Mùa mưa lũ thường là cơ hội thuận lợi cho lâm tặc vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng (BVR).
Thời điểm này đang vào mùa mưa, lượng mưa nhiều nên mực nước các lòng hồ dâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tiếp tế lương thực bằng đường sông đối với những tổ chức, cá nhân chặt phá rừng. Lúc này việc vận chuyển gỗ bằng bè đưa ra khỏi rừng cũng dễ dàng hơn đối với lâm tặc.
Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới, ông Văn Thân chia sẻ, canh giữ rừng mùa mưa lũ đã khó lại càng khó hơn khi diện tích rừng rất lớn, đồi núi cao, nhiều suối thác, nhiều cửa ra vào rừng. Rừng phòng hộ A Lưới trải dài từ địa bàn xã Hương Nguyên dọc Quốc lộ 49 đến Bốt Đỏ – A Đớt – A Roàng – 74. Rừng đi qua địa bàn 7 xã, chỉ tính riêng chiều dài có khu dân cư sinh sống và đường giao thông, tiếp giáp với rừng đến hơn 281km, rất nhiều đường ra vào rừng. Lực lượng BVR kiểm tra vùng này thì lâm tặc có thể lén lút khai thác vùng khác, rất khó kiểm soát.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng lâm sản của người dân hiện nay vẫn còn rất lớn như làm nhà cửa, vật dụng trong gia đình. Người dân tại các địa phương sống ven rừng thiếu việc làm, đời sống còn khó khăn, họ tìm cách vào rừng khai thác lâm sản để trang trải cuộc sống. Trồng rừng kinh tế có nguồn thu nhập ổn định nên nguy cơ người dân lấn chiếm, chặt phá rừng tự nhiên ngày càng cao…
Trong khi lực lượng BVR mỏng, giải pháp trước mắt của Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới tiếp tục xây dựng mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chủ rừng trên địa bàn huyện, chính quyền địa phương và Nhân dân. Dù trong mùa mưa lũ, đi lại khó khăn nhưng đơn vị vẫn tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét tại rừng, đặc biệt là tuần tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn các vụ vi phạm.
Lực lượng BVR của đơn vị tổ chức cài cắm, nắm bắt thông tin để ngăn chặn kịp thời tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng làm nương rẫy, trồng rừng kinh tế, khai thác và vận chuyển lâm, khoáng sản và bẫy bắt động vật hoang dã. Trong đó, đơn vị chú trọng đến các tuyến đường công vụ lên mốc biên giới Việt – Lào, các tuyến đường Hồ Chí Minh, 74, S11, A Roàng ra biên giới (mốc 670) và các tiểu khu dọc tuyến sông Hữu Trạch.
Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Khu Bảo tồn Sao La cho rằng, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, núi rừng hiểm trở thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài nguyên rừng được chủ rừng chú trọng. Đơn vị sử dụng phần mềm QGIS, công nghệ ảnh vệ tinh Landsat 8, máy tính bảng để theo dõi biến động rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm rừng làm nương rẫy.
Lực lượng BVR phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ rừng liền kề và Đồn Biên phòng Hương Nguyên tiến hành chốt chặn tại các điểm ra vào rừng, ngăn chặn và hạn chế thấp nhất tình trạng người dân vào rừng khai thác trái phép. Mới đây, Khu Bảo tồn Sao La tổ chức hai cuộc tập huấn về sử dụng công cụ SMART Mobile và sơ, cấp cứu trong tuần tra, BVR cho lực lượng BVR và hợp đồng lao động.
Các đơn vị chủ rừng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an huyện A Lưới, Nam Đông và các chủ rừng giáp ranh để rà soát, thống kê các đối tượng hành nghề khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép để có kế hoạch tuyên truyền, vận động và ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, BVR.
Ngoài chủ động tuần tra thường xuyên, đơn vị còn phối hợp với Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Sao La, các chủ rừng liền kề và Hạt Kiểm lâm hai huyện Nam Đông, A Lưới thực hiện các đợt tuần tra, truy quét liên ngành tại các tụ điểm khai thác trái phép lâm sản, lấn chiếm đất rừng. Trên cơ sở diễn biến tình hình thực tế, lập phương án cụ thể và chi tiết để triển khai thực hiện có hiệu quả từng đợt truy quét. Trong đó, chú trọng việc thông tin, bảo mật và sự phối, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng tham gia và xây dựng mạng lưới cộng tác viên nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh, truy quét tại rừng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, ông Ngô Hữu Phước thông tin, mặc dù trong điều kiện mưa lũ, thời tiết diễn biến những tháng cuối năm rất phức tạp, nhưng ngành kiểm lâm A Lưới vẫn chủ động triển khai các biện pháp quản lý, BVR một cách hiệu quả nhất. Các lực lượng tập trung tuần tra, truy quét tại các “điểm nóng”, những nơi có nguy cơ xảy ra chặt phá rừng tự nhiên. Lực lượng kiểm lâm gắn trách nhiệm cao trong BVR với đảm bảo an toàn tính mạng trong mùa mưa lũ.
Các trạm BVR xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét phải nắm bắt thông tin kịp thời về dự báo, cảnh báo thời tiết, dựa vào tình hình và cấp độ rủi ro thiên tai để có phương án đảm bảo an toàn tính mạng. Các trạm BVR chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, tối thiểu đảm bảo nhu cầu từ 7 ngày trở lên để phòng tình huống thời tiết xấu, giao thông bị chia cắt, cô lập không thể tiếp cận.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định, mọi hoạt động quản lý, BVR trong mùa mưa lũ của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh hoàn toàn chủ động, với tinh thần đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là. Các đơn vị chủ rừng kết hợp tuần tra, truy quét tại rừng với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý diễn biến rừng. Trong quản lý, BVR luôn chú trọng các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho các lực lượng tuần tra, truy quét, BVR.
Bài, ảnh: Hoàng Thế