Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến việc thu hẹp gần 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Trong văn bản gửi đến ông Phạm Vinh Quang – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao), UNESCO cho biết, đã nhận được nhiều nguồn thông tin liên quan đến quyết định của chính quyền tỉnh Thái Bình về việc giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha.
UNESCO khẳng định, điều này có thể tác động đến Khu sinh quyển đồng bằng sông Hồng đã được UNESCO công nhận.
Để làm rõ thêm thông tin, UNESCO đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hỗ trợ các thông tin với cơ quan chức năng liên quan, gồm các báo cáo về việc điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha (trong đó 634 ha rừng ngập mặn và 688 ha rừng chưa có rừng) có chính xác không?
“Nếu báo cáo được xác nhận thì diện tích bị suy giảm ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chồng lên ranh giới Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng được UNESCO chỉ định công nhận trong hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển trình UNESCO ở mức độ nào?”, văn bản của UNESCO nhấn mạnh.
Trước đó, Thái Bình có QĐ 731 thu hẹp diện tích của Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1320ha, trong đó có 632ha đất có rừng ngập mặn và 688ha đất chưa có rừng.
Việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn nhằm thực hiện quy hoạch chung Khu Kinh tế Thái Bình, trong đó chuyển đổi một phần diện tích Khu bảo tồn làm dự án Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân gofl Cồn Vành và Khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.
Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đất ngập nước Liên tỉnh Ven biển Đồng bằng Châu thổ sông Hồng (gọi tắt là Khu DTSQ châu thổ sông Hồng) được UNESCO công nhận năm 2004, nằm trên địa bàn 6 huyện (Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Tiền Hải, Thái Thuỵ và Kim Sơn) thuộc 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.
Đây là một trong 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam với tổng diện tích 137,261ha, gồm vùng lõi (14.842ha), vùng đệm (36.951ha), vùng chuyển tiếp (85.468 ha).
Trong đó vùng lõi của Khu DTSQ gồm Vườn Quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Nam Á, đặc biệt là bảo tồn các loài chim hoang dã quý hiếm.
Quyết định của UBND tỉnh Thái Bình khiến các chuyên gia lo ngại, Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng có thể bị UNESCO rút danh hiệu.
Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, với việc giảm gần 90% quy mô Khu bảo tồn, UBND tỉnh Thái Bình có thể đã đặt dấu chấm hết cho Khu DTSQ châu thổ sông Hồng.
Cụ thể, khung pháp lý của Mạng lưới Toàn cầu các Khu DTSQ Thế giới quy định, các khu DTSQ cần đáp ứng 7 tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ 4 và thứ 5 là có diện tích đủ lớn để thực hiện ba chức năng gồm bảo tồn, phát triển và hỗ trợ cũng như được phân vùng cụ thể nhằm thực hiện ba chức năng (gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp).
Việc diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải giảm gần 90% ảnh hưởng tới việc đáp ứng các tiêu chí của Khu DTSQ châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận. Khu DTSQ này cần đệ trình Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm lần thứ 2 lên Ban Thư ký Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc tổ chức UNESCO trước ngày 30/9/2024.
Trên cơ sở báo cáo đánh giá định kỳ, Hội đồng Điều phối Liên Chính phủ Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB ICC) sẽ quyết định Khu DTSQ có tiếp tục đáp ứng các tiêu chí và đảm bảo các chức năng hay không, nếu không đáp ứng, MAB ICC sẽ có khuyến nghị tới chính phủ quốc gia và Ban Quản lý Khu DTSQ, đưa vào danh sách đề nghị rút danh hiệu.
Trong văn bản trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định, Quyết định thu hẹp gần 90% Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải của UBND tỉnh Thái Bình không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu của các Nghị quyết trung ương, đi ngược cam kết quốc tế của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến khả năng thích ứng, chống chịu trước các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. |