Vụ khai thác rừng trái phép tại khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 131 xảy ra đã hơn 2 tuần, nhưng “quả bóng” trách nhiệm vẫn bị đá qua đá lại.
Rừng bị tàn phá nghiêm trọng
Mới đây, hàng loạt cây rừng đã bị cưa hạ không thương tiếc tại khu vực quy hoạch rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 131 ở xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ, Bình Định).
Toàn bộ cây bị hạ có dấu cưa còn rất mới, hiện trường để lại trơ trọi những gốc cây to nhỏ, có gốc cây lớn đường kính hơn 30 cm, có tuổi thọ gần 10 năm bị cưa hạ sát gốc, nằm la liệt, chất thành đống với diện tích khai thác gần 5.000 m2 nhưng chưa xác định được thủ phạm.
Nhiều gốc keo lớn bị cưa sát gốc nằm chủ yếu ven hồ. Dấu vết để lại cho thấy thủ phạm sử dụng máy cưa để hạ gốc cây, rồi cắt khúc để dễ bề vận chuyển ra khỏi rừng.
Đây là khu vực rừng tái sinh đã được UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác theo quy chế rừng phòng hộ. Tuy nhiên, đến nay khu rừng này lại bị tàn phá, khai thác nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo UBND xã Mỹ Lộc, nhận được phản ánh của người dân, ngay sau đó chính quyền có đi kiểm tra, khi đến gần hiện trường thì nghe tiếng máy cưa hạ rừng thuộc tiểu khu 131. Thế nhưng khi lực lượng chức năng đến xử lý thì các đối tượng khai thác bỏ chạy.
Tổng diện tích khai thác gần 5.000 m2 rừng phòng hộ tại tiểu khu 131 với nhiều vị trí, nhưng đến hiện tại vẫn chưa xác định được thủ phạm.
Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ), từ năm 2012 đến năm 2014, một số hộ dân ở thôn Vạn Định (xã Mỹ Lộc) lén lút chiếm diện tích 45,08 ha để trồng cây keo trái pháp luật tại tiểu khu 131 (khu vực hồ Vạn Định lúc này chưa quy hoạch rừng phòng hộ). Nhưng chính quyền địa phương không xác định được đối tượng vi phạm.
Năm 2016, các lực lượng chức năng của huyện phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định tiến hành chặt, nhổ bỏ toàn bộ cây keo trồng trái phép trên diện tích nêu trên.
Năm 2017 – 2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ phối hợp với UBND xã Mỹ Lộc tổ chức trồng lại rừng theo tiêu chí phòng hộ tại tiểu khu 131, nhưng một số hộ dân ở thôn Vạn Định không đồng tình, kích động, ngăn cản, đe dọa không cho trồng và thậm chí còn giữ cả phương tiện ô tô của chính quyền và lực lượng chức năng. Vì vậy, việc trồng rừng không thực hiện được.
Năm 2019, theo báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi UBND tỉnh Bình Định, số cây keo bị phá bỏ ở diện tích trồng trái phép của người dân trước đó đã tái sinh và sinh trưởng tốt. Do đó, UBND huyện Phù Mỹ đề nghị UBND tỉnh cho giữ lại để quản lý bảo vệ và được UBND tỉnh đồng ý.
Đồng thời, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ tổ chức khoanh nuôi bảo vệ và khai thác theo quy chế rừng phòng hộ theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 19/12/2017 về việc “Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng người dân tiếp tục lấn chiếm trồng cây trái phép”.
Vẫn theo báo cáo của UBND xã Mỹ Lộc thì toàn bộ diện tích 45,08 ha cây keo hiện nay đã tái sinh chồi thành rừng và đang được một số hộ dân tại thôn Vạn Định “lén lút” chăm sóc.
Sau khi UBND huyện có ý kiến theo Văn bản số 24/UBND-VP ngày 09/01/2020 gửi Ban quản lý rừng phòng hộ, nhưng đơn vị này lại không làm việc với UBND xã Mỹ Lộc và các cơ quan liên quan của huyện để lập thủ tục pháp lý và tiến hành khoanh nuôi bảo vệ theo chỉ đạo.
Ngày 28/7/2023, UBND xã Mỹ Lộc nhận đơn của 20 hộ dân thôn Vạn Định xin được khai thác rừng trồng tái sinh trên diện tích 45,08 ha tại khu vực hồ Vạn Định để thu hồi vốn và cam kết sau khi khai thác sẽ thực hiện trồng rừng theo tiêu chí rừng phòng hộ.
Sau khi xã Mỹ Lộc báo cáo UBND huyện Phù Mỹ đến ngày 30/8 nhận được kết luận: “Trong khi chờ xin ý kiến tham vấn các ngành liên quan của tỉnh, không cho phép 20 hộ dân thôn Vạn Định khai thác rừng trồng tái sinh trên diện tích 45,08 ha tại khu vực hồ Vạn Định”.
Tuy nhiên, vào ngày 6/9/2023 người dân đã tự ý vào khu vực hồ Vạn Định lén lút khai thác. Đến ngày 10/9/2023, lợi dụng ngày Chủ nhật, các đối tượng tiếp tục đưa máy cưa vào khai thác. Ngoài ra, một số hộ dân ở thôn Vạn Định hiện nay đã tự ý bán rừng tái sinh chồi trên diện tích chiếm trái phép trước đây cho một số người dân thu mua rừng ở địa phương khác.
Để làm rõ đối tượng khai thác, vận chuyển, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với Công an xã điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ xử lý.
Nhập nhằng trách nhiệm của các đơn vị liên quan
Văn bản số 1642/UBND-NN ngày 30/8/2023 của UBND huyện Phù Mỹ đã yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa UBND xã Mỹ Lộc với Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ; Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải quyết những tồn tại trên địa bàn xã Mỹ Lộc.
Giao Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ Nhà nước chưa giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ quản lý trên địa bàn xã.
Giao Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ phối hợp thực hiện tuần tra, phát hiện kịp thời các vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp trên địa bàn xã Mỹ Lộc xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên sau đó, sự việc trong 2 ngày 6/9 và 10/9 đã khiến gần 5.000 m2 rừng phòng hộ tại tiểu khu 131 bị đốn hạ. Cánh rừng không ai canh giữ từ sự đùn đẩy trách nhiệm trong công tác quản lý rừng tại huyện Phù Mỹ và sự buông lỏng kéo dài gần 10 năm mà không có phương án xử lý.
Trả lời các cơ quan báo chí, đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ cho biết, khu vực rừng bị khai thác trái phép chưa giao về cho Ban quản lý. Trước đây, Ban quản lý đã từng được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế, nhưng không thực hiện được do bị nhiều người dân cản trở. Việc khai thác rừng trái phép, không thuộc trách nhiệm của Ban.
Ngày 13/9, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ có báo cáo gửi Thường trực Huyện ủy Phù Mỹ về vụ khai thác rừng trồng trái phép tại thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc.
Hạt Kiểm lâm đã đưa ra lý do, sau khi đã có chủ trương của UBND tỉnh Bình Định và UBND huyện, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ không làm việc với các cơ quan liên quan để lập thủ tục tiếp nhận 45,08 ha rừng trồng tái sinh chồi và từ năm 2020 cho đến nay cũng không tổ chức quản lý, chăm sóc, bảo vệ hoặc giao khoán diện tích này cho người dân chăm sóc, bảo vệ dẫn đến việc một số hộ dân vi phạm trước đây tiếp tục lén lút chăm sóc trên diện tích này. Do đó, việc xử lý của lực lượng kiểm lâm rất khó khăn, vướng mắc.
Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, phía Hạt Kiểm lâm cho rằng, về mặt nguyên tắc chưa giao đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ thì về mặt quản lý, trách nhiệm thuộc về UBND xã Mỹ Lộc. Vì vậy, xã nói lý do dân lén lút vào chăm sóc rừng tái sinh, việc này cần làm rõ trách nhiệm quản lý của xã.
Khi chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân thì cơ quan kiểm lâm không có thẩm quyền xử lý, về hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ còn cho rằng, UBND xã Mỹ Lộc rất thiếu quan tâm trong việc cử lực lượng phối hợp, mà viện lý do họp hành né tránh trách nhiệm.
Phía UBND xã Mỹ Lộc lại cho rằng, khu vực rừng bị khai thác là tài sản tái sinh từ việc lấn chiếm trồng rừng đã bị nhổ bỏ chưa triệt để và Nhà nước chưa bỏ vốn đầu tư. Cho đến nay vẫn chưa xác lập cụ thể chủ sở hữu, do trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ thiếu quan tâm. Lẽ ra sau khi có phương án trồng rừng thay thế thì phải xác lập quyền sở hữu toàn dân, giao đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ để quản lý theo chức năng rừng phòng hộ nhưng đến nay vẫn chưa giao.