Tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 91 ha tại tổ 9 (phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình) khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo thọ Quốc tế Hòa Bình xẻ núi, xây dựng hàng loạt công trình kiên cố bằng bê tông cốt thép khi chưa được cấp phép.
Thời gian gần đây, việc khai thác và sử dụng đất rừng khi chưa được cấp phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo tìm hiểu của Báo Đại biểu Nhân dân tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), tình trạng xẻ đồi làm khu du lịch sinh thái, homestay với diện tích lên tới hàng chục hecta đang diễn ra rầm rộ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ.
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, tại một khu sinh thái có tên gọi “Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo thọ Quốc tế Hòa Bình” được xây dựng trên đất rừng với quy mô “khủng” nằm ven dòng sông Đà.
Người dân nơi đây cho biết, công trình này đã xây dựng được vài năm và đã hoàn thiện đường giao thông bao quanh khu nghỉ dưỡng, nhiều hạng mục công trình kiên cố khác cũng được xây dựng nằm xung quanh các quả đồi, tuy nhiên gần đây không thấy công trình này hoạt động.
Theo Quyết định chủ trương đầu tư số 47/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký ngày 08.09.2016 cho biết, dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo thọ Quốc tế Hòa Bình do 2 công ty cùng làm chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển HTV Quốc tế (góp vốn 51%) và Công ty TNHH Gia Phú Quốc tế (góp vốn 49%). Địa điểm thực hiện dự án tại xóm Nút, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (sau khi sáp nhập là Tổ 9, phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Diện tích đất sử dụng khoảng 91ha với tổng vốn đầu tư của dự án là 900 tỷ đồng.
Các hạng mục xây dựng bao gồm bãi đỗ xe; khu tiếp đón – dịch vụ; khách sạn cao cấp 4 sao; khu nhà, biệt thự nghỉ dưỡng (với các kiểu mẫu Villa, Town house B1, 2, 3, 4); nhà tròn Spa; nhà đa năng; khu nhà điều dưỡng; khu thể thao, vui chơi giải trí; văn phòng điều hành toàn khu; khu văn hoá các dân tộc bản địa; khu nhà nghỉ nhân viên; hạ tầng kỹ thuật (san nền, kè chắn đất, giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc).
Cũng theo quyết định chủ trương đầu tư, từ quý III.2016 đến hết quý I.2017, Dự án sẽ thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng…; Từ quý II.2017 đến hết quý I.2020, xây dựng các hạng mục công trình của dự án theo thiết kế được phê duyệt, lắp đặt trang thiết bị và chính thức đi vào hoạt động kinh doanh từ quý II năm 2020.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vào ngày 27.9.2023, theo ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển HTV Quốc tế vẫn còn ngổn ngang, chưa đi vào hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) cho biết, đây là công trình có quy mô lớn nhất của tỉnh Hòa Bình từ trước tới nay. Tuy nhiên, công ty này lại không có giấy phép xây dựng và đã bị UBND TP Hòa Bình ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng ngày 10.03.2023 với tổng số tiền là 130 triệu đồng.
Trong Quyết định nêu rõ hành vi vi phạm: Thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng tại Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo thọ Quốc tế Hòa Bình, địa điểm xây dựng tại tổ 9, phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 16, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28.1.2022 của Chính phủ.
Các biện pháp khắc phục hậu quả: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển HTV Quốc tế phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Hết thời hạn này, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển HTV Quốc tế không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng thì bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển HTV Quốc tế vi phạm chi trả.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Cương, công ty đã tự phá dỡ phần tường lửng của các công trình vi phạm và chỉ còn lại phần khung nhà. Hiện tại, công ty này đang xin cấp phép xây dựng từ Sở Xây dựng và Bộ Quốc phòng vì liên quan tới rừng phòng hộ, để tiến hành các thủ tục tiếp theo.
*Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.