Từng phải trả án trong tù vì tội phá rừng, đến nay anh Katơr Kinh (thôn hành Rạc 1, Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận) đã trở thành tấm gương giữ rừng và vận động bà con làm theo.
Thay đổi cuộc đời
Những ngày tháng 9/2023, đứng nhìn cánh rừng bạt ngàn rộng hàng trăm héc ta tại thôn Hành Rạc 1 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái), anh Katơr Kinh nói: “Đã biết sai thì phải sửa, nếu đã sửa thì phải tốt hơn trước”.
Anh Katơr Kinh là người Raglai, năm 2011 bị TAND huyện Bác Ái tuyên phạt 4 năm tù giam về tội “phá rừng”.
Những ngày thụ án, Katơr Kinh vô cùng hối hận về hành vi của mình đã gây ra. Năm 2013, do cải tạo tốt, Katơr Kinh được ra tù trước thời hạn 2 năm. Khi trở về cộng đồng, được sự trợ giúp của gia đình và UBND xã tạo điều kiện, anh đã tham gia rất nhiệt tình vào các phong trào giữ rừng ở xã vùng cao Phước Bình và trở thành thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Hành Rạc 1.
Katơr Kinh nhớ lại những ngày tháng trong thời gian ở tù, Katơr Kinh đã được rất nhiều cán bộ cảm hóa. Đặc biệt, trong những buổi sinh hoạt tập thể, các cán bộ trại giam thường xuyên lồng ghép nhiều chủ đề liên quan đến bảo vệ rừng để giữ môi trường sinh thái. Từ đó Katơr Kinh đã hiểu ra sự quý giá của rừng và quyết tâm phải trở thành người giữ rừng.
Gương sáng giữ rừng vùng cao
Khi hiểu rõ lợi ích của rừng và thấy được sự thay đổi của Katơr Kinh, nhiều đối tượng phá rừng đã đã nghe theo Kinh từ bỏ phá rừng, về lại với cộng đồng và quyết tâm không tái phạm.
Anh Katơr Bó (một người bạn của Kinh ở xã Phước Bình) chia sẻ: “Ngày trước do thiếu hiểu biết về pháp luật, tôi và một số người trong thôn đã lên rừng cưa gỗ để bán để lấy tiền tiêu xài. Nhưng từ khi được Katơr Kinh khuyên bảo, tôi cũng đã nhận ra lỗi lầm và tham gia giữ rừng. Giờ tôi được nhiều bà con trong thôn yêu quý, khen ngợi nên tôi mừng lắm”.
Anh Katơr Kinh cho biết: “Tôi cũng là người từng không hiểu biết về pháp luật nên trước đây đã phá rừng làm rẫy. Khi tôi hiểu được là việc mất rừng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thế nào thì tôi đã thay đổi. Phước Bình là địa phương có diện tích rừng rất lớn. Muốn đồng bào dân tộc thiểu số không phá rừng làm rẫy, tôi và các thành viên trong Tổ cộng đồng bảo vệ rừng của thôn phải gương mẫu để bà con noi theo”.
Bằng việc làm cụ thể như đi tuần tra rừng, liên tục tuyên truyền, vận động bà con hãy chung tay giữ rừng nên đến nay đông đảo người dân thôn Hành Rạc 1 đã tự nguyện ký cam kết tích cực bảo vệ, phát triển rừng. Nhờ đó, tình trạng đốt rừng lấy đất làm rẫy, khai thác tài nguyên rừng trái phép trên địa bàn Phước Bình đã không còn.
Những người có ý đồ xấu, muốn xâm hại đến rừng, khi gặp Katơr Kinh đều được anh kể về câu chuyện lỗi lầm của mình để mọi người lấy đó làm tấm gương, không xâm hại đến rừng nữa.
Lãnh đạo UBND xã Phước Bình cho biết: “Những việc làm của anh Katơr Kinh đã góp phần tích cực trong việc giữ rừng, phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng để nhiều người noi theo”.
Bằng những việc làm thiết thực của Katơr Kinh và sự đoàn kết của cộng đồng, nhiều năm qua, thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình không để xảy ra cháy rừng, khai thác rừng trái phép, người dân chấp hành tốt về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Những người giữ rừng U Minh Thượng (Kỳ II)Nhắc đến kiểm lâm là người ta nghĩ ngay đến cuộc chiến của họ với lâm tặc, nhưng với những người gác rừng U Minh Thượng thì công việc của các anh chỉ là bảo tồn các nguồn gen quý, ngăn chặn sự tàn phá.