Việc Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng Quảng Nam giao thiết bị và triển khai các lớp tập huấn sử dụng các phần mềm theo dõi diễn biến rừng đã hỗ trợ đắc lực cho các chủ rừng trong công tác cập nhật dữ liệu, tra cứu thông tin, bản đồ.
Mang định vị đi tuần tra
Năm 2022, Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 1, xã Trà Nú (Bắc Trà My) được Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng Quảng Nam hỗ trợ thiết bị định vị GPS, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR). Đồng thời tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn cho các thành viên trong ban.
Ông Huỳnh Văn Sơn – Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng kiêm Trưởng thôn 1, xã Trà Nú cho biết, thiết bị định vị GPS nhỏ gọn, dễ sử dụng. Đây là thiết bị không mới, nhất là thời điểm nhiều chủ rừng đã ứng dụng nhiều phần mềm trên điện thoại thông minh hỗ trợ việc theo dõi biến động rừng. Song với lực lượng BVR còn non trẻ, điều kiện chung của các thành viên trong ban còn khó khăn, chưa trang bị đầy đủ điện thoại thông minh thì máy định vị hỗ trợ rất nhiều.
“Thời gian đầu, các nhóm tuần tra mang theo định vị nhưng thao tác không chính xác, ảnh hưởng đến việc thu thập thông tin. Qua vài lần sử dụng và được tham dự các lớp tập huấn, các thành viên biết cách đánh dấu vị trí, ghi lịch trình và cung cấp dữ liệu về hệ thống giám sát. Chỉ cần đứng 1 vị trí, bấm định vị thấy diện tích rừng cần tìm không biến động là chúng tôi rất mừng” – ông Sơn cho biết.
Hiện nay máy định vị GPS khi ứng dụng vào hoạt động quản lý, BVR, được mã hóa theo danh mục quy định chung để cộng đồng, người đi tuần tra thu thập theo phiếu điều tra. Chẳng hạn, các mã hóa về phát hiện khai thác cây gỗ trái phép, phát hiện phát rẫy lấn chiếm và gây mất diện tích rừng; phát hiện cháy rừng; phát hiện bẫy thú; phát hiện dấu chân thú…
Ông Nguyễn Viết Trung, Phó Phòng Kế hoạch – kỹ thuật, Quỹ bảo vệ – phát triển rừng Quảng Nam cho biết, nhờ kết nối vệ tinh nên thiết bị định vị cho phép ở một điểm có thể kết nối các máy móc ở nhiều vị trí để chuyển tải dữ liệu. Đồng thời có thể ghi lại điểm tuần tra, tuyến tuần tra.
Đây là minh chứng cho việc chủ rừng có tuần tra rừng theo phương án đề ra hay không và kết quả bảo vệ rừng hiệu quả như thế nào. Dữ liệu định vị sẽ là yếu tố quan trọng hướng đến để phát triển phần mềm SMART ở một số cộng đồng BVR.
Giám sát biến động rừng với Qgis
Ông Nguyễn Viết Trung cho biết, nhiều năm nay, Quỹ bảo vệ – phát triển rừng Quảng Nam thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng và chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giám sát rừng cho các địa phương, chủ rừng như sử dụng định vị GPS, phần mềm Mapinfo… Và mới nhất, đơn vị này vừa tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng phần mềm Qgis trong điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; giám sát đa dạng sinh học, cảnh báo nguy cơ cháy rừng…
Theo ông Trung, xu hướng ngành lâm nghiệp đang tiếp cận là giám sát rừng từ trên cao thông qua ảnh vệ tinh tại một số khu vực. Trong đó, Qgis là một trụ cột quan trọng.
“Trong Qgis có nhiều chức năng, tiện ích, sử dụng dữ liệu bản đồ ảnh. Phần mềm này cho phép chúng ta tải ảnh bản đồ được cập nhật theo từng tháng và có đường link tải ảnh về phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Điều này hỗ trợ rất nhiều đối với cán bộ kỹ thuật trong việc truy xuất nguồn gốc dữ liệu, theo dõi diễn biến rừng một cách kịp thời, nhanh chóng” – ông Trung nói.
Ông Phùng Trung Chính, Phó phòng Kế hoạch – kỹ thuật, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh cho biết, trước đây việc theo dõi diễn biến rừng có thể sử dụng phần mềm Mapinfo hoặc một số công cụ hỗ trợ khác. Song muốn xác định cụ thể, đo đếm phải đến hiện trường. Đồng thời việc phát hiện diễn biến rừng của các phần mềm này còn hạn chế. Trong khi đó với Qgis, việc cập nhật diễn biến rừng nhanh chóng, hiệu quả, tối ưu hóa công việc, cho phép tiếp cận những thông tin, kỹ thuật mà trước đây không thể khai thác.
Theo Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng Quảng Nam, hiện nay chỉ một số chủ rừng có thể tiếp cận, sử dụng phần mềm Qgis, còn lại vẫn còn lúng túng, thao tác sai và chưa khai thác hiệu quả các chức năng của phần mềm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn ở nhiều cấp độ khác nhau, từ đơn giản đến nâng cao để cán bộ kỹ thuật nắm vững, sử dụng hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp và BVR hiệu quả.