Các nước vùng Sừng châu Phi thúc giục hành động khí hậu, cải tổ hệ thống toàn cầu

Trong kỳ họp Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra tại New York (Mỹ), ngày 23/9, đại diện các quốc gia từ vùng Sừng châu Phi đã tha thiết kêu gọi hành động chống lại mối đe dọa khí hậu tiềm tàng và cải cách khuôn khổ tài chính toàn cầu hiện đã lỗi thời, tồn tại nhiều bất công.

Theo đó, các nhà lãnh đạo từ Somalia, Ethiopia, Djibouti và Eritrea đã chỉ ra một kịch bản ảm đạm khi thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhằm truyền đi thông điệp rõ ràng rằng đây là cuộc khủng hoảng cấp bách, đòi hỏi nỗ lực nhanh chóng và đoàn kết. Theo Thủ tướng Somalia Hamza Abdi Barre, cần phải có “sức mạnh đoàn kết và hợp tác” trong một thế giới kết nối và các nhà lãnh đạo cần phải khẩn trương hành động để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Toàn cảnh lễ khai mạc Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 78 tại New York, Mỹ ngày 19/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Ethiopia Demeke Mekonnen Hassen bày tỏ lo ngại về những quyết định chính sách làm gia tăng căng thẳng, nghèo đói và suy yếu các SDGs. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến vấn đề an ninh toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên LHQ, cũng như ngăn ngừa xung đột. Theo nhà lãnh đạo Ethiopia, cải cách Hội đồng Bảo an LHQ không phải là một lựa chọn mà là điều tối cần và cần phải giành ghế thường trực cho các đại diện châu Phi.

Về phần mình, Ngoại trưởng Djibouti Mahamoud Ali Youssouf  nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu. Ngoại trưởng Youssouf báo động về xu hướng hình thành “các câu lạc bộ” theo kiểu “chủ nghĩa đa phương nhóm nhỏ”. Các “câu lạc bộ” này cản trở thay đổi trong các thể chế quốc tế nên làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng cũng như gia tăng cạnh tranh địa chính trị. Mặc dù thừa nhận xu hướng này là không thể đảo ngược nhưng ông Youssouf cho rằng cần phải mạnh tay đầu tư để thiết lập một hệ thống phản ánh đầy đủ những động lực địa chính trị hiện nay, đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ.

Ngoại trưởng Eritrea, Osman Saleh Mohammed thì nhấn mạnh đến việc LHQ cần nâng cấp cơ cấu và nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả mục đích lịch sử của tổ chức. Ông cho rằng việc cải tổ HĐBA không nên chỉ giới hạn ở  mở rộng thành viên.

Nguồn: