Nhiều người sẵn sàng chi từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng để ăn thịt voọc, sở hữu tay chân gấu bất chấp luật pháp nghiêm cấm. Trong chuyến khảo sát ở Quảng Nam vào tháng 8.2023, chúng tôi đã tiếp cận và ghi nhận về nhiều địa điểm, đối tượng kinh doanh động vật hoang dã.
Ngồi ở quán nước ven đường ở thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi được bà chủ quán mách nhỏ: “Trước chị bán đồ rừng mà bỏ rồi, ác lắm! Nhưng nếu muốn mua, để chị chỉ”. Người này sau đó cho số điện thoại và địa chỉ một số quán có bán thịt rừng và dặn chúng tôi khi liên hệ phải nói rõ “chị T giới thiệu” thì mới được trả lời.
Voọc sấy khô trở thành mồi nhậu
Trong vai dân công trình, chúng tôi tìm đến quán nhậu bình dân tên U.N trên đường Nguyễn Chí Thanh. Thấy chúng tôi, chủ quán tên U đon đả giới thiệu các món làm từ thịt, tôm, cá thông thường.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu các món “đặc sản rừng”, U chần chừ. Sau hồi thăm dò, người này dẫn chúng tôi xuống bếp, mở tủ lạnh mang ra thịt chồn tươi. Chưa hết, dưới ngăn cuối cùng của tủ lạnh, 2 túi nilon được U mang ra và cam kết là thịt voọc sấy khô.
Quan sát bằng mắt thường, 1 túi là thịt khô đã được xé nhỏ như thịt trâu, bò khô xé sợi. Túi còn lại nguyên 1 tảng thịt đùi đen, đôi chỗ có màu trắng bên ngoài da, lộ nguyên khúc xương đùi.
Nửa tin nửa ngờ, chúng tôi được U chỉ cho cách phân biệt hàng thật/giả qua lớp màng đen sau khi thui. “Con này họ bắt xong thui rồi bỏ cho em. Loại này xào sả ớt rồi chấm muối mới chuẩn bài”, U gợi ý.
U cho biết mỗi con voọc được lấy về nặng từ 2 đến 6 kg. Tới tay U mỗi kg được bán ra với giá 600.000 đồng, bao chế biến. Khi chúng tôi đặt yêu cầu mua về, người này cho biết trong quán không có nhiều nhưng cần số lượng bao nhiêu cứ nhắn. “Em gửi xe, gửi bưu điện được. Tới nơi thì anh gửi tiền phí cho họ”, U nói.
Mua cao gấu gửi luôn thịt tươi để… kiểm chứng
Rời Phước Sơn, chúng tôi tìm đến thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My gặp N – một đầu mối chuyên cung cấp thảo dược, động vật có nguồn gốc từ rừng gửi đi khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhà N là quán nước ven đường Võ Nguyên Giáp. Để tiếp cận, chúng tôi nhiều lần nhắn tin nhưng người này không cho địa chỉ. Tuy nhiên sau vài cuộc điện thoại, N đồng ý gặp mặt.
Tại nhà, N cùng chồng cho chúng tôi xem 7 con dúi, một số con sóc và các bọc thịt heo, nai đều trong trạng thái cấp đông. “Dúi 450.000 đồng/kg. Sóc thì 350.000 đồng”, chồng N ngã giá.
Chồng N dùng từ “Tôn Ngộ Không” để ám chỉ voọc sấy khô khi chúng tôi hỏi đến và cho biết cứ để lại thông tin liên lạc, có “hàng” sẽ nhắn.
Qua trò chuyện, N giới thiệu nhà có cao gấu hàng “xịn” bán theo lạng từ 700.000 đồng cho tới vài triệu đồng tùy loại. Để tăng độ uy tín, người này gửi cho chúng tôi xem hình ảnh về tay, chân, thậm chí là cả bộ gan gấu còn dính nguyên túi mật.
Đưa hình ảnh 4 chân gấu vừa được chặt ra, thịt còn đỏ tươi, N cam kết: “Gấu chị gửi thịt tươi cho em còn được. Đây, bộ này gửi đi Sài Gòn 25 triệu, người ta mua rồi”.
Thấy chúng tôi có vẻ ưng, N bày ngâm cao gấu với rượu nặng độ. “Cao ngâm 3 năm mới uống được, năm đầu ngâm nửa tháng rồi đổ đi ngâm lại, dùng cho người bệnh thì chôn xuống đất. Có bình chị để tới 9 năm”, N cho biết.
Ngoài ra, người này còn giới thiệu cho chúng tôi một số móng, nanh gấu và cọp có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo kích cỡ.
Theo ông Nguyễn Văn Tình – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã kí cam kết không tiêu thụ động vật hoang dã. Tuy nhiên, thời gian qua cơ quan chức năng cũng phát hiện và xử lý một số vụ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã.
Về voọc sấy khô, ông Tình cho biết huyện Phước Sơn hiện nay hầu như không còn voọc nên không có chuyện bán tràn lan với số lượng lớn. “Chủ yếu nguồn hàng tuồn từ Tây Nguyên nhưng để xác định thật hay giả thì phải kiểm tra. Nếu có vi phạm chúng tôi sẽ xử lý”, ông Tình khẳng định.
Về trường hợp ở thị trấn Trà My, ông Trương Bá Lâm – Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My cho biết thời gian qua Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My đã tuyên truyền và yêu cầu các nhà hàng, quán ăn kí cam kết không buôn bán động vật hoang dã. Đồng thời, đơn vị đang xây dựng kế hoạch kiểm tra các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện. Trước thông tin được cung cấp, ông Lâm cho biết đơn vị sẽ đi kiểm tra, xử lý.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, tính từ năm 2020 đến tháng 6.2023, địa phương đã phát hiện, xử lý 92 vụ vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã (8 vụ vô chủ).
Trong đó, đã xử lý 83 vụ vi phạm hành chính về hành vi mua bán, vận chuyển động vật rừng trái pháp luật, thu giữ 1.576 cá thể, cứu hộ 01 cá thể Tê tê java nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm và thả lại môi trường tự nhiên với 1.229 cá thể. Đơn vị tiến hành tiêu hủy những cá thể đã chết, bị bệnh theo quy định… tổng số tiền xử phạt hơn 331,95 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã triển khai kiểm tra và tịch thu các dụng cụ tự chế gồm: 1 súng cồn, 1 súng hơi và 9.921 bẫy dây dùng săn, bẫy bắt động vật rừng. |
Buôn bán, tàng trữ các bộ phận cơ thể của gấu, voọc phạm tội gì?
Gấu, voọc thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 – BLHS) Điều 244 quy định Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm bị xử lý như sau: Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-15 năm tùy theo trường hợp vi phạm. |