Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Vương Tiến Mạnh cho biết, voi Châu Á tại Việt Nam là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Để bảo vệ, phục hồi các quần thể voi tại Việt Nam, cần xử lý dứt điểm vấn nạn buôn bán, săn voi lấy ngà.
Voi tại Việt Nam suy giảm nhanh theo từng năm
– Ông đánh giá thế nào về tình trạng suy giảm hiện nay của các cá thể voi tại Việt Nam, thưa ông?
– Quần thể voi Châu Á (Elephas maximus) tự nhiên tại Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Theo một nghiên cứu, khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Voi Châu Á được xếp vào bậc nguy cấp trong danh mục sách Đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), Sách Đỏ Việt Nam ở bậc cực kỳ nguy cấp và được pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất – “Nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại”.
Cũng theo báo cáo tổng kết của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2020 ghi rõ, chỉ trong vòng khoảng 40 năm từ năm 1975 đến năm 2015, các quần thể voi nhỏ bị phân mảnh tại Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng tới 95% và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có những kế hoạch bảo tồn khẩn cấp, phù hợp và đúng đắn. Riêng tại Đắk Lắk, đã có ít nhất 23 cá thể voi rừng bị chết trong giai đoạn 2009 – 2016, chiếm khoảng 25% tổng đàn hiện nay. Tại Đồng Nai, khoảng 9 cá thể voi rừng đã chết trước năm 2014.
Có thể nhận định, voi Châu Á tại Việt Nam là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Có nhiều nguyên dẫn đến việc suy giảm nhanh chóng quần thể voi ở Việt Nam, nhưng tập trung vào các nguyên nhân chính đã được các chuyên gia, các nhà quản lý chỉ ra bao gồm chết do các yếu tố tự nhiên (dịch bệnh, tai nạn), nạn săn bắt voi trái phép, xung đột voi – người, mất sinh cảnh sống do xâm lấn của con người (nông nghiệp, phát triển hạ tầng, mất rừng,…), quần thể bị chia cắt, phân mảnh và yếu tố về mất cân bằng tỷ lệ đực cái trong các quần thể nhỏ lẻ.
– Điều này có liên quan đến thực trạng săn bắt voi trái phép và buôn bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi trong những năm gần đây không, thưa ông?
– Những năm trở lại đây ghi nhận rất ít trường hợp săn bắt voi trái phép. Để đạt được kết quả này bao gồm nhiều yếu tố:
Đầu tiên, phải khẳng định hệ thống pháp luật Việt Nam đã “mạnh tay” trong việc xử lý các hành vi vi phạm săn bắt voi theo Điều 244 của Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó, đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân xung quanh khu vực voi sinh sống cũng đã được nâng cao thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ voi, cũng như động vật hoang dã (ĐVHD). Voi cũng là một trong biểu tượng tâm linh tại một số vùng, là đối tượng ưu tiên bảo vệ của các cơ quan chức năng do có tên trong Nhóm IB ( loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm) theo quy định của Chính phủ; ngoài ra còn có tên trong Phụ lục I công ước CITES.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn là thị trường trung chuyển ngà voi cho nhiều thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, khách du lịch từ các quốc gia châu Á khác… Điều này bắt nguồn từ vị trí địa lý thuận lợi và một số hạn chế trong công tác xử lý vi phạm. Các lô hàng ngà voi bắt giữ tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Châu Phi. Đến nay, việc buôn bán và tiêu thụ ngà voi vẫn diễn biến phức tạp trong bối cảnh các cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ các vụ nhập khẩu voi với số lượng lớn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã tịch thu trên 7 tấn ngà voi Châu Phi buôn bán, nhập khẩu trái pháp luật vào Việt Nam. Do các cơ quan thực thi pháp luật đã rốt ráo vào cuộc nên tình trạng buôn bán ngà voi không diễn ra công khai như những năm trước, nhưng từ đó nảy sinh một số đối tượng, tổ chức có nhiều mánh khóe tinh vi, gian dối, hòng qua mặt lực lượng an ninh.
Nhanh chóng xây dựng kế hoạch kiểm soát buôn bán động vật hoang dã
– Để thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước CITES, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ và buôn bán động thực vật hoang dã (BBĐTVHD). Theo ông đánh giá, các chế tài pháp luật này đã thực sự đủ răn đe các đối tượng tội phạm buôn bán ĐVHD, đặc biệt là ngà voi hay chưa?
– Để thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước CITES, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách về BBĐTVHD tương đối đầy đủ ở nhiều mức độ từ chính sách, văn bản luật và dưới luật. Hệ thống chính sách, quy định pháp luật này đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng để giám sát việc quản lý BBĐTVHD ở Việt Nam. Thông qua các chính sách và văn bản được ban hành và cập nhật liên tục qua nhiều thời kỳ đã đáp ứng được yêu cầu thực tế trong quá trình phát triển của pháp luật và kinh tế quốc gia; cũng đáp ứng được yêu cầu về xây dựng hành lang pháp lý để làm cở sở cho việc thực thi các Công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và quản lý BBĐTVHD. Kết quả, trong những năm gần đây, nhiều đối tượng buôn bán, vận chuyển ngà voi đã bị xử lý, có đối tượng bị xử phạt đến 12 năm tù.
Vấn đề hiện tại vẫn là việc phối hợp giữa các bên liên quan trong nước và quốc tế để ngăn chặn các đường dây tội phạm quốc tế và huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả các giải pháp ngăn chặn hành vi săn bắt, buôn bán ĐVHD, đặc biệt là voi. Các nỗ lực thực thi pháp luật cần tập trung vào việc phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ngà voi, sừng tê giác cũng như các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý khác từ nước ngoài về Việt Nam.
– Với tư cách là đại diện cơ quan có chức năng phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, xin ông cho biết những giải pháp để ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán voi trái phép, cũng như bảo tồn voi tại Việt Nam?
– Để ngăn chặn hoạt động săn bắt, buôn bán voi trái phép, cũng như “cứu” voi trước nguy cơ tuyệt chủng, cần có một kế hoạch bảo tồn voi lâu dài, tập trung bảo tồn nguyên vị (hình thức bảo tồn tại chỗ), kết hợp với các giải pháp quy hoạch bền vững rừng và nông nghiệp xung quanh khu vực có voi sinh sống (tập trung vào các khu rừng đặc dụng). Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, trong đó có cứu hộ và bảo tồn voi cũng như các loài ĐVHD. Thực hiện các chiến dịch giảm cầu ngà voi, nâng cao nhận thức cho công chúng về bảo tồn voi. Thực hiện hợp tác quốc tế theo các cam kết mà Việt Nam đã tham gia như chia sẻ thông tin về tội phạm ĐVHD, thực hiện các chiến dịch kiểm soát buôn bán ĐVHD từ nước nguồn, nước trung chuyển và nước tiêu thụ. Đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật trong điều tra, nhận dạng mẫu vật voi, khám nghiệm hiện trường các vụ voi chết và nhanh chóng xây dựng kế hoạch kiểm soát buôn bán ĐVHD, trong đó có voi.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), vào những năm 1990, ước tính số liệu voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500 – 2.000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn dưới 120 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. |
– Xin trân trọng cảm ơn ông!