Quan tâm đến vấn đề bảo vệ chất lượng nguồn nước, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần chặt chẽ hơn trong quy định tiêu chuẩn nguồn nước và phân rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về vấn đề này.
Cần đảm bảo chất lượng nguồn nước, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không chỉ nước mặt mà cả nước ngầm, quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, hướng tới đạt tình trạng sinh thái tốt là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong buổi thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi sáng nay, 26/10.
Phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá dự thảo Luật lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều vấn đề, đáp ứng yêu cầu đổi mới từ thực tiễn quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân nhưng đang bị ô nhiễm hoặc nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết. Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.
Đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Bà bày tỏ thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật “bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước,” trong đó có bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; đặc biệt cũng có sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân. Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông. Bên cạnh đó phải quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.
Cũng quan tâm đến vấn đề nguồn nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng công trình cấp nước sinh hạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Quy định rõ trách nhiệm
Đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Để làm rõ trách nhiệm và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị làm rõ giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Bà nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan mà sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ, xây dựng tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rõ hơn trong quy định của Điều 26 dự thảo Luật.
Đây cũng là vấn đề được đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề cập. Ông đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo luật tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước về phương pháp, định hướng tiếp cận, mục tiêu, nguyên tắc, biện pháp cơ bản chung.
“Tôi cho rằng Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này cần xác định rõ mục tiêu môi trường và tiêu chuẩn chất lượng cho các nguồn nước, quy định rõ cơ quan có trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước, mục tiêu là đạt tình trạng sinh thái tốt, hoặc tiềm năng sinh thái tốt,” đại biểu Thịnh nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, dự thảo luật quy định cơ quan chịu trách nhiệm cho từng mục đích khai thác tài nguyên nước nhưng không thấy bóng dáng trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp, tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước liên quan đến quyền quản lý của cơ quan khác thì cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về thẩm quyền.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng của nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác, cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.
Ông Thịnh lấy ví dụ tại điểm 3 Điều 43 dự thảo luật chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, đại biểu đề nghị cần tách riêng thẩm quyền của hai cơ quan để tránh chồng chéo trong quản lý.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý dự thảo Luật về nhiều vấn đề như các hành vi bị cấm; cần tránh chồng chéo việc quy định bảo vệ nguồn nước với các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; tăng ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; thiết kế mô hình số hóa trong quản lý thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung; cần phải huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc bảo vệ tài nguyên nước…
Không đánh đổi môi trường
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết dự thảo Luật lần này đã có nhiều điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của các đại biểu như thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.
Ông Lê Quang Huy cũng khẳng định nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại, bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế và cho hay dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở 03 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta.
Lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý tại nghị trường, ông Lê Quang Huy cho biết ban soạn thảo dự án luật đã tham khảo kinh nghiệm của Hoa Kỳ và các nước châu Âu để học hỏi những điểm phù hợp. Về việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rà soát 48 luật liên quan trong đó có vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản…và sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ cặn kẽ để trình Quôc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.