Năm 2023, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong số 6 tỉnh này, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỉ lệ che phủ trên 42%. Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam được WB đánh giá rất cao.
Bắt đầu từ tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018-2024. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước).
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh luôn là đơn vị có độ che phủ rừng lớn trên toàn quốc với độ che phủ 57,15%. Với diện tích rừng tự nhiên trên 205.000 ha; diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC trên 12.000 ha. Đây là nguồn tài nguyên quý của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện 4/5 dịch vụ môi trường rừng (DVMTR): Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ông Lê Ngọc Tuấn cho hay với hơn 12 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR từ dịch vụ: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội…từ năm 2011-2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên Huế đã chi hơn 320 tỷ đồng tiền DVMTR cho gần 600 chủ rừng là tổ chức, cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình quản lý.
Tổng diện tích rừng được chi trả gần 160.000 ha/283.000 ha rừng của tỉnh (chiếm hơn 54%). Điều này góp phần giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh (57,15%), đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho hàng nghìn lao động vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn.
“Trong bối cảnh nguồn ngân sách bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng còn khó khăn, hạn hẹp thì nguồn kinh phí chi trả DVMTR cho các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng (BQLR) phòng hộ, đặc dụng hết sức có ý nghĩa, giúp cho các chủ rừng tổ chức tăng cường thêm lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Vì vậy diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, cung ứng được nhiều giá trị. Từ năm 2023 nguồn thu từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ sẽ thực hiện chi trả cho thêm hơn 52.000 ha rừng tự nhiên khác, đạt 100% diện tích rừng tự nhiên được chi trả. Qua đó góp phần nâng tổng diện tích rừng được chi trả lên gần 211.000 ha rừng, chiếm hơn 75% diện tích rừng toàn tỉnh. Với nguồn kinh phí hơn 131 tỷ đồng từ năm 2023 đến 2025”, ông Lê Ngọc Tuấn chia sẻ.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, theo Nghị định 107 của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế là 1 trong 6 tỉnh được thí điểm chuyển nhượng kết quả phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.
Theo đánh giá từ các chuyên gia rừng khu vực Bắc Trung Bộ là vùng rừng có trữ lượng carbon rừng rất cao. Hiện nay khu vực có 16,21 triệu tấn CO2, lượng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2, lượng giảm phát thải còn dư: 5,91 triệu tấn CO2.
Vì vậy với lượng còn thừa hiện tại chúng ta có thể thỏa thuận để bán thu nguồn kinh phí cho quốc gia, bên cạnh đó chúng ta chỉ mới thực hiện bán tín chỉ carbon rừng đối với thị trường tự nguyện quốc tế, còn chưa thực hiện thị trường bắt buộc ở trong nước đối với các cơ sở, đơn vị phát thải lớn.
Đến năm 2028 Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế sàn tín chỉ carbon quốc gia, sau khi hình thành đơn giá tín chỉ carbon rừng sẽ được điều tiết theo thị trường chắc chắn đơn giá sẽ cao hơn so với 5 USD/tấn CO2 như hiện nay.
Có thể thấy, từ việc chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2 ngoài việc tạo uy tín cho thực hiện thị trường carbon, thu được 51,5 triệu USD đã giúp Việt Nam xây dựng được hệ thống theo dõi cũng như có các số liệu cơ sở ban đầu để thực hiện đúng và đủ lượng hấp thụ CO2, qua đó sẽ tăng lên đáng kể lượng tín chỉ carbon rừng.
Đồng thời, góp phần thực hiện cam kết của Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 (COP21).