Bổ nhiệm tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua; Thành lập Hội đồng EPR quốc gia,… những sự kiện môi trường nổi bật của Việt Nam và thế giới trong năm 2023.
Năm 2023, tiếp tục là năm hứng chịu nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự nóng lên toàn cầu. Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu 10 sự kiện môi trường tiêu biểu của Việt Nam và thế giới trong năm 2023.
1. Bổ nhiệm tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Chiều 25/5, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Đặng Quốc Khánh sinh năm 1976, tại Hà Tĩnh; từng kinh qua các chức vụ: Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Từ tháng 6/2019 đến nay, ông là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết khóa XII, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, bối cảnh hiện tại đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với ngành tài nguyên và môi trường để phục vụ xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Những khó khăn, thách thức đang và sẽ đặt ra trong thực tiễn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phải tham mưu xây dựng hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) đang được nhân dân cả nước rất quan tâm. Từ đó, đưa các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thành hiện thực và đi vào cuộc sống.
2. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023
Ngày 30/11, Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc (COP28) đã được khai mạc tại Dubai. Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber phát biểu khai mạc cho biết UAE tự hào là quốc gia tổ chức COP28 vào thời điểm then chốt của các vấn đề khí hậu. Đồng thời ông cũng kêu gọi các đại biểu tham gia hãy thảo luận một cách cởi mở, với tư duy và lối suy nghĩ khác.
Ngày đầu tiên của COP28, quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu đã được khởi động. Quyết định này được cho là cơ chế mới giúp chính phủ các nước đóng góp cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Quỹ sẽ tạm thời được đặt tại Ngân hàng Thế giới (WB).
Ngày 5/12, nền tảng “Liên minh nâng cao năng lực đầu tư bền vững” do Viện Tài chính và Bền vững (IFS) trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) khởi xướng chính thức được ra mắt. Với 20 thành viên sáng lập, nền tảng hướng tới đào tạo và huấn luyện 100.000 chuyên gia cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Ngày 13/12, hội nghị COP28 đã đạt được thỏa thuận bắt đầu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là thành đáng khen ngợi sau khi cuộc đàm phán về khí hậu COP28 phải kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu.
Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.
3. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua
Ngày 27/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Luật gồm 10 Chương, 86 Điều được ban hành kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Trước đó ngày 14/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp 6. Ngày 25/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 699/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4); khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6)…
4. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.
Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030, khoảng 6,5 – 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050: Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 – 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
Đáng chú ý, mức thải khí nhà kính khoảng 399 – 449 triệu tấn năm 2030 và khoảng 101 triệu tấn vào năm 2050. Mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 17 – 26% vào năm 2030 khoảng 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.
5. Thành lập Hội đồng EPR quốc gia
Bộ trưởng Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định số 252/QĐ-BTNMT thành lập Hội đồng EPR quốc gia nhằm thực hiện quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo Quyết định số 252/QĐ-BTNMT, Hội đồng EPR quốc gia có nhiệm vụ chính là tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tư vấn, giúp Bộ trưởng quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Thực hiện nhiệm vụ này, Hội đồng EPR quốc gia sẽ tổ chức xây dựng tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế, hoạt động xử lý chất thải và đề xuất Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt để công bố công khai; thẩm định, biểu quyết thông qua các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì, hoạt động xử lý chất thải của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật và trình Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt; thông qua Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu và hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu và trình Bộ trưởng BT&MT xem xét, ban hành…
6. Ngày Môi trường thế giới 2023: Nỗ lực toàn cầu đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 (ngày 5/6) được chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.
Ngày Đại dương thế giới năm 2023 (ngày 8/6) được Liên hợp quốc lựa chọn với chủ đề “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang biến đổi”. Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Bộ TN&MT phát động tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2023 (từ 1 đến 8/6) với chủ đề “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.
Tại Lễ phát động quốc gia tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, tháng hành động vì môi trường hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6), ngày Đại dương thế giới (8/6) tại Nghệ An, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
7. Năm 2030, gần 40% sẽ là các nguồn năng lượng tái tạo
Sau 8 tờ trình, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được phê duyệt.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP) được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%.
8. Mức thu phí khai thác, sử dụng dữ liệu về môi trường mới nhất áp dụng từ ngày 15/12/2023
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2023/TT-BTC trong đó quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường. Hiệu lực từ ngày 15 tháng 12 năm 2023. Theo đó mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường được quy định cụ thể, chi tiết.
Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này là cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu về môi trường theo quy định tại Nghị định 73/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP, nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
9. Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên thế giới
Vào hồi 17h39 ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h39 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hòa Ả rập Xê út, Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Đây cũng là Di sản Thiên nhiên thế giới đầu tiên thuộc địa bàn hai, tỉnh thành phố của Việt Nam là Quảng Ninh và Hải Phòng.
Được biết, trước đó Vịnh Hạ Long- Quảng Ninh từng được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000.
10. Luật khẩn cấp ở châu Âu về năng lượng mặt trời
Từ tháng 1/2023, các nước EU sẽ có thể triển khai các dự án năng lượng mặt trời nhanh hơn.Theo đó, một quy định khẩn cấp tạm thời ở Châu Âu về việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo đã được thông qua. Mục đích chính của luật là đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là lắp đặt năng lượng mặt trời.
EU đặt mục tiêu đạt được 60 GW năng lượng mặt trời cho mùa đông năm 2023. Như vậy, quyết định này là biện pháp khẩn cấp đầu tiên của EU cho ngành năng lượng tái tạo. Hơn nữa, mục tiêu đạt được 60 GW này sẽ tạo ra cơ hội thương mại để thu hút những công ty năng lượng tái tạo như SolarPower Europe.
Mặt khác, những dự án có công suất dưới 50 KW phải được phê duyệt trong một tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp bị hạn chế về mạng lưới điện, quy mô dự án có thể sẽ bị giảm xuống còn 10,8 KW.
Điều luật mới dự kiến sẽ đi vào hiệu lực từ tháng 1/2023 và kéo dài trong 18 tháng.