Hàng loạt dự án ở Kon Tum để mất rừng

Sau khi được UBND tỉnh Kon Tum giao đất, cho thuê đất, hàng loạt dự án đã để mất rừng hoặc chiếm đất rừng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngày 18-10, ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan, kiến nghị khởi tố các dự án có dấu hiệu vi phạm hình sự trong việc để mất rừng huyện Kon Plông.

Dự án chiếm rừng, làm mất rừng

Những năm trước, tỉnh Kon Tum đã giao đất, cho thuê đất ở huyện Kon Plông để các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện 27 dự án về nông nghiệp, du lịch sinh thái, chế biến và thủy điện. Sau thời gian triển khai, tỉnh Kon Tum đã kiểm tra tại 25 dự án thì phát hiện có nhiều vi phạm, để mất rừng.

Tại tiểu khu 474, UBND tỉnh Kon Tum đã cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông thuê để thực hiện dự án nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông. Khi lực lượng chức năng, tỉnh Kon Tum đi kiểm tra thì phát hiện 2,52 ha rừng tự nhiên đã bị biến thành đất trống. Có mặt tại dự án này, phóng viên Báo Người Lao Động cũng ghi nhận một khoảng đất lớn trước đây là rừng, giờ đây đã được trồng cà phê, cây đã lên cao. Tại đây, hàng loạt gốc gỗ lớn sau khi bị đốn ngã đã mục ruỗng, cháy nham nhở, một số gốc cây vẫn nằm lấp trong những cây cà phê.

Những cây gỗ lớn bị đốn hạ tại dự án nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông của Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông

Còn tại dự án khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen (do Công ty TNHH Hoàng Tùng làm chủ đầu tư), khi lực lượng chức năng kiểm tra cũng đã xác định so với thời điểm được thuê đất, chủ đầu tư đã để mất 9.800 m2 rừng trồng và 1,06 ha rừng tự nhiên. Tại dự án kinh doanh vườn hoa cây cảnh và du lịch sinh thái (do Công ty Cổ phần MDEN làm chủ đầu tư) cũng để mất tại 3 vị trí, tổng cộng khoảng 1.000 m2 rừng tự nhiên.

Ông Võ Thanh Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, cho biết ngoài những dự án do UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra ở trên, đơn vị cũng đã kiểm tra và phát hiện thêm một số dự án khác cũng để mất rừng. Điển hình như khi làm dự án Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ đã san, ủi đất vào lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông 370 m2. Dự án xây dựng vùng sản xuất rau, hoa và trồng dược liệu dưới tán rừng (Công ty TNHH Thái Hòa làm chủ đầu) cũng làm mất 740 m2 rừng tự nhiên. HTX Lan Rừng, chỉ được UBND tỉnh Kon Tum giao quản lý 4.425 m2 đất để làm dự án bảo tồn và phát triển các loại phong lan phục vụ du lịch sinh thái (đợt 1), trong quá trình thực hiện, đơn vị này đã xây tường rào, chiếm rừng do UBND thị trấn Măng Đen quản lý với diện tích 5.470 m2 rừng tự nhiên.

6 dự án nằm trong khung xử lý hình sự

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, tổng cộng 11 dự án để mất rừng, xâm chiếm đất rừng bị phát hiện và đơn vị đang hoàn tất các hồ sơ để xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trong đó, 6 dự án để mất trên 5.000 m2 rừng/dự án, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng một số cây dược liệu quý hiếm của Công ty CP Dược liệu Mê Kông; dự án đầu tư nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông (HTX Tuyết Sơn Kon Plông); dự án khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen (Công ty TNHH Hoàng Tùng); dự án vườn hoa Măng Đen, trồng cây dược liệu kết hợp du lịch dã ngoại dưới tán rừng (Công ty TNHH Mỹ Long Măng Đen); dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và trồng dược liệu dưới tán rừng (Công ty TNHH ADC); dự án đầu tư nuôi cá nước lạnh, trồng dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái (Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Măng Đen).

Ông Võ Thanh Thành cho biết theo quy định, các dự án vi phạm dưới 5.000 m2 rừng thì bị xử lý hành chính, còn để mất trên 5.000 m2 rừng sẽ bị xử lý hình sự. “Đối với các dự án bị mất trên 5.000 m2 rừng, Hạt Kiểm lâm đang phối hợp cơ quan Công an, VKSND huyện Kon Plông tiến hành khám nghiệm hiện trường để củng cố hồ sơ xử lý hình sự về tội hủy hoại rừng” – ông Thành nói.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, sau khi được giao đất, cho thuê đất thì các chủ dự án phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng được giao, cho thuê. Trước khi giao, cho thuê đất, các cơ quan chức năng cũng đã xác định ranh giới, diện tích và rừng ở ngoài thực địa. Việc các chủ dự án để mất rừng so với thời điểm giao, cho thuê là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tội “hủy hoại rừng”.

Xử phạt nhiều trường hợp

Ông Trương Minh Trung, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, cho biết trong số các dự án bị đề nghị xử lý hành chính, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông đã ban hành quyết định xử phạt Trường ĐH Cần Thơ 10 triệu đồng về hành vi “phá rừng trái pháp luật”. Trường ĐH Cần Thơ đã tự khắc phục trồng lại rừng và bị yêu cầu chăm sóc rừng đã trồng đến khi thành rừng. Phạt HTX Lan Rừng 22 triệu đồng về hành vi lấn, chiếm 5.470 m2 rừng tự nhiên. Đơn vị này đã tự phá dỡ toàn bộ tường rào, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên toàn bộ diện tích. Đối với 3 dự án còn lại, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Nguồn: