Mục tiêu về tỷ lệ che phủ rừng được tỉnh đặt ra đến năm 2025 đạt 46,5%. Đến nay, việc thực hiện mục tiêu này vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp nhằm gia tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ chưa đạt
Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 có đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt mức 46,5%. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự kiến chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh qua từng năm. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46% (tương đương với năm 2017). Từ năm 2022 đến 2023, dự kiến chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng tăng 0,15%/năm, tương đương mỗi năm tăng khoảng 780ha, trong đó tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 46,15%, năm 2023 đạt 46,3%. Trong 2 năm 2024, 2025, dự kiến chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng tăng 0,1%/năm, tương đương mỗi năm tăng khoảng 522ha rừng, trong đó năm 2014 đạt 46,4%, năm 2025 là 46,5%.
Tuy nhiên, kết quả hiện trạng rừng tỉnh năm 2022 được UBND tỉnh công bố vào tháng 3 năm nay cho thấy, diện tích rừng tham gia tính tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh là 237.383,56ha (gồm 176.382,86ha rừng tự nhiên và 61.000,7ha rừng trồng); tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 45,41%, thấp hơn kế hoạch dự kiến 0,74%. Ngoài ra, tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các đơn vị chủ rừng, các địa phương trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, Chi cục Kiểm lâm dự kiến năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh khó đạt 46,3% như dự kiến. Việc triển khai trồng rừng tập trung của các đơn vị chủ rừng của Nhà nước thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, toàn tỉnh chỉ trồng được 292,58ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đạt 16,01% so với kế hoạch cả năm. Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị chủ rừng chỉ trồng mới 146,42ha. Nguyên nhân chính khiến diện tích trồng rừng còn thấp là đối với việc trồng rừng phòng hộ, thủ tục đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc. Với rừng sản xuất tập trung, một số địa phương chưa phê duyệt hoặc điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư; quỹ đất trồng rừng chưa đáp ứng các tiêu chí về hỗ trợ trồng rừng sản xuất tập trung nên chưa thể thực hiện trồng rừng như kế hoạch.
Theo ông Trần Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, qua theo dõi trong giai đoạn 2017-2022, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh chưa đạt theo kế hoạch là do giai đoạn này có khoảng 4.000ha rừng của người dân, các đơn vị chủ rừng của Nhà nước đã khai thác trắng nhưng không trồng mới lại rừng; có khoảng 554ha rừng đã được chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, tình trạng cháy rừng, phá rừng, nắng hạn… cũng làm giảm diện tích rừng của tỉnh.
Thực hiện nhiều giải pháp
Để phấn đấu đạt tỷ lệ độ che phủ rừng đến năm 2025 là 46,5% như mục tiêu đề ra, lực lượng kiểm lâm đang tập trung tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có tập trung triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 524 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt mục tiêu trồng mới 10,755 triệu cây xanh phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có tại từng địa phương trong tỉnh, trong đó trồng mới 8 triệu cây phân tán và 2,755 triệu cây trồng rừng tập trung (tương đương 1.600ha). Ngoài ra, việc khoanh nuôi các diện tích đất chưa có rừng nhưng có cây rừng tái sinh, phát triển thành rừng tự nhiên phục hồi cũng là giải pháp quan trọng để nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh cũng cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh phải giữ vững diện tích rừng hiện nay. Để làm được điều này, lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phấn đấu giảm số vụ vi phạm và thiệt hại về rừng hàng năm; không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Minh Thu cho biết: “Trong 2 năm 2023 và 2024, các đơn vị thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng thì đến năm 2025 vẫn chưa thể đưa các diện tích này vào để tính độ che phủ rừng, bởi rừng trồng sau 3 năm mới được tính độ che phủ. Để đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng tính đến năm 2025 đạt 46,5%, cần phải cập nhật đầy đủ các diện tích đất trống có cây rừng tái sinh của các đơn vị chủ rừng của Nhà nước, đã đủ tiêu chí thành rừng để tính độ che phủ rừng”.