Các cộng đồng phụ thuộc vào tuyến đường thủy của rừng nhiệt đới Amazon đang bị mắc kẹt mà không có nguồn cung cấp nhiên liệu, thực phẩm hay nước uống. Mực nước thấp lịch sử đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người và động vật hoang dã.
Cộng đồng bị ảnh hưởng
Ông Raimundo Silva do Carmo, 67 tuổi, là một cư dân kiếm sống bằng nghề đánh cá, nhưng những ngày này, ông phải vật lộn để tìm nước. Giống như hầu hết cư dân nông thôn ở Amazon của Brazil, ông Carmo thường lấy nước chưa qua xử lý từ các tuyến đường thủy phong phú của quần xã. Nhưng trong những buổi sáng gần đây, ông đã phải đi lại 4 vòng trong 1 ngày để cố gắng đổ đầy nước vào chiếc xô nhựa từ một chiếc giếng đào giữa lòng hồ nứt nẻ ở Hồ Puraquequara, ngay phía Đông thành phố Manaus của bang Amazonas.
Ông Carmo cho biết: “Đó là công việc khủng khiếp, thậm chí còn kinh khủng hơn khi trời nắng nóng. Bởi khi đó chúng tôi còn có nước để uống, tắm, nấu ăn. Còn giờ đây không có nước thì không có sự sống”.
Trong khi đó, ông Joaquim Mendes da Silva – một thợ mộc tàu 73 tuổi đã sống bên hồ này suốt 43 năm – cho biết, đợt hạn hán này là đợt hạn hán tồi tệ nhất mà ông có thể nhớ. Trẻ em trong vùng đã nghỉ học cách đây một tháng vì việc đến đó bằng đường sông trở nên bất khả thi.
Theo CEMADEN – Trung tâm Cảnh báo thiên tai của Brazil – 8 bang của Brazil ghi nhận lượng mưa thấp nhất trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 trong hơn 40 năm qua. Hạn hán đã ảnh hưởng đến hầu hết các con sông chính ở Amazon, lưu vực lớn nhất thế giới, chiếm 20% lượng nước ngọt của hành tinh.
Cho đến cuối tuần trước, 42 trong số 62 đô thị ở bang Amazonas đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo cơ quan phòng vệ dân sự của bang, cho đến nay, khoảng 250.000 người đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán và con số đó có thể tăng gấp đôi vào cuối năm nay.
Tại Khu bảo tồn khai thác Auati-Parana – cách Hồ Puraquequara khoảng 450 dặm về phía Tây – hơn 300 gia đình ven sông đang phải vật lộn để có được thực phẩm và các nguồn cung cấp khác. Chỉ những chiếc ca nô nhỏ với lượng hàng hóa giảm bớt mới có thể thực hiện chuyến đi đến thành phố gần nhất và việc chọn một tuyến đường xuyên qua vùng nước nông đã đẩy thời gian di chuyển từ 9 giờ lên 14 giờ. Hơn nữa, các kênh đào dẫn đến các hồ nơi họ câu cá pirarucu – loài cá lớn nhất ở Amazon – đã cạn kiệt và việc vận chuyển những con cá nặng tới 200 kg dọc theo các con đường mòn sẽ vô cùng khó khăn.
Các đợt khô hạn là một phần của kiểu thời tiết mang tính chu kỳ của Amazon, với lượng mưa nhẹ hơn từ tháng 5 đến tháng 10 trên hầu hết các khu rừng nhiệt đới. Bà Ana Paula Cunha – nhà nghiên cứu của CEMADEN – cho biết, lượng mưa vốn đã thấp trong năm nay lại tiếp tục giảm do hai hiện tượng khí hậu: El Niño và sự nóng lên của vùng nước nhiệt đới phía Bắc Đại Tây Dương.
Sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng những hiện tượng này. Nhiệt độ tăng làm tăng khả năng xảy ra thời tiết cực đoan, mặc dù việc quy kết các sự kiện cụ thể là do biến đổi khí hậu rất phức tạp và cần nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng và tác động của biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn, hạn hán và hậu quả tàn khốc của nó có thể là dấu hiệu thoáng qua về một tương lai ảm đạm.
Ứng cứu những dòng sông
Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng 9. Những đợt nắng nóng khủng khiếp đã quét qua nhiều vùng rộng lớn của Brazil trong những tháng qua ngay cả trong mùa đông. Trong khi đó, tại bang Rio Grande do Sul, lũ lụt tàn khốc đã giết chết hàng chục người.
Ông Marcus Suassuna Santos – nhà nghiên cứu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Brazil cho biết, hạn hán đã trở nên thường xuyên hơn ở sông Madeira của Amazon, nơi có lưu vực kéo dài khoảng 2.000 dặm từ Bolivia đến Brazil, với 4 trong số 5 mực nước sông thấp nhất được ghi nhận trong 4 năm qua.
Mực nước của Madeira tại Porto Velho là mức thấp nhất kể từ khi việc đo đạc bắt đầu vào năm 1967. Gần đó, đập thủy điện lớn thứ tư của Brazil, nhà máy Santo Antonio, đã ngừng hoạt động trong tuần này do thiếu nước. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ khi nó mở cửa vào năm 2012.
Xa hơn về phía Bắc, tại lưu vực sông Negro, một mô hình khác đã xuất hiện. Phụ lưu chính của Amazon đã hứng chịu 7 trận lũ lụt lớn nhất trong 11 năm qua, với trận lũ tồi tệ nhất vào năm 2021. Tuy nhiên, sông Negro cũng đang hướng tới mực nước thấp nhất từ trước đến nay trong năm nay.
“Chúng ta đang sống trong một kịch bản về khí hậu bị biến đổi, dao động giữa các hiện tượng cực đoan như hạn hán hoặc mưa lớn. Bà Ane Alencar – Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM), một tổ chức phi lợi nhuận – cho biết, điều này gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường mà còn đối với con người và nền kinh tế.
Chính phủ Brazil đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để phối hợp ứng phó. Phó Tổng thống Geraldo Alckmin hứa cung cấp thực phẩm, nước uống và nhiên liệu cho các cộng đồng bị cô lập, đồng thời cho biết, các khoản thanh toán cho chương trình phúc lợi Bolsa Familia sẽ được thực hiện trước. Việc nạo vét trên các đoạn của sông Solimoes và Madeira đang được tiến hành để cải thiện tuyến giao thông đường thủy.
Theo Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia, lượng mưa được dự báo sẽ ở mức dưới mức trung bình cho đến cuối năm. Tác động của hạn hán đã lan ra ngoài các tuyến đường thủy của Amazon và lan vào khu rừng nhiệt đới.
Ông Flavia Costa – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc gia Amazon cho biết, các khu vực rừng dọc theo bờ sông tích tụ một lớp lá rụng dày, khiến nguy cơ cháy rừng đặc biệt cao. Chỉ riêng tại bang Amazonas, gần 7.000 vụ cháy đã được báo cáo chỉ trong tháng 9. Khói cháy rừng đang làm hơn 2 triệu cư dân của Manaus nghẹt thở trong khi đang phải chịu cái nóng ngột ngạt.
Nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc gia Amazon – Flávia Costa cho rằng, đây chỉ là những viễn cảnh nghiệt ngã đầu tiên về tình trạng hạn hán khắc nghiệt quét qua Amazon của Brazil, bởi theo dự đoán, hạn hán có thể kéo dài đến đầu năm 2024, khiến các vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng làm tăng nhu cầu phối hợp giữa chính quyền liên bang, khu vực và thành phố để chuẩn bị và tạo ra một hệ thống cảnh báo nhằm giảm thiểu tác động. |