Chiều 18/12, tại thành phố Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý, hoàn thiện Dự thảo về Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Hội thảo do ông Nguyễn Danh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Đào Thị Minh Châu – Phó Giám đốc Trung tâm môi trường và tài nguyên sinh học chủ trì. Cùng dự có đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học – Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý dự án lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam (Dự án BR)…
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận vào ngày 18/9/2007. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, phạm vi thuộc địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây Nghệ An gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An hiện đang gặp khó khăn về công tác quản lý, cần phải có một khung kế hoạch quản lý thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An vận hành hiệu quả.
Hội thảo góp ý xây dựng kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nhằm mục tiêu xây dựng và hoàn chỉnh cơ chế tổ chức, điều hành và nâng cao năng lực quản lý; tăng cường vai trò của khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An trong chủ trì kết nối các bên liên quan, trong triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường.
Xây dựng, thực hiện và nhân rộng các mô hình khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, kết hợp phát triển kinh tế xã hội với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thu hút đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển du lịch thân thiện với thiên nhiên kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển các đặc sản địa phương, các sản phẩm OCOP, các chỉ dẫn gắn liền với thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển miền Tây…
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên các giải pháp như: Cần có cơ chế phối hợp điều hành giữa chính quyền địa phương với Vườn quốc gia Pù Mát và các Khu Bảo tồn thiên nhiên, để công tác quản lý, bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển miền Tây hiệu quả hơn. Sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức, điều hành và nâng cao năng lực quản lý. Tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực và ứng dụng công nghệ để xây dựng và thực thi hiệu quả các dự án bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Danh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện Dự thảo về Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, để trình với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học – Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nghệ An nhằm kịp phê duyệt đưa vào hoạt động từ giai đoạn năm 2024 -2027.