Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh

Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, buôn bán động vật hoang dã (thú rừng) bất hợp pháp đang xếp thứ 4 về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, sau buôn bán ma tuý, buôn bán vũ khí và buôn bán người. Đây cũng là loại tội phạm có liên quan và liên kết mật thiết không thể tách rời tới các hình thức tội phạm tinh vi khác gồm: rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng.

Chợ thú rừng: Thâm nhập loạt “điểm nóng” bên kia biên giới (Kỳ 1)

Mánh khóe, luật ngầm và độc quyền tuồn lậu động vật hoang dã

Lộ trình hàng cấm từ nhà hàng đến chợ vùng biên và bên kia biên giới

Thực trạng buôn bán động vật hoang dã không chỉ đã và đang khiến nhiều loài động vật “sách đỏ” đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, thậm chí gây ra các loại dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng. Nguyên do là động vật hoang dã “thẩm lậu” trên thị trường thường bị tiêm thuốc, tẩm các loại chất bảo quản nguy hại không nguồn gốc cũng như đã phát sinh bệnh trong quá trình bị săn bắt, vận chuyển…

Từ thông tin do của các tổ chức bảo tồn quốc tế công bố trong quý I năm 2023, trong đó nhấn mạnh Việt Nam là một trung tâm toàn cầu của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã và đường nhập khẩu chủ yếu là từ Lào, Báo Điện tử VietnamPlus đã quyết định vào cuộc với mục tiêu: Lật tẩy chiêu bài “tuồn hàng rừng” trái phép của các đối tượng đầu nậu chuyên vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp từ bên kia biên giới vào Việt Nam.

Vào vai vị khách đang có nhu cầu săn mua mặt hàng động vật hoang dã để phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhà hàng, từ giữa tháng 5/2023, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có hành trình xuyên quốc gia trong hơn 3 tháng để tiếp cận vào một loạt “điểm nóng” buôn bán thú rừng bất hợp pháp ngay trên đất Lào.

Trong suốt thời gian dài đi sâu vào thực tế, từ núi rừng tới hàng chục khu chợ, nhà hàng, cửa khẩu của Lào – tiếp giáp với các tỉnh miền Trung của Việt Nam, phóng viên VietnamPlus đã ghi lại vô vàn hình ảnh về hoạt động mua-bán đủ các loài thú rừng (từ sóc bay, kỳ đà mây, cầy hương tới tê tê, lợn rừng, gấu, sơn dương, bò tót và hổ) bất chấp việc Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào đã ban hành rất nhiều quy định cũng như lệnh cấm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, thậm chí có thể bị phạt tù. Thế nhưng, vì đồng tiền, lợi nhuận, hoạt động trái phép trên vẫn diễn ra thách thức tất cả.Hàng loạt phương thức tinh vi để tuồn lậu thú rừng từ Lào về Việt Nam đã diễn ra phức tạp thông qua các đường dây vận chuyển lắt léo, ma mãnh, thậm chí có sự “thỏa thuận ngầm” với cán bộ cơ quan quản lý có liên quan để “hàng rừng” được thông suốt bằng con đường chính ngạch. Nguồn thú rừng sau khi được tuồn lậu qua các cửa khẩu, lại tiếp tục được các con buôn phân phối “độc quyền” bằng xe khách, xe tải,… để đưa tới các nhà hàng, bàn nhậu trên cả nước…

Trong quá trình điều tra, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cũng đã ghi nhận được những chiêu trò tẩm ướp hóa chất bảo quản nguy hại như Formaldehyde lên cơ thể thú rừng, những con thú bị bệnh bị tiêm đủ các loại thuốc để giữ “mạng sống” trước khi lên bàn nhậu…

Đáng buồn hơn, phóng viên đã chứng kiến và ghi nhận về sự thản nhiên, bất chấp của những người tiêu thụ, họ hoàn toàn bất chấp bỏ qua những cảnh báo về huỷ hoại thiên nhiên, sự tuyệt chủng của các loài vật trong “sách đỏ,” bất chấp nguy cơ sức khoẻ bị ảnh hưởng cũng như nguy cơ có thể phát tán lây lan dịch bệnh ra cộng đồng…

Có thể nói “thế giới ngầm” giết hại, tuồn lậu động vật hoang dã chính là đưa tội ác và dịch bệnh vào thị trường Việt Nam cũng như sự tiêu thụ vô trách nhiệm của một bộ phận người tiêu dùng đã thúc đẩy cho tội ác và nguồn dịch bệnh này lan tỏa.

Sau hơn 3 tháng gian nguy đi sâu vào các “điểm nóng” để điều tra, tìm hiểu thực tế, loạt bài: “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” đã được phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus xây dựng với mục đích gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến “dân nhậu” – đối tượng tiêu thụ – nguồn cầu thúc đẩy các hoạt động phạm pháp, từ buôn bán, vận chuyển đến cung cấp, chế biến các loài động vật hoang dã.

Đồng thời, loạt bài cũng đưa ra những giải pháp căn cơ – qua đó kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng ở địa phương; sự phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh biên giới 2 nước Việt Nam và Lào trong “cuộc đấu tranh” phòng chống buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, ngăn chặn việc tiêu thụ những con vật của rừng gìn giữ môi trường sinh thái Xanh và bền vững cho cộng đồng, cho tương lai.

Tác giả: Hùng Võ – Hoài Nam

Thiết kế: Hoàng Long

Nguồn: