Nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật sang người phát sinh từ gây nuôi động vật hoang dã, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều dự án.
Theo Bộ NNPTNT, để thúc đẩy việc lồng ghép các biện pháp an ninh sinh học áp dụng tại các trang trại gây nuôi động vật hoang dã, bộ đang triển khai việc hoàn thiện Nghị định (sửa đổi) thay thế Nghị định 06/2019/NĐ-CP (ngày 22.1.2019) và Nghị định 84/2021/NĐ-CP (ngày 22.9.2021) về quản lý các loài động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực hiện Công ước quốc tế về thương mại các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2024.
Ngày 19.12.2023, phát biểu tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật sang người phát sinh từ gây nuôi động vật hoang dã” và tổng kết dự án “Giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại động vật hoang dã ở Việt Nam”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) thông qua Ban Thư ký đối tác “Một sức khỏe” phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đồng chủ trì, ông Vũ Thanh Liêm – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: Dự án “Giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại động vật hoang dã ở Việt Nam” tuy có quy mô nhỏ nhưng đã xử lý và hỗ trợ tốt việc giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại động vật hoang dã ở Việt Nam.
“Sau 1,5 năm thực hiện dự án, phối hợp triển khai bao gồm các hoạt động nghiên cứu cơ sở thực tiễn, rà soát chính sách và tham vấn chính sách nhằm tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã để giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa phát sinh, lan truyền dịch bệnh từ đông vật hoang dã sang người…, các kiến thức về phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” được phổ biến nhằm cân bằng và tăng cường sức khỏe của con người, động vật và môi trường; góp phần rà soát khung chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật cho các trang trại gây nuôi động vật hoang dã cho mục đích thương mại ở Việt Nam, từ đó khuyến nghị về xây dựng chính sách và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong gây nuôi động vật hoang dã.
Tăng cường cơ sở cho quản lý hoạt động gây nuôi động vật hoang dã để giảm thiểu sự lây truyền từ động vật sang người, cũng như giảm thiểu rủi ro về sức khỏe con người gây ra bởi các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; nâng cao nhận thức, chuyển giao kiến thức và truyền đạt kết quả cấp quốc gia và quốc tế” – ông Liêm nói.
Bà Anja Barth – Cố vấn trưởng Dự án GIZ, khẳng định: “Dự án mang đến cơ hội tuyệt vời để phổ biến kết quả và tạo điều kiện trao đổi hơn nữa giữa các bên liên quan khác nhau – phù hợp với tinh thần Một Sức khỏe. Đối tác Một Sức khỏe tại Việt Nam và Liên minh Quốc tế phòng chống rủi ro sức khỏe trong thương mại động vật hoang dã ở cấp độ toàn cầu là những nền tảng quan trọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò kể cả khi dự án đã kết thúc”.
“Kết quả của dự án sẽ được chia sẻ trong các nền tảng này. Từ đó, các kết quả tại Việt Nam có thể được chia sẻ cho nhiều bên liên quan trên tầm quốc tế trong tương lai” – bà Anja Barth khẳng định.