Brazil phân định ranh giới của hai khu bảo tồn bản địa mới tại Amazon

Sắc lệnh của Tổng thống Brazil nêu rõ các cộng đồng thổ dân bản địa sẽ chịu trách nhiệm quản lý đất đai và có toàn quyền trong vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên tại 2 khu bảo tồn bản địa.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 5/9, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva công bố sắc lệnh, trong đó phân định ranh giới của hai khu bảo tồn bản địa mới tại khu vực rừng rậm Amazon.

Rừng nhiệt đới Amazon tại bang Amazonas, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đây được coi là một biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn nạn phá rừng tại quốc gia Nam Mỹ này và là “chìa khóa” trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trong sắc lệnh trên, Chính phủ Brazil đã thành lập khu bảo tồn Rio Gregório với diện tích 187.000ha thuộc thành phố Tarauacá, bang Acre và khu bảo tồn Acapuri de Cima rộng 18.000ha ở đô thị Fonte Boa, bang Amazonas.

Văn kiện này cũng nêu rõ các cộng đồng thổ dân bản địa sẽ chịu trách nhiệm quản lý đất đai và có toàn quyền trong vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên tại 2 khu bảo tồn này.

Theo Bộ Dân tộc Bản địa Brazil, chính phủ nước này đặt mục tiêu phê duyệt quy hoạch thêm 6 vùng bảo tồn bản địa tại khu vực Amazon từ nay đến cuối năm 2023.

Phát biểu tại Dinh Tổng thống nhân lễ kỷ niệm Ngày Amazon, ông Lula da Silva nhấn mạnh người dân bản địa sinh sống tại khu vực rừng rậm lớn nhất hành tinh này sẽ được nhà nước đảm bảo quyền lợi để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, Tổng thống Lula da Silva cho biết Chính phủ Brazil sẽ chi 120 triệu USD mỗi năm cho chương trình hỗ trợ kỹ thuật nhằm ngăn ngừa nạn phá rừng. Nguồn tín dụng này sẽ được phân bổ dựa trên kết quả mà chính quyền các địa phương đạt được trong việc giảm thiểu nạn phá rừng và cháy rừng. Danh sách các địa phương đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ được công bố hàng năm.

Kể từ khi Tổng thống Lula da Silva nhậm chức vào tháng Một năm nay, nạn phá rừng Amazon tại Brazil đã giảm đáng kể.

Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, diện tích rừng Amazon trên lãnh thổ nước này bị tàn phá giảm hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 7.135km2 xuống còn 3.712km2.