Thực trạng hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã từ Lào vào Việt Nam, cũng như “con đường thẩm lậu” thú rừng ở trong nước đang làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, tác động xấu đến môi trường và tiềm ẩn các mầm bệnh gây hại đến sức khỏe con người đã và đang gióng lên những hồi chuông báo động khẩn thiết cần đến “cuộc đấu tranh” quyết liệt và thực chất cho vấn nạn này.
Chợ thú rừng: Thâm nhập loạt “điểm nóng” bên kia biên giới (Kỳ 1)
Mánh khóe, luật ngầm và độc quyền tuồn lậu động vật hoang dã
Bài 1: Lộ trình hàng cấm từ nhà hàng đến chợ vùng biên và bên kia biên giới
Bài 2: Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh
Bài 3: Vườn thú, trại hổ bảo tồn: Có tiền, động vật “Sách Đỏ” cũng thành cao
Bài 4: Tuồn lậu động vật hoang dã: Mánh khóe, luật ngầm và độc quyền
Sự “bất lực” khó hiểu của lực lượng hải quan, kiểm lâm
Trong các bài trước, Báo Điện tử VietnamPlus đã phản ánh tình trạng vận chuyển động vật hoang dã quý, hiếm từ Lào vào Việt Nam, cũng như các hoạt động tuồn bán, thẩm lậu thú rừng diễn ra “nóng bỏng” ở trong nước.
Thế nhưng, khi chúng tôi đề cập đến công tác đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn này, hầu hết lãnh đạo Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm tại các tỉnh ở miền Trung đều kêu khó, bế tắc.
Thậm chí, tại tỉnh Quảng Trị, có thời điểm, lực lượng hải quan và lực lượng kiểm lâm còn đùn đẩy trách nhiệm do hai bên không tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý tang vật của vụ vận chuyển thú rừng trái phép.
Sự “bất lực” khó hiểu này đã khiến nhiều cá thể động vật rừng bị chết và nằm chờ chết do bị tạm giữ nhiều ngày tại nhà kho của Đội Kiểm soát Hải quan đóng trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Trong vụ việc trên, Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan Quảng Trị phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ một xe ôtô chở 20 cá thể hon (nặng khoảng 55kg), 26 cá thể dúi (nặng 47 kg), 2 cá thể chồn (nặng 4 kg).
Ngoài ra, trên xe còn có gần 300kg động vật rừng đã chết và thịt tươi sống. Toàn bộ động vật nói trên không có giấy tờ hợp lệ, nên Đội Kiểm soát Hải quan đã lập biên bản thu giữ.
Do không đủ căn cứ xác định số động vật có nguồn gốc nước ngoài hay được vận chuyển trái phép qua biên giới, nên phía lực lượng hải quan đã đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật và đối tượng vi phạm để kiểm lâm xử lý. Tuy nhiên, phía kiểm lâm lại cho rằng chỉ xử lý khi có biên bản xác định rõ nguồn gốc động vật hoang dã; không nhận hồ sơ đầy đủ nên kiểm lâm không thể tiếp nhận xử lý vụ việc này.
Để rõ hơn về công tác kiểm soát, ngăn chặn, xử lý tình trạng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới ở trên địa bàn Quảng Trị, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã liên hệ với lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh này, sau đó được giới thiệu làm việc với ông Lê Mai Anh – Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan (có trụ sở đóng tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Qua trao đổi, ông Lê Mai Anh cho biết trong những năm qua, nhất là từ thời điểm tháng 5/2022 (sau khi Chính phủ Lào mở cửa hoàn toàn trở lại tại các cửa khẩu biên giới đường bộ giáp Việt Nam) đến nay, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới cũng như vận chuyển hàng cấm ở trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức.
Trên địa bàn Quảng Trị, có tuyến biên giới Việt Nam – Lào kéo dài, gồm cả đường bộ và đường sông; có 2 cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu Lao Bảo và La Lay, 4 cửa khẩu phụ (Cóc, Thanh, Cheng và Tà Rùng); chưa kể các đường mòn, lối mở dân sinh. Trong khi đó, theo ông Mai Anh, lực lượng kiểm soát hải quan còn mỏng, đang trong tình trạng thiếu hụt biên chế, nên công tác kiểm soát rất khó khăn.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị thì nhấn mạnh do nhu cầu về sử dụng ở nội địa cũng như lợi nhuận thu được trong việc buôn bán động vật rừng nói riêng rất cao đã dẫn đến một số đầu nậu ở ngoài địa bàn cấu kết với người dân địa phương để tổ chức bẫy bắt thú rừng tại các khu rừng tự nhiên. Do đó, mua bán và vận chuyển trái phép động vật rừng trên các tuyến đường nội địa vẫn còn xảy ra.
Trong khi đó, việc kiểm tra, xác nhận nguồn gốc động vật rừng gây nuôi so với nguồn gốc động vật rừng có nguồn gốc từ tự nhiên rất khó phân biệt, nên dễ dẫn đến tình trạng các cơ sở nuôi lợi dụng để trà trộn động vật rừng có nguồn gốc trái phép từ tự nhiên vào động vật rừng gây nuôi để mua, bán, kinh doanh trái phép.
Thực tế, thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho thấy từ năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã phát hiện 33 vụ vi phạm về mua bán, tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật (tịch thu tang vật là 186 cá thể, trọng lượng 397,9kg).
Trong đó, có tới 21 vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã từ Lào vào Quảng Trị, tịch thu tang vật 161 cá thể, trọng lượng 325,2kg.
Các loài động vật hoang dã phổ biến bị các đối tượng buôn lậu vận chuyển, mua bán trái pháp luật, chủ yếu là tê tê, kỳ đà, khỉ và rùa.
Tuy nhiên, con số tang vật mà Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị thống kê, công bố trên cũng mới chỉ là một “phần nổi của tảng băng chìm” trong vấn nạn buôn bán “hàng rừng.” Bởi thực tế nhóm phóng viên ghi nhận cho thấy hoạt động rao bán thú rừng ở trên địa bàn tỉnh này diễn ra công khai, thậm chí diễn ra ở ngay đối diện trước cổng trụ sở Đội Kiểm soát Hải quan.
Điều lạ lùng là, sự công khai này, khách qua đường ai cũng biết, nhưng lực lượng chức năng lại không hay?
Nghịch lý: Tội phạm “theo dõi” ngược lực lượng chức năng
Trong diễn biến liên quan, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình – ông Nguyễn Văn Hệ cho rằng trong những năm gần đây, hoạt động vận chuyển các sản phẩm từ động vật hoang dã, nhất là các loài động vật “sách đỏ” như hổ – không còn phát hiện nhiều qua đường chính ngạch ở Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo của tỉnh Quảng Bình.
Thay vào đó, hoạt động vận chuyển “hàng rừng” thường được các con buôn tuồn lậu theo đường qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh) và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), hay các đường tiểu ngạch, băng suối, băng rừng.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Hệ cho rằng đặc thù ở Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo là cách khoảng 20km mới có nhà dân. Điểm tập kết hàng xa nên nếu vận chuyển “hàng rừng” ở trong nội địa ở trên địa bàn chắc chắn sẽ bị lộ.
Tuy vậy, người đứng đầu Cục Hải quan Quảng Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng qua biên giới tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra. Trong đó, đối tượng buôn lậu thường lợi dụng các mặt hàng kiểm tra xác suất, hàng rời có khối lượng lớn để trà trộn, cất giấu hàng lậu; cất giấu trong khúc gỗ hay gia cố các hầm hàng, thùng đáy sâu hoặc giấu hàng hóa tại nhiều vị trí khác nhau trên phương tiện vận tải để lách qua cửa khẩu.
“Thực tế, lực lượng hải quan gặp rất nhiều khó khăn, dù biết chính xác thông tin từ bên Lào là xe chở động vật quý hiếm, nhưng lại không biết cách mở ‘mật thất.’ Thậm chí, một số trường hợp, chủ xe khi bị kiểm tra vẫn tự tin “đối phó” để qua mặt lực lượng chức năng. Vì thế, chúng tôi phải đưa xe tới garage ôtô gần nhất để kiểm tra, mới phát hiện được những ‘hầm’ cất giấu bí mật,” ông Hệ nói.
Tại Quảng Trị, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan – ông Lê Mai Anh trong cuộc trao đổi với chúng tôi cũng chỉ ra một loạt phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng, khiến lực lượng hải quan gặp khó khăn trong công tác kiểm soát, ngăn chặn.
Một số phương thức vận chuyển được ông Mai Anh chỉ ra là: đối tượng trà trộn, cất giấu động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan vào trong hàng hóa nhập khẩu; cất giấu vào các phương tiện vận tải hành khách, phương tiện vận tải phi thương mại qua lại cửa khẩu để vận chuyển qua cửa khẩu.
Đáng chú ý nhất là việc “các đối tượng vi phạm thuê người cảnh giới, theo dõi các hoạt động để đối phó với việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng hải quan.”
Theo ông Mai Anh, sau khi “hàng rừng” tuồn qua biên giới, các đối tượng buôn lậu chủ yếu thuê người sử dụng đò gắn máy cải tiến vận chuyển hàng dọc sông Sê Pôn (dài hơn 10 km). Lợi dụng vào thời tiết mưa gió, trời tối, địa hình phức tạp hoặc khi các lực lượng chức năng không có mặt để đưa hàng lậu, hàng cấm vào bờ sông phía Việt Nam và tập kết vào các kho hàng…
“Hàng hóa sau khi được tập kết dọc tuyến biên giới sẽ tiếp tục được đưa lên các phương tiện vận tải như xe khách, xe tải nhỏ (chạy với tốc độ cao, không chấp hành hiệu lệnh) để vận chuyển về nội địa tiêu thụ,” ông Mai Anh nói.
Cũng như Quảng Trị, Quảng Bình, hoạt động tuồn lậu động vật hoang dã từ bên kia biên giới (Lào) qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo ở tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian qua cũng diễn biến rất phức tạp. Thậm chí, theo ông Trương Quốc Long – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, trước đây, trên địa bàn từng có thời điểm, đối tượng buôn lậu vận chuyển cả tạ thịt động vật hoang dã từ Lào về Việt Nam.
Về phương thức vận chuyển, ông Long cho biết hiện nay các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn nhồi nhét động vật hoang dã vào hàng hóa xe tải, xe khách.
“Kiểu như trong một cái hộp xốp, họ (các đối tượng buôn lậu) thường trà trộn thịt động vật hoang dã vào bên dưới thịt lợn, thịt bò thông thường; hay xe khách, họ chia nhỏ bộ xương thú ra rồi gửi nhờ vào hành lý của nhiều người. Riêng con chồn, dúi, họ có thể bỏ mấy con vào những cái hộp nhỏ, trà trộn vào hàng hóa. Những kiểu vận chuyển này chắc chắn là có,” ông Long thẳng thắn chia sẻ.
Để làm rõ hơn về hoạt động trên, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại theo số máy di động của ông Bùi Thanh San – Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh và đến đặt lịch làm việc trực tiếp với vị này thông qua Văn phòng Cục Hải quan Hà Tĩnh. Thế nhưng, tất cả các lần liên hệ, ông San đều lấy lý do bận, không có mặt ở cơ quan để từ chối thông tin.
Qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy trước khi được điều động, bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh, ông San đã từng có thời gian hơn 6 năm làm Cục trưởng Hải quan Quảng Trị (từ năm 2015-2022). Đây cũng là quãng thời gian, hoạt động vận chuyển, buôn bán thú rừng ở trên địa bàn tỉnh này rất “nóng”.
Cần “bắt tay trách nhiệm”, phối hợp hành động thực chất
Theo tìm hiểu của phóng viên, để góp phần kiểm soát, ngăn chặn vấn nạn buôn bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã trái phép, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cơ quan chuyên môn như Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp và một số tỉnh biên giới giữa 2 nước Việt Nam với Lào đã có “Bản ghi nhớ” phối hợp.
Gần nhất, ngày 24/2/2023, Cục Kiểm lâm Việt Nam phối hợp với Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào đã tổ chức “Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện biên bản ghi nhớ giữa hai bên giai đoạn 2017-2022 và thảo luận các hoạt động phối hợp giai đoạn 2023-2028.” Theo đó, hai bên thống nhất sẽ tăng cường phối hợp ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép động, thực vật quý hiếm qua biên giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tiến sỹ Vương Tiến Mạnh – Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, mặc dù các cơ quan chuyên môn giữa 2 nước Việt Nam với Lào đã có biên bản hợp tác, quy chế phối hợp, tuy nhiên để “hoạt động” thì lại không.
“Có chăng, mỗi năm, các cơ quan chuyên môn giữa 2 nước cũng chỉ gặp nhau 1 lần để giao ban, nói chuyện, còn chia sẻ thông tin thường xuyên hay hoạt động cụ thể lại không có để thúc đẩy, theo đuổi giải quyết triệt để,” ông Mạnh đánh giá.
Trước thực tế trên, ông Mạnh cho rằng thời gian tới cần phải có những “áp lực quốc tế.” Tức là bằng những công bố, báo cáo để thúc đẩy các cán bộ quản lý liên quan giữa 2 nước Việt Nam và Lào cần phải hành động trách nhiệm hơn.
“Ví dụ bây giờ công bố báo cáo liên quan đến việc tham nhũng hay để tình trạng buôn bán động vật hoang dã diễn ra ở trên đất nước mà không thấy hoạt động ngăn chặn gì thì cần phải có trách nhiệm,” ông Mạnh nêu quan điểm.
Từ góc độ chuyên gia, ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng cho rằng với hiện trạng buôn bán động vật hoang dã giữa Lào và Việt Nam như Báo Điện tử VietnamPlus thông tin, các cơ quan thực thi pháp luật của hai bên, nhất là các lực lượng kiểm lâm, hải quan, biên phòng cần có các chương trình hợp tác chặt chẽ hơn để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; kiên quyết “đấu tranh” ngăn chặn các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép.
Theo ông Nguyên, với đặc thù hai quốc gia chung đường biên giới, rất nhiều loài động vật hoang dã sinh sống, di chuyển xuyên biên giới, khu vực rừng giáp biên của Lào và Việt Nam vì vậy là sinh cảnh sống chung, cho nên việc mất mát, suy giảm các loài hoang dã ở bất kỳ nước nào cũng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của cả hai bên, qua đó tác động đến đa dạng sinh học toàn cầu.
“Trước đây cũng đã có một số thảo luận về việc thiết lập các khu bảo tồn hoặc các khu di sản thiên nhiên xuyên biên giới giữa hai quốc gia. Thiết nghĩ đây là sáng kiến tốt và cần thiết để thúc đẩy hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học giữa Lào và Việt Nam mà Chính phủ hai bên có thể biến thành hiện thực,” ông Nguyên kiến nghị.
Về phía cơ sở, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn nói chung và tại các khu vực biên giới trong việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về động vật rừng đến nay vẫn chưa chặt chẽ. Vì thế, việc đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép trên địa bàn nói chung và tại khu vực biên giới với nước bạn Lào là rất quan trọng và cần thiết.
Theo đó, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị nhấn mạnh thời gian tới, để kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã qua biên giới, đơn vị này sẽ xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Savanakhet và Saravane (Lào); và thường xuyên tăng cường công tác quản lý, chống mua, bán, săn bắt, vận chuyển thú rừng trên tuyến biên giới.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị sẽ phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quan và các cơ quan liên quan khác của các tỉnh Savanakhet và Saravane về tăng cường công tác phòng, chống nạn mua, bán, săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã ở các cửa khẩu cũng như các đường mòn, lối mở thuộc vùng biên giới.
Có chung quan điểm, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình – ông Nguyễn Văn Hệ cho rằng vấn đề hiện nay là cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn, cũng như tận dụng thế mạnh của từng ngành (hải quan kiểm tra hàng hóa; biên phòng, công an khống chế đối tượng liên quan đến các vụ vi phạm).
Cùng với “cái bắt tay trách nhiệm” giữa các lực lượng chức năng của từng tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn tại các tỉnh giáp ranh biên giới giữa 2 nước Việt Nam và Lào trong công tác quản lý, ngăn chặn vấn nạn buôn bán động vật hoang dã cũng cần phải thực chất và thường xuyên hơn. “Theo đó, thời gian tới, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, Cục Hải quan Quảng Bình sẽ thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, với lực lượng hải quan của Lào”, đại diện Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội thảo đánh giá “Việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi Công ước CITES (Công ước về Thương mại Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp)” diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cũng nhấn mạnh là một trong những bên ký kết sớm nhất đối với Công ước CITES, Quốc hội cam kết sẽ xây dựng một Việt Nam ngày càng vững mạnh hơn.
Là người tiêu dùng văn minh để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng
Tuy nhiên, chỉ sự ngăn chặn, quyết liệt ở phía lực lượng chức năng (đặc biệt là lực lượng hải quan, kiểm lâm) tại các tỉnh giáp ranh biên giới giữa 2 nước Việt Nam và Lào là chưa đủ. Điều cần thiết song song đó là sự thấu hiểu và thức tỉnh của người tiêu dùng-nguồn cầu dẫn đến nguồn cung- gốc rễ của vấn nạn buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.
Trong một chuyến thực địa, phóng viên chúng tôi đã chứng kiến một câu chuyện như sau: Một nhóm gia đình hơn 10 người cùng dừng ăn trưa ở một nhà hàng gần biên giới, chủ quán đã mời chào gia đình đó ăn thịt thú rừng.
Hầu hết mọi người trong nhóm đều đồng ý, nhưng có một cô gái chừng 24, 25 tuổi đã phản đối rất quyết liệt. Theo cô, ăn thịt thú rừng chính là tiếp tay cho việc hủy hoại môi trường sinh thái sinh vật qua đó tác động lại “mẹ thiên nhiên,” sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng, “trong đó có chính chúng ta”- [lời cô gái-PV].
Khi người chủ quán lập luận rằng: “Người ta đã bắn, không ăn thì con thú cũng chết rồi, liên quan gì đâu?” Cô gái đã trả lời dứt khoát: “Tất cả đều liên quan mật thiết đến nhau , không ăn thì sẽ không bán được, không bán được thì sẽ không mua, người đi săn không bán được thì cũng sẽ không săn nữa…” Trước thái độ cương quyết của cô gái, nhóm của cô đã vui vẻ chọn lựa món gà thả đồi, cá suối và rau rừng để có một bữa ăn mà như họ nói “ngon đứt lưỡi” lại “bổ, rẻ.”
Vâng, chỉ cần mỗi người trong chúng ta ý thức được như cô gái kia và kiên quyết nói “Không” với những thực phẩm từ động vật hoang dã, thì chẳng những đó là sự góp phần rất lớn vào việc cắt đứt nguồn cầu, qua đó chặn đứng được đường dây buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.
Với những ai còn có tư tưởng rằng các loại cao từ động vật hoang dã sẽ mang lại sự bồi bổ sức khỏe, những món ăn từ động vật hoang dã sẽ ngon miệng và đưa rượu hơn… thì hãy xem các bức ảnh mà chúng tôi đã rất khó khăn để mang về để thấy “cái bổ, cái ngon” đó sẽ “giết” sức khỏe của họ ra sao?
Một khía cạnh của tầm nhìn, cam kết đó là từng bước xóa bỏ tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và các đối tác quốc tế, sự tuyên truyền sâu rộng của báo chí đến người tiêu dùng,… chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ cải thiện công tác quản lý và thực thi pháp luật về động vật hoang dã; kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm bất hợp pháp, và cuối cùng sẽ mang lại một Việt Nam “xanh” hơn cho các thế hệ tương lai.
Tác giả: Hùng Võ – Hoài Nam
Thiết kế: Hoàng Long