Theo AFP, trong tháng 9-2023, nạn phá rừng ở Amazon đã giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực đối với rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới nhờ những cam kết của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Dữ liệu vệ tinh của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia (INPE) cho thấy, khoảng 590km2 rừng Amazon đã bị chặt phá trong tháng 9-2023, giảm mạnh so với khoảng 1.454km2 được ghi nhận ở tháng 9-2022. Từ tháng 1 đến tháng 9-2023, tổng diện tích rừng bị phá là 4.302km2, gần bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2022.
Diện tích rừng Amazon bị tàn phá đã giảm nhờ những nỗ lực của Tổng thống Lula da Silva. Sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba hồi đầu năm nay, chính trị gia cánh tả kỳ cựu đã cam kết ưu tiên bảo tồn Amazon và xóa bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030. Dưới thời của người tiền nhiệm cực hữu Jair Bolsonaro, nạn phá rừng tại Amazon tăng 75% so với mức trung bình của thập kỷ trước.
Hiện tại, rừng Amazon đang trải qua một đợt hạn hán đặc biệt nghiêm trọng, do những tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, khiến mực nước của một số con sông giảm đáng kể.
Về vấn đề này, Chính phủ Brazil đã cam kết sẽ bổ sung nguồn lực để bảo đảm cung cấp nước và thực phẩm cho người dân ở bang Amazonas chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán.
Dù Amazon đón nhận những thông tin tích cực, tình hình vẫn tiếp tục xấu đi ở vùng Cerrado. Thảo nguyên nhiệt đới đa dạng sinh học ở phía Nam Amazon ngày càng bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng, chủ yếu do hoạt động của các công ty nông nghiệp.
Trong tháng 9-2023, khoảng 516km2 rừng tại Cerrado đã bị tàn phá, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là số liệu cao nhất từng được ghi nhận ở các tháng 9 tính từ năm 2018.