Mất nhiều rừng, tổn hại đa dạng sinh học, ảnh hưởng cuộc sống của người dân… là những trăn trở hợp cả lý lẫn tình trước ý định xây 3 thủy điện bất chấp việc vướng vô số quy định.
Trong những ngày vào vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên (Lâm Đồng) và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Đắk Nông), nơi dự kiến xây dựng 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3, chúng tôi đã gặp người dân, cán bộ kiểm lâm và nghe những câu chuyện cảm động về bảo vệ rừng cũng như tâm tư của họ nếu một mai những cánh rừng kia biến mất vì thủy điện.
ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: 3 dự án thủy điện lăm le thọc vào “tim” rừng
VIDEO ĐIỀU TRA: Bất ngờ với 3 dự án thủy điện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (phần 1)
VIDEO ĐIỀU TRA: Bất ngờ với 3 dự án thủy điện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (phần 2)
ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp – “Mất tích” một nội dung quan trọng
VIDEO ĐIỀU TRA: Bất ngờ với 3 dự án thủy điện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (phần 5)
ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: “Hành tung” mập mờ, hăm hở bất thường
ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Tâm tư trĩu nặng và sự e dè khó hiểu
VIDEO ĐIỀU TRA: Bất ngờ với 3 dự án thủy điện ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (phần 6)
Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Cuộc gặp bất ngờ
Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Bộ Công Thương đã trình Chính phủ
3 thủy điện trong Vườn quốc gia: Là ai cũng phải bị xử lý!
Không làm thủy điện ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt
Thêm thủy điện, sông Đồng Nai sẽ chết
Podcast | Viễn cảnh đáng lo khi thực hiện 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3
Ba dự án thủy điện Đắk R’lấp có xuất hiện trong dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII?
Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Chưa thể phê duyệt kế hoạch
Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ đạo xử lý thông tin “Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp”
Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp (*): Những câu trả lời khó hiểu!
3 dự án thuỷ điện Đắk R’lấp không có trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII
Nỗi lo giữ gìn bảo vật
Già làng K’Lộc (dân tộc Châu Mạ; 73 tuổi; ngụ xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) biết gần cả cuộc đời gắn bó với VQG Cát Tiên. Với ông, VQG Cát Tiên không chỉ là bảo vật của dân tộc Châu Mạ mà còn là “bảo vật quốc gia”.
Theo già làng K’Lộc, cuộc sống của người Châu Mạ ở Đồng Nai Thượng gắn liền với rừng. Người dân hay vào rừng nhưng chỉ là hái rau dại, lấy đọt mây rừng về làm thức ăn theo phong tục chứ không xâm phạm đến cây, đến thú, thậm chí chính họ là “tai mắt” giúp kiểm lâm canh giữ rừng.
“Già luôn nhắc dân làng là phải giữ rừng cho con, cháu, không nghe theo người xấu chặt phá cây rừng hay săn bắn động vật rừng. Không bảo vệ rừng, không giữ rừng thì coi như mình không phải người tốt nữa” – già làng K’Lộc nói.
Nét mặt già làng K’Lộc trĩu buồn khi hay tin dự án thủy điện được quy hoạch trong vùng lõi VQG Cát Tiên. “Già nghĩ nếu thủy điện làm ở đó thì hại của rừng nhiều quá. Đồng bào thì sống với đất, với rừng bao đời nay rồi. Theo ý của già thì không nên cho làm” – già làng K’Lộc trầm ngâm.
Anh Điểu Truyền (dân tộc Châu Mạ; 30 tuổi; ngụ xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) – người đưa thuyền để chúng tôi vượt sông vào vị trí quy hoạch thủy điện Đắk R’lấp 3, cho biết ở nơi anh sống ai cũng rất buồn trước viễn cảnh mất rẫy, không biết phải chuyển đi đâu sinh sống.
Anh Điểu Truyền kể thêm nhiều lần đánh cá trên sông, thấy nai rừng xuống sông uống nước phải dừng thuyền từ xa vì sợ chúng giật mình. “Nhiều năm nay không có ai dám khai thác gỗ hay đánh bắt động vật của rừng. Mỗi lần thấy ai vào rừng là chúng tôi đến xem xét coi có phải kẻ xấu không để báo kiểm lâm” – anh Điểu Truyền nói.
Không thể đánh đổi
Ông Đinh Quốc Huy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, nhận định nếu thủy điện xuất hiện thì mối lo đầu tiên là tác động môi trường rất nghiêm trọng. Giá trị rất cao về đa dạng sinh học ở khu vực này sẽ bị ảnh hưởng. Nếu làm thủy điện, triển khai máy móc, công trình, đường sá đi vào thì động vật rừng kinh sợ, gặp nguy cơ lớn. Bên cạnh đó, khi mở đường vào đây để triển khai công trình sẽ rất khó kiểm soát công tác bảo vệ rừng. Khả năng người lạ trà trộn, săn bắt động vật hoang dã, nhất là những loại động vật quý hiếm sẽ cao.
Ông Trần Văn Mấm, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, cho biết theo quy hoạch, dự án thủy điện nằm trong khu vực rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Nếu các nhà máy thủy điện này xây dựng, chắc chắn sẽ mất một diện tích rừng không nhỏ. Môi trường, hệ sinh thái động vật, thực vật vì thế bị ảnh hưởng lớn.
Trả lời về quan điểm của chủ rừng nếu triển khai 3 dự án thủy điện này, ông Mấm nói khu vực dự kiến xây dựng 2 nhà máy Đắk R’lấp 1 và 2 là khu vực bảo vệ trọng tâm của rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Nhiều nhà khoa học không đồng ý xây dựng những nhà máy thủy điện nói trên.
“Công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện rất khó khăn, phức tạp, rừng phòng hộ Nam Cát Tiên bảo vệ được đến bây giờ là một thành quả, nếu giờ làm thủy điện thì sẽ ảnh hưởng rất lớn. Chủ trương của nhà nước là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Vừa qua, nhiều dự án thủy điện nhỏ ở khu vực Tây Nguyên đã bị đình chỉ vì hầu hết các nhà máy này gây hệ lụy đến môi trường” – ông Mấm dẫn chứng.
Sự e dè khó hiểu
Theo tìm hiểu, tại biên bản cuộc làm việc giữa Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan vào ngày 23-10-2020, đại diện VQG Cát Tiên là ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc đề nghị bổ sung quy hoạch 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3.
Theo ông Minh, đề nghị này vướng nhiều quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa. Ngoài ra còn là quy định của ban thư ký Công ước Ramsar khi công nhận vùng đất ngập nước Bàu Sấu (VQG Cát Tiên) là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới vào năm 2005, những quy định về di tích quốc gia đặc biệt đối với VQG Cát Tiên vào năm 2012 hay những quy định về khu dự trữ sinh quyển thế giới mà UNESCO đã công nhận đối với VQG Cát Tiên vào năm 2011…
“Việc quy hoạch thủy điện có ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn và bảo vệ rừng của VQG cũng như các cam kết quốc tế có liên quan… Từ những lý do nêu trên, VQG Cát Tiên không đồng ý đề xuất bổ sung Quy hoạch Điện VIII các dự án trên” – biên bản ghi nhận ý kiến của ông Minh.
Tại cuộc làm việc này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng việc đề nghị bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 là không phù hợp với các quy định hiện hành.
Trong khi đó, không hiểu sao khi chúng tôi liên hệ để làm việc về 3 dự án thủy điện thì ông Phạm Xuân Thịnh, người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc VQG Cát Tiên khoảng 1 năm nay, lại rất e dè. Ông Thịnh nói “không rõ lắm nên không biết trả lời như thế nào”, khi nào sở hoặc UBND tỉnh, hoặc cơ quan cấp trên yêu cầu thì mới có ý kiến. “Là cơ quan nhà nước chứ có phải là một doanh nghiệp ngoài đâu mà thích thì trả lời, có ý kiến nọ kia được. Về quy chế phát ngôn anh phải điện ra ngoài Hà Nội, cục trưởng cho phép phát ngôn thì anh mới được phát ngôn chứ” – ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng lấy lý do Tổng cục Lâm nghiệp được chia tách ra làm 2 cục, chức năng nhiệm vụ mỗi cơ quan chưa được rõ ràng. “Nên những thứ này nó rất là nhạy cảm. Cho nên tốt nhất là không có ý kiến gì đâu” – vị này phản hồi với chúng tôi.
Chung tay giữ tài nguyên
Ông Lê Viết Hồ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa (huyện Cát Tiên), cho biết trạm quản lý khoảng 6.000 ha rừng nhưng chỉ có 6 cán bộ và nhiều người trong nhiều năm không biết cả lễ, Tết. “Mỗi lần đi kiểm tra rừng là 4-5 ngày, gạo với cá khô gùi theo, rau rừng hái xung quanh ăn. Ngủ thì một mảnh bạt che mưa phía trên, bên dưới treo võng. Kiểm lâm cực vậy đó, ai không tâm huyết với rừng thì không thể trụ được vì khó khăn, nhiều nguy hiểm khó lường” – ông Hồ kể. Cũng theo ông Lê Viết Hồ, từ khi có dịch vụ chi trả bảo vệ môi trường rừng, người dân cùng tham gia bảo vệ rừng rất tốt. Mỗi tháng, trạm có 6 đợt tuần tra bảo vệ rừng dài ngày. Những đợt như vậy, cán bộ trạm phối hợp với người dân nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng, chưa tính tình huống đột xuất. |
Vẫn còn đó lệnh đóng cửa rừng
Tại hội nghị về khôi phục rừng bền vững Tây Nguyên diễn ra ở Đắk Lắk vào tháng 6-2016, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Tây Nguyên được coi là “nóc nhà Đông Dương” nên việc bảo vệ rừng Tây Nguyên là đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Bên cạnh vai trò về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu, rừng còn gắn với văn hóa cồng chiêng, tín ngưỡng, không gian sinh tồn của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên… Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng. |
NHÓM PHÓNG VIÊN