Lộ trình hàng cấm từ nhà hàng đến chợ vùng biên và bên kia biên giới

Giữa tháng 5/2023, anh bạn đang công tác trong lĩnh vực bảo tồn tại Lào gọi điện cho tôi tỉ tê: “Sang Lào chuyến đi em. Bên này buôn bán động vật hoang dã tràn lan ở các khu chợ, xót lắm! Người ta còn tuồn lậu về Việt Nam qua các các đường tiểu ngạch và cửa khẩu quốc tế ở miền Trung như Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo…”​.

Sau cuộc điện thoại, tôi tìm gặp người bạn là giám đốc của một trung tâm bảo tồn tại Việt Nam để hỏi thêm thông tin, người bạn ngay lập tức khuyến khích: “Đề tài hay, em làm đi, đây không chỉ là vấn nạn cần được ngăn chặn để bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, mà còn giảm thiểu các mầm bệnh có thể lây từ động vật sang người.”

“Máu nghề” trỗi dậy, tôi nhanh chóng báo cáo lãnh đạo tòa soạn và lên kế hoạch cho hành trình “xuyên quốc gia” dài ngày, để trực tiếp thâm nhập vào một loạt các “điểm nóng” buôn bán động vật hoang dã trái phép từ bên kia biên giới – Lào.

Chợ thú rừng: Thâm nhập loạt “điểm nóng” bên kia biên giới (Kỳ 1)

Mánh khóe, luật ngầm và độc quyền tuồn lậu động vật hoang dã

Lần theo manh mối từ những quán nhậu

Trước khi đặt chân tới đất nước triệu voi, chúng tôi quyết định dừng chân tại huyện biên giới Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây từng là một trong những “cứ điểm” tuồn lậu thú rừng “khét tiếng” nhất ở miền Trung và cả nước.

Mặc dù, tại thời điểm cuối tháng 5/2023, ở huyện Hương Sơn không còn cảnh người dân treo bán tràn lan các loài thú rừng ở ven đường như thông tin mà báo chí trước đây từng phản ánh.

Thế nhưng, khi nhóm phóng viên đi sâu vào tìm hiểu, sự tình lại không hẳn vậy, mà thực tế các hoạt động trên đã được các đối tượng buôn lậu “rút vào bí mật,” lén lút và tinh vi hơn.

Theo tiết lộ của chủ một quán rửa xe nằm ở ven đường quốc lộ 8A hướng lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, du khách đến với thị trấn Tây Sơn, muốn mua hay ăn thịt động vật hoang dã từ núi rừng thì lựa chọn nhanh gọn nhất là vào các nhà hàng.

Từ gợi ý trên, chúng tôi tiếp cận “Om Khăn quán” – điểm ăn nhậu có tiếng mang tên của bà chủ quán người Lào ở thôn 3 (Diệm Sơn, thị trấn Tây Sơn). Xung quanh quán ăn này được bố trí “hệ thống giám sát an ninh” chằng chịt bởi camera thiết bị lắp từ trên các góc nhà đến dưới bếp.

Ngoài ra, ở đây còn có sự hỗ trợ bởi hệ thống “camera chạy bằng cơm” là những thành viên, người thân trong gia đình. Chúng tôi đặt vấn đề muốn mua đồ rừng, bà chủ Om Khăn quán – sau một vài câu dò xét cơ bản đã lập tức “chào hàng” bằng con sóc bay sặc sỡ sắc màu và cho biết có thể chế biến món xào sả ớt hoặc nấu canh đắng với giá 200.000 đồng/con.

Khi chúng tôi hỏi sóc nuôi hay bẫy từ tự nhiên? Một thanh niên giới thiệu là chồng của bà chủ Om Khăn, cho biết sóc lấy từ bên kia biên giới – huyện Khamkeut (tỉnh Bolikhamxay, Lào) về. Như để chứng minh, người thanh niên chỉ tay vào vết thương trên thân con sóc đã chết và nói: “Sóc rừng, bị người dân họ dùng súng bắn chết. Đây! Trên cổ còn nguyên vết đạn, ăn có khi còn thấy viên đạn đó.”

Vừa dứt lời, chuông điện thoại từ người thanh niên vang lên, gã bảo có khách đặt ăn tối. Trong lúc gã ra ngoài nói chuyện, chúng tôi dò hỏi Om Khăn thêm thông tin về các mặt hàng thú rừng khác. Giọng lạnh tanh, bà chủ quán bảo trong bếp còn có con cầy hương nặng gần 3kg, đang để trong tủ đông, đảm bảo 100% hoang dã.

Chưa hết bất ngờ, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn được người dân giới thiệu về Tuyết – “bà trùm” cao thú khét tiếng ở thị trấn Tây Sơn.

Tuyết chuyên nấu cao từ xương của các loài động vật như khỉ, sơn dương, gấu, hổ. Địa điểm giao dịch ở ngay trong một ngôi nhà được “bà trùm” giới thiệu là nơi đặt trạm khí tượng thủy văn, nằm ven đường quốc lộ 8A hướng lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Trước khi tiếp cận, qua điện thoại, với bản tính của con buôn, Tuyết dò xét ngay: “Em có phải công an không, nếu là công an thì bắt chị luôn đi, chị chẳng sợ.” Nhưng khi tôi khẳng định không phải thì bà hẹn gặp và thẳng thắn giới thiệu ở chỗ bà có rất nhiều loại cao: từ cao khỉ, cao trăn, tới cao gấu, sơn dương và hổ.

“Bọn em muốn mua cao khỉ, cao hổ xịn thì cứ liên hệ chị, chị mang cả con về nấu trực tiếp cho em xem luôn. Riêng cao hổ thì hơi đắt. Hổ chuẩn giá 35 triệu đồng/lạng. Giá 1 con hổ khoảng 500-600 triệu, tiền tỷ cũng có. Hàng đảm bảo thật, đưa từ Lào về. Nhưng làm cao hổ bây giờ vất vả lắm, dễ đi tù lắm,” Tuyết nói.

Ngoài ra, “bà trùm” trên cũng không quên khoe trong tủ lạnh tại nhà mình hiện còn có thịt lợn rừng, cầy hương, rùa, sóc bay và sơn dương. Theo lời Tuyết thì tất cả nguồn “hàng” động vật hoang dã này đều được mang về từ bên kia biên giới.

Cần thú gì cũng có: Tất cả bắn – bẫy từ rừng

Quyết tâm đi xác thực “hàng” rừng được mang về từ bên kia biên giới, sáng 23/5, chúng tôi nhanh chóng di chuyển sang huyện Khamkeut (tỉnh Bolikhamxay) để trực tiếp thâm nhập vào một loạt “điểm nóng” về buôn bán động vật hoang dã được cho là “nguồn cung” của các đường dây tuồn lậu thú rừng về Việt Nam. Các nguồn hàng ở đây được các con buôn săn bắt từ trong rừng và đem ra chợ bán cho các chủ nhà hàng trên địa bàn, người dân và khách du lịch đến từ Việt Nam.

Từ thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) qua trung tâm của huyện Khamkeut chỉ khoảng 60 kilômét, nhưng chúng tôi mất hơn 3 giờ đồng hồ để làm thủ tục “xuất ngoại” và di chuyển bằng ôtô. “Hoa tiêu” đón chúng tôi từ bên kia biên giới, tại Cửa khẩu Quốc tế Namphao thuộc huyện Khamkeut là anh bạn chuyên gia về động vật hoang dã hiện đang công tác tại một trường đại học ở Lào.

Chiều cùng ngày, theo chỉ dẫn của anh bạn chuyên gia, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận khu chợ Laksao ở huyện Khamkeut. Đây là một trong những “điểm nóng” buôn bán thú rừng có tiếng ở tỉnh Bolikhamxay.

Hình ảnh tại chợ Laksao ở huyện Khamkeut, một trong những “điểm nóng” buôn bán thú rừng có tiếng ở tỉnh Bolikhamxay

Ngay khi có mặt tại chợ, chúng tôi với các thiết bị ghi hình cài sẵn đã phải hoạt động hết công suất bởi cảnh rao bán động vật hoang dã diễn ra công khai.

Tại đây, có khoảng 5-7 sạp hàng bày la liệt các loài hoang dã như sóc, kỳ đà mây, gà rừng được các “con buôn” đặt trên những tấm kệ gỗ, để phục vụ người mua. Tất cả số động vật này đều bị bắn chết, nhiều con, vẫn nguyên những viên đạn găm trên cơ thể.

Có những con kỳ đà vân đã bị chặt từng khúc. Xót xa nhất là hình ảnh những “gia đình” sóc bay bị chết vẫn còn ôm, quấn lấy nhau…Theo lời các chủ buôn, nếu khách hàng “chê” hàng đông lạnh mà muốn mua hàng sống cũng “có ngay”.

Hình ảnh những “gia đình” sóc bay bị chết vẫn còn ôm, quấn lấy nhau ở chợ Laksao
Hình ảnh những “gia đình” sóc bay bị chết vẫn còn ôm, quấn lấy nhau ở chợ Laksao
Phóng viên VietnamPlus nhập vai người tìm mua kỳ đà sống tại chợ Laksao
Kỳ đà bị xẻ thịt bán tại chợ Laksao
Các loại sản vật từ rừng được bán ở chợ Laksao

Cách chợ Laksao khoảng hơn 170km, hoạt động buôn bán thú rừng tại chợ Houay Aek thuộc tỉnh Khăm Muồn (nằm trên đường 13, ngay sát Khu Bảo tồn Đa dạng Sinh học Quốc gia Phou Hin Poun) cũng diễn ra công khai. Tại đây có hơn 10 sạp hàng bán động vật hoang dã, chủ yếu là sóc bay, kỳ đà vân, gà rừng, cầy hương.

Khi chiếc xe mang biển kiểm soát Hà Nội của chúng tôi đỗ xuống, những người phụ nữ bán hàng trẻ có, già có ùa tới chào mời vừa ra hiệu lẫn giọng Lào lơ lớ tiếng Việt về thứ hàng mà họ bẫy bắt được từ núi rừng: “Kỳ đà, kỳ đà, cầy hương…”

Không mời suông, những người bán hàng thoăn thoắt luồn tay xuống dưới gầm bàn lấy ra những túi lưới đựng kỳ đà đang sống rồi lần lượt lôi ra đặt lên mặt bàn khoe với khách lạ.

Sau màn mời chào bằng kỳ đà, các “con buôn” tiếp tục lôi ra một loạt cá thể cầy hương đã chết cứng được cất giấu trong các thùng gỗ.

Các loại kỳ đà được bày bán công khai ở chợ Houay Aek thuộc tỉnh Khăm Muồn

Tiến lại gần, chúng tôi hỏi về nguồn hàng trên là nuôi hay săn bắt từ tự nhiên? Tại quầy hàng nào, người bán cũng khẳng định như đinh đóng cột là “từ rừng, tự nhiên.”

Như để chứng minh, các “con buôn” chỉ tay vào những vết thương còn dính máu trên thân từng cá thể sóc bay, cầy hương và nói “do trúng đạn.” Với kỳ đà thì hầu hết dưới phần chân và trên phần miệng đều có vết thâm do dính bẫy.

Qua quan sát, nhẩm đếm, chúng tôi ghi nhận tại khu vực chợ này có khoảng gần 30 con kỳ đà mây, có trọng lượng từ 1,6-2,5kg tùy theo con, được bán với giá 200.000 kíp/con. Cầy hương có hơn 10 con, mỗi con có trọng lượng từ 3-3,7kg, giá rao bán 350.000 kíp/con.

Cầy hương có hơn 10 con, mỗi con có trọng lượng từ 3-3,7kg, giá rao bán 350.000 kíp/con

Sau lời chào hàng, những người bán đều nở nụ cười và không quên buông lời bằng cả 2 thứ tiếng Việt và Lào rằng “mua nhiều sẽ giảm giá.”

Khi chúng tôi hỏi nếu mua “mặt hàng cấm” trên đưa về Việt Nam liệu có bị bắt? Hầu hết những người bán hàng tại chợ Houay Aek đều bảo không sao; cũng không ngần ngại tiết lộ rằng mặt hàng này phần lớn là người Việt Nam đi du lịch mua.

Tiếp tục hành trình, sáng 25/5, trên đường đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi tạt vào khu chợ Ban Khok (tỉnh Salavan) nằm ngay ven đường 12 hướng ra cửa khẩu Cha Lo tỉnh Quảng Bình của Việt Nam.

Tại đây, hoạt động buôn bán thú rừng cũng diễn ra rất phổ biến, với khoảng hơn 10 sạp hàng bày bán sóc bay, kỳ đà mây. Tất cả các loài động vật hoang dã trên đều được đặt công khai trên kệ bàn.

Thịt thú rừng bày bán tại chợ Ban Khok (tỉnh Salavan)

Khi chúng tôi hỏi có thú nào khác không? Nhanh như chớp, một số người bán sau một lúc rời khỏi sạp hàng, đã kéo tới những chiếc bao tải đựng đầy cầy hương nguyên con, thậm chí cả khúc đầu sơn dương, đùi/đầu lợn rừng còn nguyên lông.

Tất cả các cá thể động vật hoang dã, quý, hiếm này đều được người buôn tại chở khẳng định có nguồn gốc từ rừng và đều chung một “kịch bản chết” là do súng đạn.

Thời điểm chúng tôi tiếp cận vào lúc 10 giờ sáng 25/5, rất nhiều xe ôtô cả biển số xe của Lào và Việt Nam đều đang ghé vào chợ Ban Khok hỏi mua hàng, phổ biến nhất là mua thịt lợn rừng, sóc bay, gà rừng, chuột đá và cầy hương, cà cuống…

Những kho hàng bí mật chứa đầy động vật “Sách Đỏ”

Ngoài các khu chợ trên, dọc đường 12 và đường 13 từ tỉnh Bolikhamxay, Salavan đến thành phố Viêng Chăn, chúng tôi còn ghi nhận một loạt các chợ địa phương khác (như chợ Thang Paek – tiếng Việt là Đường Rẽ, Thongnamy, Indochina, Nanga, Phahom) cũng có bán động vật hoang dã, phổ biến là kỳ đà mây và sóc.

Đáng chú ý nhất là tại chợ Thongnamy thuộc tỉnh Bolikhamxay. Khi thấy chúng tôi đi vào chợ và nói tiếng Việt hỏi về thú rừng, có khoảng 7-9 người phụ nữ bán hàng tại đây, liền lôi từ dưới kệ bàn những chiếc bao tải chứa đầy kỳ đà mây ra chào khách.

Sau đó, mỗi người 2 tay cầm đuôi 2 cá thể kỳ đà to nhất, đứng vây xung quanh (mỗi con có chiều dài gần 1m) khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ.

Kỳ đà cỡ lớn được rao bán tại chợ Thongnamy thuộc tỉnh Bolikhamxay
Mỗi con kỳ đà ở đây có chiều dài lên tới gần 1m
Tại thời điểm phóng viên tiếp cận vào ngày 26/5, khu chợ này có khoảng 30 cá thể kỳ đà

Qua nhẩm tính, tại thời điểm chúng tôi tiếp cận vào ngày 26/5, tại khu chợ này có khoảng 30 cá thể kỳ đà (có cân nặng từ 3,2 đến 5kg – tùy theo cá thể, cá biệt có con nặng tới hơn 7kg) được các chủ buôn mang ra khoe với khách, chưa kể những cá thể khác (không rõ số lượng) đang được các chủ buôn cất trong bao tải.

Trên đường di chuyển tới thành phố Viêng Chăn, chúng tôi vào một quán cơm Việt Lào ở ven đường 12 thuộc địa phận tỉnh Salavan, ăn trưa. Tại đây, chủ quán người Việt tên Lan (tên nhân vật đã được thay đổi, sinh năm 1988, quê ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), đã đón chào chúng tôi bằng màn “chào hàng” đặc biệt chuyên về đồ rừng, với đủ loại động vật hoang dã từ rừng như: Sóc bay, cầy hương, trút (tê tê), lợn rừng, thậm chí cả hoẵng và gấu.

Trong câu chuyện, Lan kể chồng mình là người Hà Tĩnh sang làm việc tại Salavan gần chục năm.

Còn chị mới theo chồng qua Salavan được gần 2 tháng, nhưng đã tận tay xẻo thịt cả một con gấu to nặng hơn 40kg, do một người thợ săn ở trên địa bàn dùng súng bắn chết.

Lan kể chồng mình là người Hà Tĩnh sang làm việc tại Salavan gần chục năm. Còn chị mới theo chồng qua Salavan được gần 2 tháng nhưng đã tận tay xẻo thịt cả một con gấu to nặng hơn 40 kg, do một người thợ săn trên địa bàn dùng súng bắn chết

Con gấu này được Lan mua lại, đem về làm thịt. Sau đó, Lan đã bán 4 cái chân gấu cho khách với giá 15 triệu đồng.

“Chị bán xong, ai cũng bảo chị bán rẻ. Giờ chỉ còn cái mật gấu đang cất trong tủ lạnh, em mua chị bán cho, chỉ có 8 triệu thôi. Đảm bảo hàng thật,” Lan gạ mời.

Hình ảnh con gấu bị xẻ thịt trích từ một đoạn video của Lan

Để chứng minh rằng mình không “chém gió,” Lan liền lôi điện thoại ra mở cho chúng tôi xem đoạn video ghi lại cảnh chính chị và người nhà làm thịt gấu với những hình ảnh bê bết máu, được chia thành từng phần đặt trong những chiếc chậu khác nhau bao gồm: Đầu gấu, 4 chi/chân gấu, nội tạng, xương và thịt gấu.

Ngoài ra, chủ quán cơm Việt Lào trên cho biết nhà chị còn bán cả cao hổ thật đang để trong tủ lạnh, bán với giá 20 triệu đồng/1 lượng. Khách đặt tiền là có hàng.

Chưa hết bất ngờ về cảnh giết mổ gấu, rao bán cao hổ, quá trình tiếp cận khu chợ Phahom nằm trên địa bàn thị trấn Vang Viêng – cách Thủ đô Viêng Chăn khoảng 150km, chúng tôi còn tận thấy cảnh các “con buôn” rao bán trực tiếp hàng loạt bộ phận của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm như: Răng, nanh, móng của lợn rừng, gấu, hổ; vòng, nhẫn chế tác từ ngà voi; cả khúc và bộ sừng tê giác. Một số gian hàng còn bày bán các cá thể rùa đá quý, hiếm còn sống.

Ngoài các mặt hàng kể trên, tại nhiều gian hàng, người bán lôi ra các cá thể động vật hoang dã đã chết cứng như dúi, cầy vòi mốc. Thậm chí, một số gian còn rao bán nguyên chiếc đầu gấu, đầu sơn dương; mật, chân, đầu bò tót còn nguyên lông.

Một số gian hàng ở chợ chợ Phahom còn rao bán nguyên chiếc đầu gấu, đầu sơn dương, mật, đầu bò tót, rùa…

Tất cả các mặt hàng động vật “sách đỏ” này được các “con buôn” cất trong những chiếc bao tải giấu kín trong tủ gỗ và chỉ đưa ra khi thấy khách hỏi đến.

Qua ghi nhận của người viết, tại khu vực này có khoảng gần 40 gian hàng nằm sát ven đường, trong đó có tới hơn 20 gian bày bán mặt hàng thú rừng và có tủ gỗ cất giấu động vật hoang dã quý, hiếm. “Con buôn” trực tiếp bán hàng tại các gian hàng này chủ yếu là người địa phương, một số ít là người Trung Quốc.

Theo anh bạn chuyên gia đồng hành cùng chuyến đi, Phahom là một trong những “điểm nóng” về buôn bán động vật hoang dã lớn nhất ở Lào. Khu chợ này đã hình thành từ lâu. Khoảng 5 năm trở về trước, hoạt động buôn bán thú rừng tại Phahom cũng như các khu chợ khác trên đất Lào diễn ra rất phức tạp và công khai.

Hiện nay, tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép đã giảm đi rất nhiều so với trước nhưng đó chỉ là bề nổi, hễ có người hỏi là sẽ có hàng, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Tác giả: Hùng Võ – Hoài Nam

Thiết kế: Hoàng Long

Nguồn: