Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố báo cáo cho thấy, trẻ em ở Châu Phi là một trong những đối tượng có nguy cơ cao nhất chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nhưng các em đang thiếu nguồn tài trợ cần thiết để giúp thích nghi, sống sót và ứng phó với cuộc khủng hoảng này.
Báo cáo được công bố khi các nhà lãnh đạo chuẩn bị tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi, diễn ra vào tuần này tại Nairobi, Kenya.
Tăng cường tài trợ
Theo báo cáo, trẻ em ở 48 trong số 49 quốc gia châu Phi có nguy cơ cao hoặc rất cao trước tác động của BĐKH, dựa trên mức độ phơi nhiễm và tính dễ bị tổn thương trước bão, sóng nhiệt, các cú sốc về khí hậu và môi trường khác cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Những người sống ở Cộng hòa Trung Phi, Chad, Nigeria, Guinea, Somalia và Guinea-Bissau có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, chỉ có 2,4% nguồn tài trợ khí hậu toàn cầu hướng đến trẻ em, với giá trị trung bình chỉ 71 triệu USD mỗi năm.
Bà Lieke van de Wiel – Phó Giám đốc UNICEF khu vực Đông và Nam Phi cho biết: “Rõ ràng là những thành viên nhỏ tuổi nhất của xã hội châu Phi đang phải gánh chịu những tác động khắc nghiệt của BĐKH. Cần có sự tập trung tài trợ mạnh mẽ hơn cho nhóm này để trang bị cho các em trong việc đối mặt với những gián đoạn do khí hậu gây ra trong cuộc sống”.
UNICEF cho biết, trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn trước tác động của BĐKH. Về mặt thể chất, trẻ có khả năng chống chịu và sống sót thấp trước các mối nguy hiểm như lũ lụt, hạn hán, bão và sóng nhiệt và dễ bị tổn thương về mặt sinh lý hơn trước các chất độc hại như chì và các dạng ô nhiễm khác.
Hơn nữa, những thách thức trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ có chất lượng trong các lĩnh vực như sức khỏe và dinh dưỡng; nước, vệ sinh và giáo dục cũng làm tăng tính dễ bị tổn thương của các em.
Ngoài ra, trẻ em và thanh thiếu niên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi và tính bền vững lâu dài, do đó, các em phải là một phần của các giải pháp khí hậu, bao gồm cả chính sách và tài chính.
Hỗ trợ khả năng phục hồi của cộng đồng
Trong khi đó, UNICEF và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đang phối hợp triển khai nhiều dự án nhằm chứng minh các cộng đồng châu Phi có thể trở nên kiên cường hơn trước BĐKH như thế nào. Trong đó, một chương trình do UNICEF và các đối tác ở khu vực Sahel điều hành tập trung vào hành động trong 5 lĩnh vực, bao gồm: các dịch vụ y tế, dinh dưỡng, nước, giáo dục và bảo vệ.
Cộng đồng được trao quyền để giảm thiểu tác động của các sự kiện thời tiết liên quan đến khí hậu và quản lý rủi ro còn sót lại thông qua việc lập kế hoạch có sự tham gia và cung cấp dịch vụ toàn diện. Bên cạnh đó, ít nhất 3 triệu người dễ bị tổn thương, đa số là trẻ em, hiện đã được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là trong các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Tại Đông Phi, chương trình của UNEP ở Tanzania đặt mục tiêu giảm tác động có hại của mực nước biển dâng lên cơ sở hạ tầng bằng cách đầu tư vào đê biển, khôi phục rừng ngập mặn và xây dựng hệ thống thu nước mưa… Nhờ đó, các cộng đồng ven biển hiện có khả năng ứng phó tốt hơn với hiện tượng mực nước biển dâng cao. Chương trình cũng giúp cải thiện sức khỏe của người dân thông qua việc tiếp cận nguồn nước sạch và an toàn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu châu Phi diễn ra từ ngày 4 – 6/9, các nhà lãnh đạo trên khắp lục địa châu Phi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư vào hành động vì khí hậu. Hội nghị diễn ra trong Tuần lễ Khí hậu châu Phi, một sự kiện thường niên quy tụ đại diện các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và xã hội dân sự.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, Hội nghị này là một cơ hội chưa từng có để giải quyết các tác động ngày càng tăng của BĐKH đối với vấn đề di cư ở châu Phi.
Năm ngoái, hơn 7,5 triệu lượt người di dời do thảm họa nội bộ trên lục địa này. Dẫn báo cáo năm 2021, IOM cảnh báo, nếu không có hành động hiệu quả và bền vững về khí hậu, sẽ có tới 105 triệu người ở châu Phi có thể trở thành người di cư trong nước vào cuối năm nay.
Tổng Giám đốc IOM Amy Pope nhấn mạnh: “Chúng ta đã chính thức bước vào kỷ nguyên di cư vì khí hậu, do vậy cần phải có các giải pháp cấp bách”.
Mai Đan (Tổng hợp từ UN News)