Sau thời gian dài bị lên án, tình trạng kích trộm giun (“giun tặc”) vẫn chưa thuyên giảm. Không những thế, mùa mưa cũng là lúc nạn kích giun rầm rộ hơn khiến người dân phải ngày đêm trông coi, bảo vệ đất và vườn cây.
Xuyên đêm bảo vệ đất
Ngay từ khi trời sâm sẩm tối, các chủ vườn cam ở xã Thu Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đã nhắn tin cho nhau trên nhóm Zalo để phân công nhiệm vụ, cắt cử người theo dõi tại các ngã ba và đi tuần trong vườn. Họ chỉ nhắn tin, không gọi điện, tránh bị nghe lỏm.
Đến 21h, PV theo chân anh Nguyễn Anh Tuân (một chủ vườn ở xã Thu Phong), với trang phục làm vườn, đèn pin chiếu sáng và 1 tuýp nước mục đích để phòng thân.
“Các đối tượng kích trộm giun thường sẽ bỏ chạy khi bị phát hiện. Nhưng cũng có trường hợp manh động chống trả để lấy lại đồ nghề. Tuýp nước này cốt để phòng thân khi xảy ra biến cố”, anh Tuân nói.
Sau hơn 1 giờ đi tuần hết khu vườn rộng hơn 3ha của mình, anh Tuân và một người khác di chuyển về các ngã ba cách vườn khoảng 1km. Đồng thời, tắt đèn xe máy và ngồi im lặng để nghe ngóng.
Trong cả quá trình mật phục tại khu vực ngã ba, anh Tuân thường xuyên dùng Zalo liên hệ với các chủ vườn khác để nắm bắt tình hình và có mặt nếu phát hiện “giun tặc” xâm nhập.
Theo ghi nhận của PV, khoảng 1-2 giờ sáng, có rất nhiều xe máy di chuyển từ hướng huyện Kim Bôi về huyện Cao Phong. Theo người dân, nhiều khả năng là các đối tượng đang di chuyển để thực hiện việc kích giun.
Đến 3h sáng, sau khi đi tuần vườn cam của mình, anh Tuân trở về căn lều nhỏ trên đỉnh đồi nghỉ ngơi, kết thúc ca trực.
Mặc dù đêm đó không phát hiện “giun tặc”, tuy nhiên theo các chủ vườn, việc canh giữ là rất quan trọng, góp phần ngăn chặn và bảo vệ vườn.
Tương tự, tại vườn cam của anh Nguyễn Thọ Thể ở thị trấn Cao Phong, trong chiều 19.8, người dân phát hiện một số trường hợp lạ mặt đóng giả người đi câu tại một hồ nước cạnh vườn. Sau đó, những người này lấy danh nghĩa là đào giun để câu cá nhằm thăm dò và sẽ hành động vào buổi tối.
Nắm bắt được ý đồ của đối tượng, đến 3h sáng ngày 20.8, sau khi mật phục tại khu vực gần địa điểm đối tượng đã đào giun, dưới trời tối mịt, anh Thể phát hiện có ánh đèn lấp ló. Tuy nhiên, trời bỗng đổ mưa lớn khiến nhóm của anh Thể phải về lều trú.
Không ngoài dự đoán, đến khi trời sáng, anh Thể đi kiểm tra thì phát hiện nhiều dấu chân còn mới trong vườn.
Thành lập tổ xung kích ngăn “giun tặc”
Để ngăn chặn các trường hợp sử dụng kích điện đánh bắt giun, mua, bán, sơ chế, vận chuyển giun, UBND xã Dũng Phong (huyện Cao Phong, Hòa Bình) thậm chí đã thành lập Tổ xung kích để chặn nạn “giun tặc”.
Ông Bùi Văn Liển – Chủ tịch UBND xã Dũng Phong cho biết, từ năm 2021, xã đã thành lập Tổ xung kích để ngăn chặn “giun tặc”, khi phát hiện hộ nào ở xóm nào dùng máy kích điện đánh bắt giun thì các thành viên trong Tổ xung kích báo cáo với xã để xử lý.
Theo ông Liển, các xóm cũng đưa việc sử dụng máy kích điện đánh bắt giun vào hương ước, quy ước của xóm, nếu hộ nào vi phạm thì cuối năm không bình xét gia đình văn hóa.
Đầu tháng 8.2023, Tổ xung kích đã phát hiện ra 2 hộ dân ở xóm Đồng Mới có lò sấy giun. Đó là hộ ông Bùi Văn Hiếu và ông Bùi Văn Kiển.
Sau khi được Công an xã và Tổ xung kích giải thích, tuyên truyền về hậu quả và tác hại của việc sử dụng máy kích điện đánh bắt giun, 2 hộ dân ở xóm Đồng Mới đã cam kết tháo dỡ toàn bộ lò sấy giun; đồng thời, xin hứa sẽ dừng việc kích giun, thu mua, sơ chế giun đất.
Theo lời khai của 2 hộ dân có lò sấy giun ở xóm Đồng Mới tại biên bản làm việc mà Công an xã Dũng Phong, trung bình mỗi ngày sử dụng kích điện sẽ đánh bắt được khoảng 40 kg giun tươi, với giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg tùy loại.
Khoảng 12 kg giun tươi sau khi sấy sẽ thu được 1 kg giun khô và được bán với giá 600.000 – 700.000 đồng/kg cho đầu mối ở tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Cao Phong đã xảy ra 36 vụ, 40 đối tượng (31 đối tượng ngoài huyện, 9 đối tượng trong huyện); thu giữ 38 máy kích điện.
Trong đó, 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 19 vụ, 20 đối tượng (18 đối tượng ngoài huyện, 2 đối tượng trong huyện), thu giữ 18 máy kích điện. |