng như chặt phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đời sống xã hội là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ diễn biến phức tạp, cần có giải pháp ngăn chặn kịp thời để bảo vệ khu vực rừng còn sót lại. Chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu và lực lượng chức năng cần sớm vào cuộc quyết liệt và có những biện pháp “mạnh tay” hơn để bảo vệ loài cây gỗ quý này.
Trên “nóng” dưới “lạnh”
Xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ) là điểm nóng điễn ra hoạt động khai thác trái phép rừng gỗ nghiến. Vì vậy, chính quyền tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trực tiếp là chính quyền xã, lực lượng Kiểm lâm tại trạm kiểm soát đóng trên địa bàn vẫn để “lâm tặc” hoành hành tàn phá rừng gỗ nghiến. Lãnh đạo chính quyền huyện Sìn Hồ cho biết, gỗ nghiến có giá trị cao, vì vậy các đối tượng bất chấp pháp luật, tìm cách qua mặt lực lượng chức năng kiểm soát để chặt phá rừng.
Nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các vụ vi phạm lâm nghiệp, Ủy ban Nhân dân huyện Sìn Hồ ban hành nhiều công văn. Trong đó, tháng 8/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Sìn Hồ có công văn về việc triển khai thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng năm 2023; tháng 10-11/2023, Ủy ban Nhân dân huyện tiếp tục có công văn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn huyện. Nội dung công văn nêu rõ trách nhiệm của từng ngành, chính quyền cơ sở… Tuy nhiên, với thực tế, hoạt động khai thác gỗ nghiến trái phép ở xã Phìn Hồ vẫn công khai. Liệu rằng, các công văn mà Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, Ủy ban Nhân dân huyện Sìn Hồ ban hành xuống cơ sở có thực sự hiệu quả?
Tại xã Phìn Hồ, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, nhưng tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động.
Khi chứng kiến hình ảnh cây gỗ bị “lâm tặc” đốn hạ, cưa xẻ của phóng viên cung cấp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phìn Hồ Giàng A Pềnh tỏ ra bất ngờ, nói: “Sao khi đi kiểm tra xã không nhìn thấy nhỉ. Xã cũng thường xuyên tăng kiểm tra. Có thể phóng viên vào được, chúng tôi lại chưa đến được. Xã sẽ chỉ đạo anh em kiểm tra ngay lập tức.”
Ông Giàng A Pềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phìn Hồ giải thích: “Trên rừng không thể chỗ nào mình cũng có thể đi kiểm tra hết được. Do địa hình chủ yếu đồi núi dốc, đá nhiều, bà con đi xẻ gỗ thường vào ban đêm; khi nghe thấy tiếng máy cưa, lực lượng vào, họ lại đi chỗ khác. Xã làm chặt chẽ vấn đề này. Xã rất đau đầu việc người dân vận chuyển được gỗ ra khỏi địa bàn.”
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ Trần Công Trung cho biết đối với lực lượng Kiểm lâm, khi nắm được thông tin, Hạt chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương ban hành các văn bản; đồng thời chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm địa bàn xuống trực tiếp làm việc với Ủy ban Nhân dân xã, phối hợp với Công an xã và tổ xung kích tuần tra phát hiện ngăn chặn. Trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng là trách nhiệm chung toàn xã hội, trong đó trách nhiệm chính là của chủ rừng gồm Ủy ban Nhân dân xã Phìn Hồ, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Sìn Hồ và cá nhân chủ rừng ký hợp đồng giao khoán, bảo vệ. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các chủ rừng chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sìn Hồ khẳng định để xảy ra tình trạng phá rừng, trước hết trách nhiệm thuộc về cấp ủy chính quyền địa phương và chủ rừng chưa thực hiện hết trách nhiệm theo Điều 102 Luật Lâm nghiệp 2017: Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Ủy ban Nhân dân các cấp. Thứ hai, do đời sống bà con trên địa bàn khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập thấp, nghiện hút nhiều dẫn đến một số người đi làm thuê cho các “đầu nậu” rồi chặt phá rừng để kiếm tiền mưu sinh.
Khu vực này có hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng để hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hợp đồng thể hiện rõ nội dung cam kết nếu để phá rừng, mất rừng sẽ bị trừ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, bà con vẫn cứ vi phạm mặc dù đã ký cam kết. Lực lượng kiểm lâm mỏng dù cố gắng hết sức nhưng địa bàn rộng gây khó khăn trong công tác tuần tra, quản lý không thể thường xuyên được, dẫn đến việc phát hiện xử lý các vụ việc chưa kịp thời.
Cần quyết liệt vào cuộc
Tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép diễn ra nhiều năm nay, rất nhiều cây gỗ nghiến giá trị có đường kính từ 50cm trở lên bị “lâm tặc” đốn hạ. Chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu cần vào cuộc, có giải pháp căn cơ quyết liệt và đồng bộ để bảo vệ những cánh rừng nghiến, giữ màu xanh cho rừng ở Phìn Hồ.
Nói về khó khăn của lực lượng Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phìn Hồ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ Trần Công Trung chia sẻ: “Mặc dù phát hiện được vụ việc nhưng khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn, lực lượng Kiểm lâm gặp nhiều khó khăn. Truy đuổi, không dám quyết liệt, khi xảy ra vấn đề gì lực lượng Kiểm lâm bị trách nhiệm. Trước đây, Hạt đề nghị Sở giao thông Vận tải tỉnh cấp cho barie chắn đường nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nhưng không nhận được trả lời. Trong khi đó, ‘đầu nậu’ chủ yếu là đối tượng nghiện, rất manh động. Trạm có một đồng chí khi thực hiện biện pháp ngăn chặn đã bị các đối tượng này làm cho bị thương.”
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sìn Hồ (Lai Châu) Vũ Văn Cương nhấn mạnh: “Để giải quyết triệt để tình trạng khai thác gỗ trái phép là bài toán khó khăn với địa bàn hiểm trở như Sìn Hồ. Tuy nhiên, thời gian tới, huyện Sìn Hồ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền cơ sở. Huyện tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm trong cộng đồng và chính quyền cơ sở khi để xảy ra vụ việc.”
Trong dịp cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung phối hợp triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, phối hợp nhiều lực lượng để bám sát địa bàn, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi phá rừng trái phép, nhất là số đối tượng đầu nậu, cầm đầu và có hành vi tiếp tay, bảo kê cho đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, hủy hoại rừng.
Công an tỉnh Lai Châu đề nghị người dân mạnh dạn lên án, tố giác những hành vi hủy hoại rừng nói chung, vụ hủy hoại rừng tại tiểu khu 103 thuộc bản Séo Lèng 2, xã Phìn Hồ nói riêng để cơ quan Cảnh sát điều tra kịp thời điều tra, xử lý.
Chỉ khi nào cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt với những biện pháp đủ mạnh, mang tính răn đe thì mới có thể chấm dứt được vấn nạn khai thác gỗ nghiến trái phép hàng trăm tuổi ở xã Phìn Hồ. Chính quyền huyện Sìn Hồ đừng để phía sau biển cấm chặt phá rừng phòng hộ ở rừng nghiến xã Phìn Hồ là rừng “rỗng ruột”.