Cách nào đẩy lùi buôn bán động vật hoang dã?

Việt Nam là một trong những quốc gia đối mặt nhiều thách thức do tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) gây ra. Để đẩy lùi tình trạng này, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý và thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD.

Báo động tình trạng buôn bán động vật hoang dã

Đánh giá về tình trạng buôn bán ĐVHD trái pháp luật rất nóng hiện nay, Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (WWF) Bùi Đăng Phong cho biết, buôn bán ĐVHD là hoạt động trái phép ước tính trị giá 20 tỷ USD mỗi năm. Những năm qua, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến của buôn bán ĐVHD, bởi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm (bao gồm cả của các quốc gia lân cận) là rất lớn. Nguyên nhân chính là bởi hoạt động này có rủi ro thấp nhưng lại cho lợi nhuận rất cao. Điều này vô hình trung khiến ĐVHD, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm đứng trước nguy cơ rơi vào bờ vực tuyệt chủng.

Bảo vệ ĐVHD là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cộng đồng có vai trò quan trọng đối với việc ngăn chặn hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ trái phép ĐVHD cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn của đại dịch, nguy cơ lây lan từ ĐVHD sang con người. Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức của chính quyền và người dân về tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD chưa đầy đủ và chưa đúng mức. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài ĐVHD chưa thực sự được coi trọng.

Tái thả động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Ảnh: Ánh Ngọc

Dẫn chứng về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, hiện nay còn nhiều người có tư tưởng thích sử dụng sản phẩm từ ĐVHD làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, quà tặng. Chính vì vậy, thời gian qua có nhiều loại ĐVHD quý hiếm, nguy cấp như: rùa đầu to, gấu, mèo rừng, cu li, hổ, tê tê… bị các đối tượng tìm mọi thủ đoạn vận chuyển, buôn bán, giết thịt trái phép.

Siết chặt công tác quản lý

Điều 244 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 quy định: “người có các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật; hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ, tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 1 – 15 năm”. Đây là những chế tài xử lý được đánh giá là nghiêm khắc nhất từ trước tới nay nhưng các hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn, thậm chí có nơi còn xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về ĐVHD vẫn diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp vận chuyển với số lượng lớn. Có trường hợp đối tượng người nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm nơi trung chuyển. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường thực thi pháp luật, thông qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, của cán bộ công chức đối với việc bảo vệ ĐVHD.

Một mặt tăng cường tuyên truyền không sử dụng sản phẩm từ ĐVHD, mặt khác siết chặt công tác quản lý Nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm về ĐVHD. Đồng thời đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm thông qua việc đấu tranh không khoan nhượng trong công tác xử lý các vụ án. Song song đó, tiếp tục kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục có những hành động mạnh mẽ bảo vệ các loài ĐVHD và môi trường sống tự nhiên của chúng.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.