Bên cạnh việc khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có của rừng, xây dựng quy hoạch, chiến lược để phát triển, các địa phương đang đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng. Đây chính là chìa khóa quan trọng nhằm phát triển kinh tế rừng ổn định và bền vững…
Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã tạo sự thay đổi tích cực về nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên rừng và ngành lâm nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, về kinh tế, đã thay đổi cơ cấu sản xuất lâm nghiệp theo hướng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp thông qua các chỉ tiêu về cơ cấu diện tích rừng trồng sản xuất, xã hội hóa về đầu tư và nguồn lực, lâm sản. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 5,5-6%/năm.
Trồng rừng sản xuất phát triển cả về diện tích và chất lượng, cung cấp hơn 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2022 đạt hơn 17,9 tỷ USD, duy trì tăng trưởng cao và ổn định, mức độ tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng giá trị thương mại lâm sản toàn cầu. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.000 tỷ đồng/năm, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp.
Theo Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, bên cạnh những thuận lợi, hiện giá trị hệ sinh thái rừng đang gặp những khó khăn, thách thức. Đó là, việc thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung; các diện tích rừng trồng hiện đã khá lớn nhưng giá trị chưa cao; chưa có điều tra, đánh giá, tổ chức sản xuất theo chuỗi; chưa có quy định về sở hữu, đo đếm các-bon rừng; còn có những khoảng trống trong quy định quản lý, xây dựng công trình trong rừng phục vụ du lịch và các ngành dịch vụ khác; các mức thu còn chưa tương xứng với giá trị mang lại; chưa có điều tra đánh giá mô hình toàn quốc, chính sách thúc đẩy sự hợp tác còn một số rào cản cần phải thay đổi, bổ sung.
Phát triển rừng không chỉ dựa vào đơn ngành, đơn lĩnh vực mà phải hướng tới tích hợp đa ngành, đa chức năng để đạt tới mục tiêu giá trị. Một hạn chế khác là địa hình hiểm trở, hạ tầng giao thông. Một số tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng… do điều kiện giao thông khó khăn, nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn trong khâu chế biến lâm sản có giá trị gia tăng cao; khó tiêu thụ sản phẩm; giá thành sản phẩm cao, thiếu cạnh tranh.
Hạn chế về hạ tầng cũng là rào cản trong thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao tại các nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm sản hiện đại; phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái. Cùng với đó, việc thiếu quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu bảo đảm sản lượng và chất lượng cũng đang gây cản trở lớn cho kinh tế rừng.
Mặc dù đã hình thành một số vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung tại các tỉnh có điều kiện thuận lợi về hạ tầng như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, tuy nhiên chủ yếu là gỗ nhỏ, chất lượng cho sản xuất, chế biến đồ gỗ, nhất là đồ gỗ xuất khẩu chưa cao. Các loài cây lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là dược liệu phát triển còn manh mún, sản lượng thấp, khả năng cung cấp hàng hóa quy mô lớn hạn chế.
Thêm vào đó, kinh tế rừng tại các địa phương đang đối mặt với tình trạng thiếu nhà máy, cơ sở chế biến cả về số lượng và chất lượng để tiêu thụ nguyên liệu cũng như nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh trung du miền núi phía bắc chỉ là 747 doanh nghiệp, chiếm 12,7% số doanh nghiệp trên toàn quốc, phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại các tỉnh như Phú Thọ, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Giang… Do đó, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, công nghệ để tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các địa phương.
Mặt khác, khó khăn trong việc liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ hàng hóa lâm sản để nâng cao giá trị sản phẩm, đã làm cho sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp…
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, chúng ta “cần phải trả món nợ với thiên nhiên” bằng cách bảo vệ rừng hiệu quả. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, các địa phương có rừng cần sớm xây dựng định hướng chiến lược để phát triển kinh tế rừng ổn định và bền vững. Kinh tế lâm nghiệp bền vững dựa trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường rừng; phát huy tiềm năng về khí hậu, đất đai và lợi thế của từng vùng.
Phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương; đổi mới mô hình tăng trưởng, từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp…
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển rừng đa dụng, tham gia các thỏa thuận liên quan giảm phát thải. Ngày 22/10/2020, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) – đơn vị nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (Quỹ FCPF).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đại diện chủ sở hữu, quản lý, sử dụng, chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 kết quả giảm phát thải từ rừng tự nhiên tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) cho Quỹ FCPF ủy thác qua Ngân hàng IBRD, đồng thời dự kiến nhận về khoảng 51,5 triệu USD. Thỏa thuận này đã được thể chế hóa tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.