Thị trường mua bán giun sấy khô diễn ra nhộn nhịp, trong khi một số địa phương vẫn kêu khó vì chưa có cơ chế xử lý nạn “giun tặc“.
Sôi động thị trường giun sấy khô
Chỉ cần gõ từ khoá “mua bán giun” thì kết quả tìm kiếm sẽ có nhiều nhóm với hàng chục nghìn thành viên.
Mỗi ngày, những nhóm này có hàng chục bài đăng về việc cần mua, cần bán giun khô và nhận trăm lượt bình luận, liên hệ, trao đổi.
Trong vai là người có giun khô đang cần tiêu thụ, PV đã liên hệ với một số thương lái để tìm hiểu về thị trường.
Chị Linh (một thương lái ở tỉnh Tuyên Quang) cho biết, ở đâu cũng có thể thu mua, chỉ cần đủ chuyến xe (khoảng 1 tấn giun khô) là có thể cho người sang lấy hoặc chở sang tận nơi.
Với loại giun đồng (kích tại các vườn) giá 720.000 đồng/kg, còn giá của giun núi (hay còn gọi là giun đen) sẽ khoảng 600.000 – 640.000 đ/kg.
Còn anh Tư, một thương lái khác đã yêu cầu PV gửi ảnh hàng giun khô trước khi định giá. Theo người này, vì có nhiều loại nên cần phải xem mới biết và đưa ra được mức giá phù hợp.
Theo các thương lái, số lượng mua không hạn chế vì chủ yếu bán sang Trung Quốc và cũng không biết họ mua để phục vụ mục đích gì.
Tương tự, trong vai là người cần thu mua giun, chỉ trong thời gian ngắn khi thông tin cần mua số lượng lớn giun khô trên các nhóm thì đã có rất nhiều người liên hệ và gửi hình ảnh về giun khô thành phẩm.
Những người bán này chủ yếu tập trung tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lào Cai…
PV đã liên hệ với chủ hàng ở Hà Nội, người này cho biết, mình đang có 1,5 tấn hàng giun khô và giá mong muốn là 760.000 đồng/kg; đồng thời cũng cam kết đây là giun được kích tại khu vực Hoà Bình và số lượng không hạn chế.
Cũng theo các thương lái, giun sấy khô ở nước ta chủ yếu là giun tự nhiên. Còn giun nuôi rất ít và nếu có sấy cũng không đạt chất lượng.
Vẫn khó trong việc xử lý các lò sấy giun
Sau khi Báo Lao Động có loạt bài phản ánh, nhiều địa phương đã có động thái quyết liệt vào cuộc. Tuy nhiên tại xã Tú Sơn (huyện Kim Bôi) – nơi được xem là thủ phủ của hoạt động sấy giun – vẫn đang loay hoay trong việc xử lý.
Ghi nhận của PV, tại xóm Thung Dao Bắc xã Tú Sơn có hàng chục lò sấy hoạt động trong một thời gian dài.
Theo các chủ lò sấy, hoạt động này đã diễn ra được 6-7 năm nay, giun sau khi sấy khô sẽ được bán cho thương lái, sau đó bán sang Trung Quốc.
Ông Triệu Xuân Tình, Trưởng xóm Thung Dao Bắc cho biết, ở xóm có khoảng 13-14 lò sấy giun đang hoạt động. Chủ yếu giun được thu mua ở nơi khác và trên địa bàn xóm không có gia đình nào nuôi giun.
Còn ông Bạch Công Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn xác nhận, trên địa bàn xóm Thung Dao Bắc vẫn còn nhiều lò sấy giun đang hoạt động. Các lò này không được cấp phép, hoạt động kiểu tự phát và xây dựng trong đất của gia đình.
Theo ông Dương, đến nay vẫn chưa có lò sấy nào bị xử lý do chưa có chế tài, căn cứ, gây khó khăn cho địa phương.
“Ngày 18.8 vừa qua, UBND huyện Kim đã tiến hành họp nhằm đưa ra các biện pháp để xử lý tình trạng trên” – ông Dương thông tin.
Theo UBND huyện Cao Phong, hiện nay, một số địa bàn giáp ranh huyện Cao Phong có các cơ sở thu mua, lò sấy giun vẫn đang hoạt động.
“Theo phân tích của các nhà khoa học, giun đất có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái trong đất, giun giúp làm đất tơi xốp, tạo độ thông thoáng cho đất, khiến cho bộ rễ cây phát triển, sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao.
Nếu dùng kích điện để bắt giun là hành vi hủy hoại môi trường phá vỡ đa dạng sinh học, khi giun đất bị chết, các sinh vật khác trong đất cũng chết theo, làm cho đất bị khô cằn, chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp” – lãnh đạo UBND huyện Cao Phong cho biết.