Theo quyết định 731, tỉnh Thái Bình đã thu hẹp, đến mức gần như sẽ xóa sổ khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khi giảm quy mô từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, đồng thời thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn.
Vào tháng 4/2023, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký quyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) có tên gọi là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (khu bảo tồn).
Theo quyết định này, khu bảo tồn sẽ nằm ở vị trí vùng ngoài đê biển thuộc 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh. Phía bắc, phía nam và phía đông giáp quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ.
Phía tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng hải sản công nghệ cao. Khu bảo tồn có quy mô diện tích 1.320 ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632 ha và diện tích đất chưa có rừng là 688 ha. Ranh giới của khu bảo tồn được xác định bằng 38 điểm tọa độ từ P1 đến P38.
Đáng nói, vào ngày 26/9/2014, ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã ký quyết định số 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập khu bảo tồn với quy mô 12.500 ha, trong đó bao gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước.
Quyết định này xác lập vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích của khu bảo tồn nằm về phía tả ngạn cửa Ba Lạt (thuộc huyện Tiền Hải). Phía tây giáp đê 6 (thuộc xã Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú), phía bắc giáp lạch sâu cửa Lân, phía nam là sông Hồng, phía đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ (15 km) từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với Biển Đông.
Quyết định 2159 cũng nêu rõ phân khu chức năng vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn. Theo đó, vùng lõi được xác định do đặc thù của vùng cửa sông nên toàn bộ diện tích khu bảo tồn thuộc diện bảo vệ và không phân thành các phân khu chức năng như các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Vùng đệm của khu bảo tồn gồm 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh với tổng diện tích tự nhiên trong vùng dự án là 4.564 ha.
Đề án của khu bảo tồn được lập ra với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar.
Như vậy, với Quyết định 731, tỉnh Thái Bình đã thu hẹp, đến mức gần như sẽ xóa sổ khu bảo tồn khi giảm quy mô từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, đồng thời thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn.
Trước sự việc này, ông Đoàn Hải Nam, Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) bày tỏ: “Việc tỉnh tự ra quyết định khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng”.
Ông Nam khẳng định khu bảo tồn là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu bảo tồn cũng liên quan đến các chương trình ứng phó biển đổi khí hậu theo Nghị quyết 102 của Quốc hội và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, năm 2020, tỉnh Thái Bình đã có văn bản xin ý kiến Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã phản hồi rõ ràng, đây khu bảo thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của các Bộ TN-MT, KH-ĐT, Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT cũng không nhận được thêm bất kỳ phản hồi nào từ phía tỉnh Thái Bình.
Theo ông Nam, không thể đánh đổi và thực hiện như tỉnh Thái Bình đang làm. Tới đây, khi thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Bộ NN&PTNT sẽ có ý kiến về quy hoạch của tỉnh Thái Bình.