Số liệu từ các cơ quan truy tố, xét xử cho thấy, giai đoạn 2019 đến hết năm 2021 các cơ quan đã xét xử gần 400 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 244 của Bộ Luật hình sự với trên 500 bị cáo bị truy tố…
Trong hai ngày từ 28-29/9/2023, tại Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF); Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức hội thảo “Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”.
Công khai rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học thuộc tốp đầu thế giới.
Theo ông Chính, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy sự đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đã tham gia sâu rộng và đầy đủ vào hầu hết các công ước quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là các loài nguy cấp.
“Động vật hoang dã là của thiên nhiên. Hành động của chúng ta phòng chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã không chỉ tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ, thực thi có trách nhệm các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mà còn là cốt cách, bản lĩnh dân tộc Việt trong nỗ lực gìn giữ cái đẹp của thiên nhiên cho muôn đời sau”, ông Chính nhấn mạnh.
Ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, nhận định tác động của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp 4.000 lần so với thời kỳ Đại tuyệt chủng của các loài khủng long.
“Tại một số quốc gia, tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã được coi là loại hình tội phạm nguy hiểm, có tổ chức với mức độ nghiêm trọng như tội phạm buôn lậu ma túy, vũ khí, hàng giả và buôn người”.
Ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, thuộc WWF. |
Theo ông phong, buôn bán động hoang dã trái pháp luật trên thế giới ước tính trị giá lên tới 20 tỉ USD mỗi năm. Việt Nam là điểm trung chuyển trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã toàn cầu với các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đến từ Châu Phi, sau đó tiếp tục được bán sang Trung Quốc.
“Kết quả khảo sát của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) tại 16.556 cơ sở kinh doanh tại 10 đô thị lớn trong cả nước Việt Nam, cho thấy trong số đó có 12% số cơ sở có vi phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã (gồm nhà hàng, quán bar, chợ và cửa hàng thú cảnh)”, ông Phong thông tin.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) cho hay: Săn, bắt, vận chuyển, tiêu thụ động thực vật đang trở thành vấn nạn và thách thức lớn của quốc gia, gây suy giảm quần thế và biến mất của nhiều loài, ảnh hướng tới các nguồn lợi lâu dài của Việt Nam.
Buôn bán động vật hoang dã về Việt Nam phố biến nhất là gian lận qua việc nhập các hàng hóa khác bằng đường biển, chủ yếu từ Châu Phi đưa về. Động vật hoang dã tiêu thụ ở thị trường trong nước chỉ một phần rất nhỏ (dùng làm thuốc chữa bệnh, đồ trang trí, làm thú cảnh), phần lớn sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam rồi sau đó tái xuất bất hợp pháp.
Thời gian qua, CCD đã rà soát trên không gian mạng internet, ghi nhận 1097 vụ rao bán các loài động vật hoang dã với khoảng hơn 11.000 cá thể các loài bị rao bán trên các nhóm buôn bán của facebook và một số website. Các kênh Youtube với nội dung săn bắt động vật hoang dã ngày càng nhiều và thu hút được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng, có những kênh Youtube lên đến hàng triệu lượt view.
“Qua khảo sát với một từ khóa “săn bắt thú rừng”, chúng tôi đã tìm được hơn 50 kênh Youtube với hơn 6000 video có nội dung về săn bắt thú rừng. Những video này được sản xuất với tần suất dày và không được kiểm soát”, ông Hà nói và cho rằng hiện trạng này đang tạo các trào lưu nguy hiểm (về trải nghiệm) và trái pháp luật..
Quyết liệt xử lý vi phạm
Ts. Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan CITES Việt Nam, cho biết CITES là Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, với mục tiêu nhằm đảm bảo hoạt động thương mại mẫu vật động vật hoang dã không đe doa sự sinh tồn của các loài nguy cấp trong tự nhiên.
Trong Phụ lục I của CITES nêu danh sách những loài bị đe dọa tuyệt chủng, cấm buôn bán vì mục đính thương mại, hiện có khoảng 530 loài động vật và 300 loài thực vật. Trong Phụ lục II, gồm những loài chưa bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng nếu buôn bán không được kiểm soát sẽ dẫn đến bị đe dọa tuyệt chủng, có hơn 4,400 loài động vật và hơn 28,000 loài thực vật.
Theo ông Mạnh, để thực thi CITES và phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam, nhà nước đã Ban hành khung pháp lý đầy đủ, trong nhiều Luật như: Luật Hình sự sửa đổi năm 2017; Lâm nghiệp 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Thuỷ sản 2017. Trong Điều 244, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017, các hành vi bị xử lý gồm: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm Nhóm 1B hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã thuộc nhóm 1B. Định khung hình phạt đã thay đổi theo hướng dựa trên số lượng mẫu vật, cá thể thay vì giá trị; hình phạt rất nặng, có thể bị xử phạt đến 15 năm tù, phạt đến 15 tỷ đồng.
Số liệu từ các cơ quan truy tố, xét xử cho thấy giai đoạn 2019 đến hết năm 2021 các cơ quan đã xét xử gần 400 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 244 của Bộ Luật hình sự với trên 500 bị cáo bị truy tố.
Ông Tạ Đức Biên, Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết năm 2023, Hạt Kiểm lâm Cúc Phương đã xử lý 6 vụ vi phạm; chuyển chính quyền địa phương xử lý 4 vụ vi phạm hành chính về săn bắt động vật hoang dã (kèm theo 4 khẩu súng tự chế); cùng với đó, tháo gỡ 58 chiếc bẫy (14 bẫy Kiềng, 34 bẫy thòng lọng).
Hiện nay, Kiểm lâm Vườn Cúc Phương đang áp dụng phần mềm SMART vào điện thoại thông minh đã giúp Ban quản lý Vườn cập nhật nhiều thông tin: tuyến, thời gian, khoảng cách, người tuần tra; ghi nhận các hành vi như tác động của con người; tác động tự nhiên; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.
“Từ khi sử dụng SMART, số vụ vi phạm có xu hướng giảm hơn so với lúc chưa áp dụng SMART. Các dấu vết hoạt động của thú rừng với tần xuất và mức độ bắt gặp nhiều (Sơn dương, Lợn rừng, Mèo rừng…) và xuất hiện ở những nơi mà trước đây chưa xuất hiện như khu Hồ Mạc, thung Bông…, đã xuất hiện nhiều loài chim ở các khu vực bìa rừng, các khu nương rẫy canh tác gần khu dân cư”, ông Biên chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia nêu lên nhiều giải pháp để ngăn chặn hiệu quả việc săn bắn và buôn bán động vật hoang dã. Đó là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức hình thành ý thức và thay đổi hành vi, thói quan tiêu dùng đối với sản phẩm động vận hoang dã; Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái; Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm về động vật hoang dã; Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghề và Tăng cường hợp tác quốc tế vào phòng chống buôn bán động vật hoang dã.