Nhiều diện tích đất rừng bị phá trắng gần khu vực hồ chứa nước thủy lợi Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh tìm thủ phạm.
Ngày 17.12, tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, đã có báo cáo bước đầu về Chi cục Kiểm lâm tỉnh về thực trạng phá rừng trái phép tại khu vực gần hồ chứa thủy lợi Ia Mơ.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, từ đầu năm 2023 tình hình công tác, quản lý bảo vệ rừng tại khu vực hồ chứa có nhiều diễn biến phức tạp. Đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện lập 3 tổ công tác liên ngành với 24 người để truy quét, ngăn chặn lâm tặc khai thác, đốt rừng, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.
Tổ liên ngành chốt chặn nhiều vị trí, tuyến đường để ngăn chặn lâm tặc thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên vẫn xảy ra một số vụ phá rừng, điển hình như tại lô 12, khoảnh 8, Tiểu khu 932, loại rừng sản xuất, hiện trạng rừng tự nhiên núi đất, rụng lá phục hồi thuộc lâm phần rừng phòng hộ Ia Púch quản lý.
Lâm tặc đốn hạ 76 cây rừng thuộc chủng loại Cà chích, dầu, SP, đáng nói các đối tượng khoan gốc, đổ hóa chất vào cây rồi trét đất sét lại nên rất khó phát hiện.
Ngày 3.12.2023, tổ liên ngành phát hiện tình trạng chặt phá cây rừng tại lô 8, khoảnh 4, Tiểu khu 1012 thuộc lâm phần do xã Ia Mơ quản lý, loại rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh phục hồi, với diện tích rừng bị phá 2.800m2. Hàng chục cây như Bình linh, Trâm, Kơnia, dầu… bị chặt hạ.
Ngày 8.12.2023 tiếp tục phát hiện phá rừng tại lô 56, khoảnh 9, Tiểu khu 1008, thuộc loại rừng tự nhiên ngoài quy hoạch 3 loại rừng, với diện tích chặt phá hơn 3.000m2.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, các đối tượng đã dùng dụng cụ chặt hạ là cưa máy để thực hiện, thời gian khoảng 9 tháng đầu năm 2023, hình thức phá trắng để làm nương rẫy, tại thời điểm kiểm tra chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Như Báo Lao Động phản ánh, kể từ khi có chủ trương sẽ chuyển đổi hàng nghìn ha diện tích đất rừng để thiết kế làm vùng tưới tiêu cho đại thủy nông Ia Mơ, tình trạng khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất đai ở Ia Mơ diễn biến phức tạp.
Rừng tự nhiên và đất đai sản xuất, trồng lúa, hoa màu của người dân nằm xen kẻ nên dễ xảy ra lấn chiếm, đốn hạ cây để mở rộng diện tích.