Ngành thời trang đang quay sang trồng bông tái sinh để đối phó với biến đổi khí hậu.
Xen lẫn giữa các hàng bông đang nảy mầm là những thân cây lúa mì và củ cải đường được làm khô phủ khắp cả một vùng đất canh tác gần bờ biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp giữ lại chất dinh dưỡng và độ ẩm cho đất, thậm chí dưới cái nắng nóng như thiêu đốt.
Ở những cánh đồng gần đó, nơi bông đang được trồng mà không có lớp phủ bảo vệ, những cây bông lại trở nên khô héo dưới ánh nắng mặt trời. “Đất khỏe hơn nghĩa là bông khỏe hơn”, Başak Erdem, quản lý các cánh đồng bông được sở hữu và điều hành bởi công ty sản xuất bông SÖKTAŞ (có trụ sở tại Aydin, Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết.
Đã 4 năm kể từ khi SÖKTAŞ lần đầu tiên chuyển đổi 1 ha đất sang mô hình nông nghiệp tái sinh, tức sử dụng các phương pháp dựa trên tự nhiên để phục hồi đất và cải thiện khả năng lưu trữ carbon của đất. Đất hấp thụ hơn 18 tấn carbon/ha/năm. Con số này tương đương với mức thải khí nhà kính hằng năm của khoảng 15 chiếc ô tô chạy xăng, theo tính toán của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. “Chúng tôi thấy kết quả được cải thiện qua mỗi năm”, Erdem cho biết.
SÖKTAŞ là một trong số nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay trong ngành thời trang toàn cầu trị giá hơn 1.500 tỉ USD với khoảng 100 tỉ sản phẩm may mặc được sản xuất mỗi năm. Đó là vấn nạn rác thải và thâm dụng tài nguyên thiên nhiên quá lớn của ngành này.
Theo Common Objective, ngành thời trang sử dụng khoảng 93 tỉ m3 nước mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 5 triệu người. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030. Trong khi đó, trồng bông để phục vụ cho ngành thời trang (và một số ngành khác như đồ dùng gia dụng, các sản phẩm sức khỏe…) lại cực kỳ tốn nước. Bông được xếp vào những cây trồng ngốn nhiều nước nhất: sản xuất một chiếc áo sơ mi cotton có thể tiêu tốn tới 2.700 lít nước, đủ cho một người uống nước trong 2,5 năm.
Ngành thời trang có tốc độ thải ra rất nhanh, đặc biệt kể từ sau sự bùng nổ của ngành thời trang nhanh. Mỗi năm có tới 92 triệu tấn quần áo được đưa đến bãi chôn rác, tạo ra lượng khí thải toàn cầu rất lớn (ngành giày dép và may mặc đóng góp tổng cộng 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu).
Đó là lý do những năm gần đây ngành thời trang ráo riết đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm tác động môi trường và dấu chân carbon, nhất là khi Hiến chương Công nghiệp thời trang về hành động vì khí hậu (FICCA) của Liên Hiệp Quốc đang đặt ra mục tiêu sâu rộng trên toàn ngành là phải khử carbon vào năm 2050.
Trong khi nhiều nỗ lực của ngành thời trang đang tập trung vào những giải pháp làm giảm lượng rác thải ra như tái chế quần áo cũ thì các nhãn hàng và các nhà thiết kế thời trang lại ngày càng tham gia vào những dự án nông nghiệp tái sinh để giúp giảm lượng khí thải được tạo ra trong quá trình sản xuất các nguyên vật liệu cho ngành dệt như len và bông. Trong đó, đáng chú ý là bông, một trong những loại sợi tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất, chiếm tới 1/3 lượng sợi dệt toàn cầu. Như tại Levi Strauss & Co., hơn 90% sản phẩm của Công ty đều được làm từ bông nên việc tạo ra nguồn bông bền vững hơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối hãng thời trang này.
Trồng bông tái sinh mang lại nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe của đất, tăng mức độ giữ nước, giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại, cải thiện tính đa dạng sinh học và đặc biệt là giảm đáng kể lượng khí thải tạo ra. Một dự án trồng bông tái sinh thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ, được lập nên bởi tổ chức bảo tồn quốc tế WWF, phát hiện ra rằng lượng carbon được lưu trữ trong đất nhiều hơn gấp 15 lần so với phương pháp cô lập carbon nói chung.
“Đất trở nên mềm xốp và tươi tốt hơn”, Gökçe Okulu, Giám đốc Bông tại Textile Exchange (tổ chức phi lợi nhuận đang làm việc với các ngành dệt và thời trang để làm giảm tác động môi trường của các vật liệu), cho biết. Okulu nói thêm phương pháp canh tác truyền thống đã làm mất đi chất hữu cơ hấp thụ carbon do cày xới đất quá mức, trong khi phương pháp canh tác tái sinh gần như không cày xới đất, giúp duy trì các thành phần sinh học của đất, bên cạnh việc trồng một loại cây có tác dụng bao phủ bề mặt đất để bảo vệ cho đất. Chính nhờ vào lớp bao phủ từ lúa mì, đậu nành và củ cải đường tại các cánh đồng của SÖKTAŞ mà chất hữu cơ trong đất đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua, nhờ đó bông tại các cánh đồng của công ty này cần ít phân bón và nước hơn mỗi năm, theo chia sẻ của Başak Erdem.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Anh (CBI), nhu cầu đối với bông sản xuất bền vững, vốn chiếm khoảng 20% tổng nguồn cung bông thế giới vào năm 2020, ngày càng tăng. Các sáng kiến bông bền vững lớn nhất là Better Cotton, Fairtrade và Organic, nhưng Jules Lennon, đứng đầu mảng thời trang tại Ellen MacArthur Foundation, cho biết mối quan tâm đối với bông tái sinh ngày càng tăng, khi các nhà sản xuất denim hàng đầu như Bossa, DNM nằm trong số các nhãn hàng bắt tay với các đối tác trong những dự án bông tái sinh. “Chúng tôi đã chứng kiến sự sôi động chưa từng thấy trước đây trên thị trường này”, Lennon nhận xét.
Tuy nhiên, “đầu tiên, chúng ta cần phải ưu tiên tiếp tục sử dụng các sản phẩm hiện có”, Lennon giải thích rằng để chuyển dịch sang một nền kinh tế tuần hoàn, ngành cần phải giảm nhu cầu đối với các vật liệu nguyên sinh bằng cách ưu tiên cho việc tái chế và tái sử dụng. “Đối với các nhu cầu còn lại, phải đến từ các nguồn tái sinh”, ông nói thêm.
Các quốc gia, đặc biệt các nước phát triển, đang thúc đẩy mạnh mẽ điều này. Tại châu Âu, những quy định yêu cầu các công ty thời trang phải sản xuất quần áo bền vững hơn dự kiến sẽ được áp dụng vào năm 2028. Hiện có 16 điều luật đang được soạn thảo với mục đích đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu về tính bền chắc và có thể tái chế đối với bất kỳ sản phẩm nào vào thị trường EU và yêu cầu các công ty thời trang phải thu gom rác thải ngành dệt.
“Đặt trong bối cảnh EU được xem là một thị trường rất quan trọng, đây là động lực lớn thúc đẩy sự thay đổi ở tất cả các hoạt động tìm nguồn cung ứng”, Anita Chester, đứng đầu mảng thời trang tại Laudes Foundation, nhận xét và cho biết thêm, một số chính sách hiện hành như dự thảo Luật Sức khỏe đất của EU sẽ tiếp sức thêm cho cuộc chuyển đổi này.
Hiện tại, các tiêu chuẩn và các chứng chỉ bắt đầu xuất hiện như chứng chỉ của Regenerative Organic Alliance nhưng theo Chester, các thương hiệu và nhà thiết kế cũng phải “đầu tư” vào nông dân để giúp họ chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh. “Bạn phải xây dựng tính bền vững cộng đồng bằng cách thưởng cho nông dân vì nỗ lực duy trì tự nhiên và những dịch vụ mà họ cung cấp nhằm giúp chúng ta chống biến đổi khí hậu”, Chester nói.
Tuy vậy, công cuộc chuyển đổi xanh cũng gặp không ít thách thức. Zeynep Kayhan, thành viên Hội đồng Quản trị tại SÖKTAŞ, cho biết không dễ thuyết phục một số nhãn hàng chuyển sang bông tái sinh vì nó đắt đỏ hơn. Cụ thể là ngoài các khoản chi phí tăng thêm về thử nghiệm đất và đầu tư vào các máy móc thiết bị không cày xới, các nông trại tái sinh ban đầu còn chịu lỗ do sản lượng thấp hơn (trước khi dinh dưỡng đất được cải thiện) và do phải đổi một loại cây trồng thứ cấp vào mùa đông bằng một loại cây che phủ mà không được thu hoạch. “Nó đắt đỏ hơn khi thực hiện cuộc chuyển đổi nhưng theo thời gian vì nguyên liệu đầu vào ít hơn nên đến một lúc chi phí sẽ cân bằng trở lại”, Kayhan cho biết.
Hơn hết, cải thiện sức khỏe của đất cũng giúp xoa dịu tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra cho ngành bông nói riêng và thế giới nói chung. Theo nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm đa quốc gia WTW, phân nửa trong tổng số các khu vực trồng bông sẽ đứng trước các rủi ro khí hậu ngày càng tăng như căng thẳng nguồn nước và thời tiết cực đoan vào năm 2040. “Việc giữ nước trở nên thậm chí còn quan trọng hơn trong tương lai vì bạn cần ít nước hơn nếu bạn biết đất có thể giữ nước và chất dinh dưỡng”, Kayhan nói.
Điều đó đã được chứng thực. Erdem cho biết vào mùa Xuân, những cơn mưa lớn đã phá hủy các hạt bông tại SÖKTAŞ, nhưng đất khỏe hơn trong các cánh đồng trồng bông tái sinh lại giúp người nông dân gieo lại hạt giống một cách nhanh chóng. “Nếu tất cả nông dân đều triển khai canh tác tái sinh, tình trạng khí hậu có thể thay đổi”, Erdem tin tưởng.
Phong Việt (Tổng hợp)