Trong gần 680 ha đất làm dự án, có gần 620 ha là đất có ba loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất.
Liên quan đến việc chuyển đổi 680 ha đất rừng làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét ở Bình Thuận, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 5-9, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác vào Bình Thuận khảo sát dự án. UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho biết sẽ sớm có thông cáo báo chí liên quan đến dự án hồ thủy lợi này.
Trồng lại hơn 1.800 ha rừng
Trả lời về việc 680 ha rừng tại đây sẽ chuyển mục đích trồng lại ở nơi khác nhường đất cho hồ thủy lợi theo công văn của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận thì kết quả kiểm kê, đánh giá hiện trạng có rừng của dự án là 619,58 ha. Trong đó, rừng đặc dụng là 137,95 ha, rừng phòng hộ là 0,51 ha, rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha.
Để xử lý cây rừng trong khu vực dự án, Sở NN& PTNT đang xác định chính xác ranh giới vùng ngập tại bản đồ và thực địa. Ban quản lý dự án đầu tư công trình (QLDA) NN&PTNT tỉnh trình phê duyệt dự án đầu tư và hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để làm cơ sở thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng.
Sau khi Ban QLDA thực hiện các thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn định giá giá trị lâm sản để làm cơ sở tiến hành đấu giá, đơn vị nào trúng thầu thì đôn đốc đẩy nhanh khai thác, bàn giao mặt bằng. Khi đầy đủ hồ sơ, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển rừng để làm cơ sở thực hiện khai thác lâm sản.
Về kế hoạch trồng rừng thay thế, trên cơ sở số liệu kết quả kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng và kết quả cập nhật bổ sung điều chỉnh chủ trương dự án thì tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.844,54 ha.
Vị trí trồng mới rừng thay thế trên phần diện tích đất lâm nghiệp thuộc các tiểu khu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và trên lâm phận Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.
Theo thông tin từ ĐTM của dự án, tỉnh Bình Thuận sẽ chia thành hai đợt để trồng lại rừng. Trong đó, đợt 1 sẽ trồng gần 145 ha và đợt 2 là hơn 1.400 ha, với tổng kinh phí hơn 176 tỉ đồng.
Hệ lụy của việc mất rừng là vô cùng lớn
Theo ĐTM lập vào tháng 8-2022 do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam và đơn vị thực hiện lấy mẫu, đo đạc môi trường nền (Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh, TP.HCM) thì đây là dự án đầu tư xây dựng mới với tầm quan trọng quốc gia.
Mục tiêu đầu tư của dự án đã được Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư, cụ thể: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Theo báo cáo kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án hồ chứa nước Ka Pét thì tổng diện tích đất làm dự án là 697,73 ha. Trong đó, diện tích sử dụng đất rừng là 619,72 ha (với ba loại rừng cụ thể như đã nêu trên). Còn lại hơn 18 ha là đất sản xuất nông nghiệp.
Khi đánh giá tác động do thay đổi mục đích sử dụng đất, ĐTM đánh giá, diện tích đất phải thu hồi vĩnh viễn để phục vụ công tác xây dựng là toàn bộ 697,73 ha. “Việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất (từ đất rừng tự nhiên sang mục đích khác) sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên. Về lâu về dài việc mất rừng sẽ mang lại những hệ lụy vô cùng lớn như xảy ra các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn…” – ĐTM khuyến cáo.
Cùng với đó, việc thay đổi diện tích đất nông nghiệp sẽ làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng như làm thay đổi chất lượng đất, làm giảm khả năng tái tạo, phục hồi môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực. Vì vậy, đơn vị tư vấn cho rằng đối với dự án cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và phương án trồng rừng thay thế phù hợp.
Ngoài ra, ĐTM của dự án cũng thừa nhận khi triển khai dự án sẽ làm mất lớp phủ thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp, gây mất nơi cư trú của động thực vật sinh sống trên khu đất dự án.
Theo ĐTM, rừng tự nhiên có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu. Việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất từ đất rừng tự nhiên sang mục đích khác sẽ là giảm diện tích đất rừng tự nhiên, làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên (khu vực cư trú, đường đi tìm thức ăn của các loại sinh vật). Điều này có ảnh hưởng lớn đến quần cư của các loài động vật hoang dã.
Tuy nhiên, ĐTM khẳng định nhóm tác động do việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng khu đất dự án là khó tránh khỏi. song tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn các tác động tiêu cực như khắc phục tình trạng thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô. Ngoài ra còn điều tiết nguồn nước sông Ka Pét nhằm cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Trước khi xây dựng hồ Ka Pét, hiện trạng lượng nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp thiếu khoảng 4,50 triệu m3. Việc tích nước hồ chứa Ka Pét sẽ làm thay đổi thủy văn khu vực dự án về cả đặc điểm và lưu lượng dòng chảy sông. Do thay đổi thủy văn gây xáo trộn dòng chảy sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái thủy sinh khu vực dự án; làm thay đổi môi trường sống và nguồn thức ăn của một số loài thủy sinh; hình thành một hệ sinh thái hồ mới….
Tuy nhiên, ĐTM nêu một loạt những ưu thế “hoàn toàn vượt trội hơn các tác động tiêu cực” của dự án hồ Ka Pét. Cụ thể là khắc phục tình trạng thiếu nước, điều tiết nguồn nước sông Ka Pét nhằm cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Hơn 874 tỉ đồng làm hồ chứa thủy lợi Ka Pét
Theo thông tin từ ĐTM của dự án, khi triển khai xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét đảm bảo sẽ cấp đủ nước nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp đồng thời điều tiết cắt giảm đỉnh lũ và cải tạo môi trường. Cụ thể, hồ sẽ cấp nước tưới cho 7.762 ha. Trong đó, khu tưới Mỹ Thạnh 127 ha, khu tưới đập Hàm Cần 1.430 ha, bổ sung nước tưới cho 1.000 ha thuộc khu tưới của hồ Ba Bầu, cấp nước thô cho sinh hoạt của 120.000 dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết… Dự án gồm ba hạng mục hồ chứa (với dung tích 51,21 triệu m3), công trình đầu mối và hệ thống kênh. Theo tỉnh Bình Thuận, tổng mức đầu tư dự án là hơn 874 tỉ đồng (tăng gần 290 tỉ đồng so với phê duyệt ban đầu). |