Để trả lời câu hỏi, vì sao nhiều diện tích thông ở tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình bị bức tử, đầu độc mà Lao Động đã thông tin ở bài trước, phóng viên đã tiếp cận các hiện trường. Tại đây, ghi nhận tình trạng cây thông chết đến đâu, đất rừng bị lấn chiếm đến đấy. Trong lúc, cơ quan chức năng và chủ rừng chưa có cách xử lý triệt để.
Thủ đoạn chiếm đất rừng
Trở lại diện tích rừng thông ở ngay bên con đường Hùng Vương ở tiểu khu 761S (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đang bị bức tử, chết dần chết mòn – chúng tôi ghi nhận cách lấn chiếm đất rừng khá lộ liễu.
Với những cây thông mới bị ken đẽo, cây lá còn xanh, thì các đối tượng phát sạch thực bì xung quanh và đào các hố nhỏ xen giữa rừng thông. Sau đó, chỉ cần đợi thông chết, các cây trồng sẽ được trồng ngay vào các hố đào sẵn.
Đi dọc đường Hùng Vương, ở ngay bên đường, dễ dàng phát hiện một số thửa đất rừng phòng hộ vắng cây thông, thay vào đó là cây cà phê, xoan, keo tràm, dứa, mít, bưởi, khoai tía… mới được trồng.
Thống kê ban đầu, riêng ở tiểu khu 761S, có trên 0,78ha đất rừng phòng hộ ở vị trí mặt tiền đường nhựa bị lấn chiếm. Chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông xác định có 4 đối tượng người bản địa đã có hành vi ken đẽo, lấn chiếm đất để trồng cây.
Tương tự, ở các diện tích rừng thông bị đầu độc ở xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng bị lấn chiếm đất. Ở đây, thủ đoạn chiếm đất rừng lộ liễu hơn, khi cây thông chưa chết, thì cây keo tràm đã được trồng xen lấn giữa rừng thông. Có nơi, keo tràm đã lên cao vài mét, và diện tích đất rừng đang bị lấn chiếm, trồng xen các loại cây trồng ở đây không ít.
Không xử lý triệt để, vẫn chưa ai chịu trách nhiệm?
Ông Nguyễn Công Tuấn – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông nói với Lao Động rằng, khi phát hiện các vụ phá hoại cây thông, đơn vị này đã bôi thuốc vào vết thương bị ken đẽo. Đồng thời, làm 1 lán trại ngay các vị trí rừng bị xâm hại để ngăn chặn. Thế nhưng, số lượng cây thông bị ken đẽo, bị chết vẫn tiếp tục tăng về số lượng.
Trước câu hỏi, đã xác định được đối tượng liên quan đến việc phá rừng thông, và chiếm đất rừng, tại sao không xử lý? Ông Tuấn cho hay, đã có báo cáo cụ thể với cơ quan chức năng.
“Như vào tháng 4.4.2023, đơn vị đã có báo cáo với Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa, UBND thị trấn Khe Sanh và Công an thị trấn Khe Sanh – về việc cây thông bị phá hoại. Trong báo cáo, có chỉ rõ đối tượng liên quan, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa bị xử lý” – ông Tuấn, cho hay.
Còn ông Trần Hậu Ngự, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải thì nói rằng, đơn vị cũng đã tìm cách cứu các cây thông bị đầu độc; thường xuyên tuần tra để kịp thời ngăn chặn việc phá cây, lấn đất; thậm chí còn trang bị camera giấu kín ở một số vị trí để thu thập thông tin phá hoại cây rừng, gửi cơ quan chức năng. Thế nhưng, chưa có vụ việc phá hoại thông nào được làm rõ, xử lý – trong lúc tình trạng thông chết vẫn diễn ra, đất rừng vẫn bị lấn chiếm.
Liên quan đến thông tin nhiều diện tích rừng thông bị phá hoại, lãnh đạo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị khẳng định, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng.
“Nhận được thông tin trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị đã tham mưu với UBND tỉnh, tổ chức đi kiểm tra thực địa tại hiện trường, để có chỉ đạo cụ thể từ UBND tỉnh. Đồng thời, Sở đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc là kiểm lâm, phối hợp các chủ rừng, công an nắm bắt thông tin, rà soát các đối tượng liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, sớm ngăn chặn tình trạng phá hoại thông và lấn chiếm đất rừng” – ông Phan Văn Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho biết.