Các loài chim nhiệt đới, từ bói cá, hồng tước cho đến chim chích, đang có dấu hiệu bị ô nhiễm thủy ngân khi hoạt động khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ tiến sâu hơn vào rừng rậm.
Theo nghiên cứu được công bố hôm 2/11 trên tạp chí Ecotoxology, những con chim sống trong phạm vi 7km của khu vực khai thác vàng thủ công được phát hiện có nồng độ thủy ngân cao hơn bốn lần so với những con sống ở các địa điểm khác trên khắp vùng nhiệt đới Trung và Nam Mỹ.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Chris Sayers – nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học California Los Angeles (Mỹ) cho biết: “Đó là lời cảnh tỉnh cho việc bảo tồn chim trên toàn thế giới ở vùng nhiệt đới”.
Đa dạng sinh học chim nhiệt đới đã suy giảm trong những thập kỷ gần đây, nhưng các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn về nguyên nhân.
Trong 17 năm, từ 2006 đến 2023, hàng chục nhà khoa học thu thập hàng nghìn mẫu lông, máu và mô từ 322 loài chim trên 9 quốc gia ở Trung, Nam Mỹ và Tây Ấn, tạo ra cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới cho đến nay về nồng độ thủy ngân trong chim. Nghiên cứu này bổ sung thêm sự hiểu biết ngày càng rõ ràng về cách thủy ngân – được các thợ đào vàng sử dụng để tách kim loại quý khỏi trầm tích – tác động đến động vật hoang dã ở vùng nhiệt đới như thế nào.
Khai thác vàng thủ công thường được thực hiện bất hợp pháp trong các khu vực được bảo vệ hoặc bên ngoài các khu bảo tồn. Việc hấp thụ hoặc ăn phải nước hoặc thực phẩm bị nhiễm thủy ngân gây ra bệnh thần kinh, bệnh miễn dịch và suy sinh sản ở người và một số loài chim.
Các mẫu được thu thập cho thấy, những loài chim ăn thịt hoặc sống ở môi trường có nước có hàm lượng thủy ngân cao nhất. Các điểm nóng về ô nhiễm thủy ngân bao gồm Madre de Dios, Peru và Ayapel, Colombia – những trung tâm khai thác vàng thủ công.