May mắn, thiên nhiên ban tặng chúng ta món quà vô giá không phải muốn là được. Cùng với các chiến sĩ Trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Tam Đảo đi rừng, trèo đèo, lội suối, cùng mục sở thị, tìm hiểu, khám phá… mới thấm thía “kho vàng xanh” ấy thiêng liêng hơn cả báu vật.
Kỳ 2: Kho báu…“vàng xanh”
Hành trình đã được chúng tôi thống nhất trước với các đồng chí lãnh đạo Vườn Quốc gia. Nhưng đến phút chót lại đảo lịch đôi chút, chúng tôi quyết định điền dã vào tận vùng lõi khám phá rừng nguyên sinh Tam Đảo. Các đồng chí ở Trạm kiểm lâm Đạo Trù ban đầu tỏ chút e ngại, vì lo các nhà báo xông pha vậy vất vả quá! Tôi đọc được suy nghĩ đó, trao đổi thêm với trưởng trạm và khẩn trương khởi hành, bởi lúc này, trời khá lạnh, lại đang dọa mưa.
Như các anh khuyên, đi rừng nên hạn chế lúc mưa, bởi đường trơn trượt, dễ ngã, vả lại, nhỡ lại có vắt ra “thăm hỏi” nữ nhà báo thì phát sinh tình huống ngay!? Cùng đi, có anh Nguyễn Đức Toàn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo và anh Nam, anh Dũng, những cán bộ thâm niên của Vườn Quốc gia, vừa là hướng dẫn viên, vừa là người thuyết minh của đoàn.
Chặng đường gần 10 km cuốc bộ len lỏi theo đường kiểm lâm (tôi tự đặt), gọi là đường, song, có chỗ chỉ đặt vừa bàn chân, men vách núi, lội suối, ngắm dông (những điểm trên núi cao được quy ước để đánh dấu vị trí, tên các khu rừng – anh Dũng giải thích khi tôi hỏi)… biết bao câu chuyện vỡ ra, vừa khám phá rừng, vừa như được xem một cuốn phim quay chậm, lại có thêm lời bình giàu cảm xúc của người dẫn chuyện, khoảng cách như ngắn lại, thời gian trôi đi rất nhanh, cánh cửa đại ngàn Tam Đảo mở toang chào đón.
Vườn Quốc gia Tam Đảo được thành lập năm 1996, diện tích hiện tại (sau điều chỉnh) gần 35 nghìn héc ta, nằm trên địa phận 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Đây là một dãy núi lớn dài 80 km, chạy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, từ huyện Sơn Dương, Tuyên Quang đến huyện Mê Linh – Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội). Ranh giới Vườn Quốc gia Tam Đảo được xác định từ độ cao 100 m (so với mực nước biển) trở lên và chia thành 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu nghỉ mát du lịch. Địa hình núi Tam Đảo có đặc điểm là đỉnh nhọn, sườn rất dốc, độ chia cắt sâu, dày bởi nhiều dông phụ.
Thời Pháp thuộc, những năm 30, 40 của thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện ra “kho báu” của rừng Tam Đảo, nên nhiều nhà nghiên cứu như Deliour, Buret đã có nhiều công bố khoa học về rừng Tam Đảo. Dựa trên kết quả khảo sát và tài liệu của các nhà chuyên môn, đã thống kê có 1.141 chi động vật hoang dã, có 64 loài có giá trị khoa học cần bảo tồn, 16 loài đặc hữu, 18 loài trong sách đỏ thế giới, 8 loài cấm buôn bán. Theo số liệu, có 1.436 loài thuộc 741 chi trong 219 họ của 6 ngành thực vật, trong đó, có gần 60 loài nguồn gen quý hiếm và 68 loài đặc hữu có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. |
Cuốn tài liệu giới thiệu Vườn Quốc gia Tam Đảo luôn chú trọng mục cần bảo tồn những loài động vật quý và thống kê cảnh báo những loài thường bị khai thác, buôn bán. Còn theo như người dân địa phương, trong 10 năm trở lại đây, rừng Quốc gia Tam Đảo không thấy xuất hiện những loài thú lớn như hổ, vượn, hươu sao.
Tam Đảo đúng là một kho báu quốc gia, một bảo tàng thiên nhiên, một trong những “hệ sinh thái phong phú nhất và đa dạng nhất hành tinh”. Giá trị đặc biệt được tạo nên do đặc thù vùng tiểu khí hậu của Tam Đảo, chắc chắn là nguyên nhân làm cho Tam Đảo là nơi “hội nhập giữa các loài của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, rừng ôn đới Nam Trung Hoa, rừng núi cao của Hymalaya”. Vì thế, Tam Đảo được mệnh danh là điểm gặp gỡ, “là ngã tư giữa các hệ sinh thái”… Tôi chợt nhớ lại một số chi tiết mà tạp chí danh tiếng thế giới National Geographic, tháng 6 năm 1999 đã đưa tin về rừng Tam Đảo.
Đã thấm mệt, trời khá lạnh, nhưng mấy anh em đều nhễ nhại mồ hôi, đến bên đoạn suối có cây đa hai thân, chúng tôi tạm nghỉ. Phải nói là khung cảnh ở đây không khác gì một quần thể thắng cảnh mà bàn tay tạo tác, sắp đặt tài tình chính là Mẹ thiên nhiên. Núi cao, thác nước đổ trắng xóa, được bao phủ bởi tầng tầng thảm thực vật xanh ngắt, những cây cổ thụ ngạo nghễ vươn cao, phủ trên mình rêu phong cổ kính. Thấy tôi trầm trồ, anh Dũng nói:
– Đây cũng là điểm dừng chân đẹp đối với đội mình và vào mùa Hè, thi thoảng có các cháu học sinh ghé thăm, ngắm thác, tắm suối, chụp ảnh với cây đa hai thân, có lẽ là độc nhất vô nhị. Nhưng chưa là gì, các anh chị có thời gian qua thăm Thung lũng Chắt Dậu, rồi Rừng ma Ao dứa kỳ bí nữa, đó mới là điểm khám phá nét đặc trưng của rừng Tam Đảo, với nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm như cá cóc, các loài hoa đỗ quyên, bạch trà cổ thụ, thông tre lá ngắn, lan rừng các loại…, quang cảnh thì đẹp mê hồn.
Chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá, anh Dũng khoát tay một vòng rồi nói:
– Ở bình độ này là các nhà báo được chiêm ngưỡng rừng già nguyên sinh rồi đó. Các anh chị thấy thảm thực vật ở đây đậm đặc, phong phú như thế nào, mà đang là đỉnh điểm mùa khô. Còn muốn được ngắm cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi (sấu, dổi, pơ mu) thì phải lên đến độ cao từ 900 đến hơn 1.000 m mới có. Ở đó, may thì gặp một số loài muông thú. Nếu đi lên đó, phải mất 2-3 ngày mới tới, phải leo dốc cao, nói chung là vất vả đấy. Chúng tôi nhất trí là tạm dừng hành trình ở đây và xuống núi, còn nhiều nội dung tiếp theo, dưới núi, mọi người đang chờ.
… Bên mâm cơm dọn vội, món ăn được đưa lên gọi là “cây nhà lá vườn”, có phần “sơ sài”- như ông Trường (73 tuổi) chủ nhà đưa lời, có món cá tầm vừa bắt từ trang trại lên để thết đãi đoàn. Vừa nhâm nhi ly rượu, vừa thưởng thức món cá tầm tươi rói, thịt thơm, ngọt thanh, tôi xuýt xoa: Cá nuôi ở khu vực này ngon chẳng thua kém gì cá tầm Sa Pa, thậm chí, sánh ngang cá tầm nhập ngoại. Thấy vậy, ông Trường mừng lắm, sau chén rượu tâm đắc, lại “gan ruột” với chúng tôi về gia cảnh, công việc làm ăn, về những năm tháng lăn lộn, một lòng một dạ với rừng ở Lâm trường Lập Thạch xưa. Nay đã luống tuổi, cả gia đình ông vẫn trụ lại Vĩnh Ninh – Đạo Trù, Tam Đảo, vẫn trông coi, làm rừng như một duyên nợ vậy.
Trong câu chuyện, ông thầm cảm ơn rừng đã cho người dân nơi đây nguồn nước vô cùng quý giá, tinh khiết để con cá sinh trưởng, đạt chất lượng như ý… Tôi chợt nghĩ, với điều kiện môi trường sinh thái lý tưởng, đặc biệt là khí hậu, nguồn nước như ở khu vực này, tại sao lại không có cá tầm mang thương hiệu Tam Đảo thì thật là lãng phí!
Thấy tôi tỏ vẻ trầm ngâm, anh Dũng thêm vào: Hiện, có đến khoảng 200 nghìn hộ dân quanh vùng đệm chân núi Tam Đảo đang sử dụng nguồn nước từ rừng để sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Cả vùng này, vấp phải vỉa đá cứng hầu như không làm được giếng khoan, nếu may, khoan được, giếng sâu 60-70 m cũng không có nước. Thảo nào trên đường lên rừng già ban nãy, tôi thấy nhằng nhịt ống dây to, dài, hóa ra, đó là những đường ống dẫn nước trên đỉnh núi về các thôn, làng dưới chân núi.
Thế mới thấy, Vườn Quốc gia Tam Đảo không chỉ là nguồn sinh thủy chủ lực cho các hồ, đầm, sông, suối trên núi và vùng hạ lưu mà còn là nguồn sống của hàng triệu triệu cư dân bao đời nay. Điều đó đáng giá biết chừng nào, khi chúng ta đều biết, nước là nguồn gốc của sự sống. Còn về không khí, Vườn Quốc gia Tam Đảo qua hàng triệu năm (có tài liệu cho rằng, dãy núi Tam Đảo đã hình thành cách đây 230 triệu năm trước) như một chiếc điều hòa không khí khổng lồ, một nhà máy sản xuất oxy vô cùng hào phóng ban tặng cho con người các vùng phụ cận, vùng Đông Bắc và Thủ đô Hà Nội.
Trong Vườn Quốc gia Tam Đảo còn có “một trái tim”, đó là khu nghỉ mát Tam Đảo đã tồn tại cách đây hàng thế kỷ. Một thương hiệu du lịch gắn với tỉnh Vĩnh Phúc, là địa danh nổi tiếng toàn cầu qua sự bình chọn của các tổ chức du lịch hằng năm. Không chỉ là khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, Tam Đảo còn lưu giữ trong lòng mình nhiều di sản văn hóa, lịch sử quý giá, tới đây, sẽ được đầu tư, khai thác, khám phá.
Trong đợt đi thực tế này, chúng tôi may mắn được các cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia và Tam Đảo núi dẫn đi thị sát Tam Đảo 2 (như thường gọi). Có anh Đặng Văn Thạch, một kỹ sư lâm nghiệp, thuộc Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Tam Đảo còn rất trẻ đi cùng.
Theo con đường mới mở (độ dốc cũng vừa phải so với đường lên khu du lịch Tam Đảo núi), chạy xe khoảng 9 km, men theo vách núi đá, trập trùng những cánh rừng già nguyên sinh, tầng tầng những hàng cây vút thẳng như những chiếc ô khổng lồ đu đưa biến hình trong mây mù, trong tiếng gió hú, suối ngân. Trôi theo bình độ của con đường, những tấm thảm xanh huyền ảo mê hoặc ấy bồng bềnh lúc dềnh trên cao, lúc thoắt hiện ngay trước mặt, lúc ào chạy xa ngút ngát… Thấy tôi xuýt xoa – anh Thạch nói: Chưa là gì, các nhà báo sẽ còn ngây ngất hơn nữa cho mà xem…
Trước mắt chúng tôi là một thung lũng khá bằng phẳng, theo như các anh cán bộ kiểm lâm cho biết, rộng khoảng 300 ha, đây là địa điểm dự kiến làm khu du lịch sinh thái trong tương lai gần. Chúng tôi choáng ngợp trước khung cảnh bồng lai của Rừng ma Ao dứa, với ngôi chùa Địa Ngục huyền bí. Ở độ cao trên 1.500 m, với khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao, hệ thực vật tại thung lũng này pha trộn những nét vừa hùng vĩ, vừa cổ kính, trầm mặc, một phiên bản đa nét, đa màu của cây cối, hoa lá, là bảo tàng tự nhiên với vô số loài cây trong sách đỏ như thông tre, giả sa nhân, bạch trà…
Có nhiều cây già cỗi, để lại cho đời tuyệt tác bonsai, hóa thân như một vũ nữ ba lê khoe dáng trên nền của một “tuyệt tình cốc” huyền ảo. Một kỳ quan thu nhỏ nằm trong lòng Vườn Quốc gia Tam Đảo, làm say lòng người, đến là không muốn rời bước… Cho nên, nhớ lại câu chuyện kể về xuất xứ nước hoa mang tên TAMĐAO của thương hiệu Diptyque (tác giả của sản phẩm là Yves Coueslant, một trong ba người đã sáng lập nên Dityque năm 2013) được sản xuất tại Pháp có gốc gác từ những cây hương liệu quý của núi rừng Tam Đảo là có cơ sở thuyết phục – một dư vị quá đặc biệt ngay cạnh mình, mà lâu nay, hình như chúng ta vô tình lãng quên!
Vườn Quốc gia Tam Đảo là “kho vàng xanh”, là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống của con người. Trên những dãy núi trập trùng ấy không chỉ có một hệ động, thực vật quý giá mà các nhà khoa học đã và đang giải mã giá trị mà còn trao giữ cho con người mạch nguồn của sự sống vĩnh hằng. Từng nhành cây, ngọn cỏ, bông hoa, hay loài động vật bé nhỏ… tất cả mang một sứ mệnh thiêng liêng, ôm ấp, che chở, hồi sinh và tái tạo, duy trì sự sinh tồn của con người hiện tại và mãi mãi. |
Thu Thủy-Giang Đình
(Còn nữa)