Theo báo cáo của UNEP, tài chính công dành cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu giảm 15% xuống còn khoảng 21 tỷ USD vào năm 2021, năm gần nhất có dữ liệu đánh giá.
Liên hợp quốc công bố báo cáo mới cho thấy các khoản tài trợ quốc tế dành cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển đã giảm trong năm 2021 bất chấp những tác động ngày càng nặng nề của tình trạng này.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), nhiều nước đang phát triển dù là nhóm thải ra ít khí gây hiệu ứng nhà kính nhất gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu nhưng lại là nhóm chịu tác động nặng nề nhất do thời tiết khắc nghiệt, nước biển dâng.
Trong bản đánh giá thường niên về hoạt động cung cấp tài chính chuẩn bị ứng phó biến đổi khí hậu, UNEP nhận thấy tài chính công dành cho các nước đang phát triển giảm 15% xuống còn khoảng 21 tỷ USD vào năm 2021, năm gần nhất có dữ liệu đánh giá.
Trong khi đó, các khoản tài chính thường niên mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu trong thập niên này ước tính tăng lên khoảng 387 tỷ USD.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo các cơn bão, hỏa hoạn, lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn và trên đà tiếp tục xấu đi, nên nhu cầu bảo vệ con người và thiên nhiên càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Khi Trái Đất ngày càng ấm lên, những tác động của biến đổi khí hậu gia tăng thì chi phí ứng phó cũng cao hơn.
Năm 2009, các nước giàu có cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển thích ứng và giảm khí thải vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2020, khoản tiền này mới chỉ có 83 tỷ USD, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Harjeet Singh, trưởng bộ phận chiến lược chính trị toàn cầu tại Mạng hành động khí hậu quốc tế, cho biết nếu không kịp thời thích ứng, thế giới sẽ phải chứng kiến giai đoạn tổn thất ngiêm trọng về người và môi trường sống do lũ lụt, hỏa hoạn và nước biển dâng.
UNEP cho biết kết quả phân tích chỉ ra rằng tài chính công cho thích ứng với biến đổi khí hậu giảm xuống 21,3 tỷ USD trong năm 2021, từ mức 25,2 tỷ USD năm 2020.
Báo cáo của UNEP nêu rõ đây là tiền lệ đáng lo ngại và đặc biệt là lại xảy ra đúng vào năm mà các nước giàu có cam kết tại hội nghị khí hậu Liên hợp quốc ở Glasgow (Anh) rằng đến năm 2025 sẽ tăng gấp đôi tài chính thường niên dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu so với năm 2019, lên 40 tỷ USD.
UNEP cho biết các nước đang phát triển sẽ cần thêm tài chính để chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khoảng từ 215 tỷ USD đến 387 tỷ USD/năm trong thập niên này. Con số này tương đương gần 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình của các nước đang phát triển, nhưng với nhóm ít phát triển nhất và các quần đảo nhỏ dễ chịu tác động thì tương đương khoảng 2% GDP.
Theo UNEP, kể cả khi các chính phủ thực hiện được cam kết tăng gấp đôi tài chính thích ứng vào năm 2025, khoảng cách giữa số có sẵn và số cần có vẫn rất lớn, do đó cần nhiều nguồn tài chính bổ sung. Các nguồn này bao gồm cả tài chính quốc tế và tài chính tư nhân, cùng các cải cách Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà các nước đang phát triển đề xuất.
Báo cáo nhấn mạnh đầu tư cho thích ứng là khoản đầu tư tốt, dẫn chứng kết quả nghiên cứu cho thấy 1 tỷ USD đầu tư cho thích ứng với tình trạng ngập lụt ven biển có thể giảm 14 tỷ USD thiệt hại kinh tế.