Khoa học công nghệ đã đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp bền vững ở Việt Nam thời gian qua.
Tại diễn đàn “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững” vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Việt Nam đã định hướng phát triển để trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững trong thời gian tới”.
Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua. Chính nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước.
Các cải tiến về giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và số hoá là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cải thiện.
Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, tiềm năng công nghệ sinh học trong nông nghiệp rất lớn như: nhân giống chính xác, kỹ thuật nguồn gen, tăng vi chất bằng sinh học, tăng cường khả năng kháng bệnh…
Theo ông Duke Hipp, Giám đốc Đối ngoại và Hợp tác Chiến lược (CropLife Châu Á) cho rằng, các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và cây trồng công nghệ sinh học giúp giảm bớt phát thải khí nhà kính
Ông Duke Hipp cho biết, mạng lưới của CropLife trên toàn cầu đã triển khai hơn 300 dự án hợp tác với các đối tác trong chuỗi giá trị để triển khai tập huấn cho các nông hộ nhỏ, đảm bảo canh tác cây trồng một cách bền vững, tính tới nay đã tập huấn cho khoảng 4 triệu hộ nông dân.
“Với công nghệ chỉnh sửa gen, các nhà lai tạo giống cây trồng có thể phát triển ra những giống có khả năng thu giữ carbon, kháng sâu bệnh và mầm bệnh tốt hơn; thậm chí đẩy nhanh quá trình thuần hóa các loài cây trồng mới”, ông Duke Hipp nhấn mạnh.
Hiện, Việt Nam xuất khẩu nông sản thuộc nhóm nước xuất khẩu hàng đầu thế giới; 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 38,48 tỉ USD; trong đó, trồng trọt là 19,54 tỉ USD, chiếm khoảng 50,8% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.