Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Những con voi có số phận bi thảm nhất Tây Nguyên

Một đêm giữa tháng 10/2010, khi đang được xích ở bìa rừng, Pắc Kú đã đối mặt với thảm kịch. Chú đại tượng có cặp ngà đẹp nhất Bản Đôn bị nhóm săn trộm tẩm xăng, đốt cháy phần đầu và mông. Chưa dừng lại, Pắc Kú tiếp tục chịu hơn 200 vết chém trước khi có thể giật đứt dây chạy thoát. Mặc dù sau đó đã được các chuyên gia hàng đầu nỗ lực cứu chữa, nhưng Pắc Kú đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn.

Giữa tháng 7/2023, dư luận cả nước xôn xao trước hình ảnh chú voi mang tên Banang bị xích chân, gầy mòn trong vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). Thậm chí đã có một phong trào vận động trả Banang về với núi rừng Tây Nguyên, nơi chú đã sinh ra và trưởng thành.

Số phận của Banang thật ra không hề cá biệt, thậm chí còn có phần may mắn hơn nhiều đồng loại. Trước Banang, hàng trăm chú voi nhà cũng đã rơi vào “bi kịch” với nhiều câu chuyện thương tâm khác nhau. Đó là một Păk Kú tại Buôn Đôn (Đăk Lắk) từng bị chém hơn 200 nhát búa và rìu, bị rình trộm xác khi đã mất những năm 2010. Cũng trong cùng khoảng thời gian trên, hai chú voi phục vụ du lịch tại tỉnh Lâm Đồng đã bị kẻ gian chặt đuôi để về… làm trang sức.

Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền cũng như các tổ chức bảo tồn nhằm giữ nhà và bảo vệ cho voi, quần thể sinh vật đặc hữu của Tây Nguyên vẫn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.

Nhân dịp này, Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết về Ký ức voi Tây Nguyên, với mong muốn giúp bạn đọc hiểu hơn về số phận bi kịch của Voi – một biểu tượng đang dần thất truyền nếu không có các hành động quyết liệt của vùng đất đỏ bazan kiêu dũng.
Giết voi lấy ngà, chặt đuôi voi để “cướp lông” là chuyện không hiếm gặp tại Tây Nguyên suốt hàng chục năm qua. Đến độ, “vua voi” Đàng Năng Long bảo ông đã phải vừa khóc, vừa cắn răng nạy cặp ngà ra khỏi con voi nhà vừa mất để tránh kẻ xấu xâm hại mộ voi.

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Những con voi có số phận bi thảm nhất Tây Nguyên

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Nỗi lòng của “vua voi” Đàng Năng Long

Cần tính toán kỹ phương án nếu muốn trả voi Thủ Lệ “về nhà”

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Hy vọng từ việc “cởi trói” cho voi nhà

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Việt Nam cần đưa ra kế hoạch bảo tồn voi bài bản và quyết liệt hơn

Bi kịch của voi

Những ngày cuối tháng 7, trong cơn mưa đầu mùa của xứ bazan, chúng tôi tìm đến khu mộ voi tại Buôn Đôn (Đắk Lắk). Do không phải thời gian cao điểm, nên cả khu du lịch “lõi” của Tây Nguyên rất thưa vắng bóng người. Ngôi mồ chung của cặp voi Pắc Kú và H’Panh hiu hắt dưới một gốc cây già.

Nài voi Nguyên Ksor, người đang sở hữu con voi già hơn 40 tuổi cưỡi chiếc xe máy cũ kỹ, vượt mưa đến gặp chúng tôi ngay sát khu nhà mồ. Ráng chiều hắt chéo qua màn mưa lất phất khiến không gian càng trở nên trầm mặc.

Khi được hỏi về Pắc Kú, Ksor bảo, từ gần 15 năm, không một ai có thể quên được cái chết đau thương của chú đại tượng có cặp sừng đẹp nhất Bản Đôn. Chuyện rằng, Pắc Kú được các Gru bắt về từ năm 1978. Sau 6 tháng “học cách ở với người”, Pắc Kú bắt đầu hòa nhập và trở thành “thủ lĩnh” voi nhà của buôn.

Khu mộ voi tại Bản Đôn, nơi nhắc nhớ câu chuyện buồn về Pắc Kú, chú voi đã bị chém 217 vết búa, rìu trước khi qua đời.

Sang năm 1988, một người ở huyện Chư Sê (Gia Lai) đến Buôn Đôn chơi. Thấy voi Pắk Kú quá đẹp, lại hiền lành nên gọi người nhà đem tài sản tới đổi về. Mãi 21 năm sau, chủ khu du lịch sinh thái Buôn Đôn mới chuộc Pắc Kú trở về để phục vụ du lịch. Lúc này, Pắc Kú đã trở nên lực lưỡng với cặp ngà dài gần 1m. Nhưng cũng chính cặp ngà ấy lại mang tới bi kịch cho chú voi Bản Đôn.

Một chiều cuối tháng 10 năm 2010, Pắc Kú được cho vào rừng. Ngay trong đêm đó, nhóm kẻ xấu đã tẩm xăng, đốt cháy phần đầu và mông. Chưa dừng lại, Pắc Kú tiếp tục chịu hơn 200 vết chém trước khi có thể giật đứt dây chạy thoát. Mặc dù sau đó đã được các chuyên gia hàng đầu nỗ lực cứu chữa, nhưng Pắc Kú đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn.

Cơ quan chức năng thậm chí đã thống kê, khi gặp nạn, Pắc Kú đã hứng chịu đúng 217 vết chém.

Sau khi voi chết, lãnh đạo khu du lịch đã nhờ tới lực lượng công an huyện Buôn Đôn, cùng đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn tham gia canh giữ, bảo vệ xác voi suốt 3 ngày liền để tiến hành xây mộ, chôn cất Pắc Kú.

Đôi mắt buồn của Khăm Sen, chú voi nhà may mắn thoát khỏi bi kịch như đồng loại.

Thảm thương không kém là trường hợp của H’Panh. Trong một lần vào rừng, chú voi cái 55 tuổi đã bị sập hầm của “voi tặc” và chết. H’Panh sau đó cũng được đưa về an táng cùng Pắc Kú trong khu mộ voi ngay ven đường dẫn vào Bản Đôn.

“Vua voi” Đàng Năng Long là người trực tiếp trải nghiệm nỗi đau do “voi tặc”. Đến tận bây giờ, ông vẫn chưa thể quên được hình ảnh hai chú voi nhà của mình bị chặt đuôi để lấy lông. Hai vụ chỉ cách nhau 17 ngày. Voi mất máu và chết chỉ 3 tuần sau đó.

Vua voi Đàng Năng Long từng thấm thía nỗi đau mất voi do những đối tượng xấu nhẫn tâm chặt đuôi, cướp lông.

Về sau, cáo trạng vụ án được ghi lại: Tháng 3/2010, hai thanh niên trú tại Đồng Nai và Đắk Lắk rủ nhau đi… trộm lông đuôi voi. Mang theo dao chặt xương, khi gặp voi H’Tuk của ông Long, cả hai đã nhẫn tâm chặt cả khúc đuôi mang về bán với giá 20 triệu đồng.

Xuất phát từ niềm tin mù quáng rằng lông đuôi voi, ngà voi sẽ mang tới vận may cho người sở hữu. Một đồn mười, mười đồn trăm khiến cho voi nhà Tây Nguyên bỗng dưng… gặp họa. Tại Đà Lạt, cũng trong năm 2010, 2 con voi nhà phục vụ du lịch cũng bị kẻ xấu chặt cụt đuôi…

Không chỉ voi nhà, voi rừng cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu. Năm 2009, ở tiểu khu 160 và 138 thuộc Công ty Lâm nghiệp Ia mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phát hiện có 2 con voi rừng bị sát hại, trong đó có một con đã được cắt lấy ngà. Năm 2010 và 2011 ở Đắk Lắk cũng phát hiện nhiều voi rừng chết nhưng không rõ nguyên nhân.

Về sau, để bảo vệ voi trước nguy cơ nhãn tiền, các Gru buộc phải nghĩ cách bảo vệ voi nhà. Họ cắt dần đuôi voi để không ai có thể nhổ trộm hoặc chặt đuôi voi khi voi phải ở một mình. Họ cũng cưa dần ngà để voi mất dần… sức hấp dẫn. Nhưng tất cả đều được thực hiện theo những nguyên tắc chặt chẽ. Luật tục M’Nông quy định rõ để cắt ngà voi trước hết phải làm lễ cúng thần voi Nguăch Ngual.

Bài khấn thần voi có nội dung: Ta thưa với thần Nguach Ngual/ Xin thần cho phép ta cắt ngà/ Răng dài có quyền cưa, ngà dài có quyền cắt/ Đừng khiến con voi buồn tủi/ Đừng khiến con voi gầy ốm/ Giúp ta cắt cho đúng chỗ/ Cắt một ngà mọc lại một ngà/ Cắt hai ngà mọc lại hai ngà/ Khiến ngà mọc lại thật nhanh/ Trong một tháng mọc dài một gang/ Trong một năm mọc dài một hắt (bằng 50cm)

Riêng về tục cắt lông đuôi voi, Y Thanh Uông, nài voi ở Yang Tao, huyện Lắk mắt đỏ vằn, tay run run bảo đây là việc vốn “không có trong tiền lệ”. Trước kia, những Gru chỉ dùng bàn chải chải lông đuôi, sợi nào rụng ra sẽ được giữ lại để dành tặng cho người thân, bạn bè. Về sau, để giữ “tính mạng” cho voi, những nài như Y Thanh Uông mới buộc phải mạnh tay can thiệp.

“Không ai muốn thế, nhưng nếu không làm, sự sống của voi sẽ luôn luôn bị đe dọa”, Y Thanh Uông thở dài.

Cũng bởi vậy mới nảy sinh câu chuyện dở khóc, dở cười: Đến khi voi chết đi, chủ voi lại phải đau đầu tìm cách… an táng.

Sơn táng và thủy táng cho voi

Ông Đàng Năng Long, người sở hữu voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên thở dài khi nhắc tới chuyện bảo vệ voi nhà. Ông có hẳn một bộ ảnh tập hợp những tấm hình ghi lại cảnh voi nhà của ông bị trộm giết chết.

Ngừng lại một lát, ông kể, theo truyền thống, khi voi qua đời, người chủ và các thành viên trong gia đình sẽ chọn một mảnh đất tốt sâu trong rừng để làm mộ. Ngày chôn cất, người nhà sẽ đổ một cốc rượu xuống đất để xin thổ thần cho voi được nằm lại. Lúc này, tất cả những đồ vật của voi, từ quần áo (voi đực sẽ được chôn cùng một chiếc khố, voi cái thì mang theo một chiếc yếm-PV), chiêng, ché, nia, vòng đồng, thậm chí cả tẩu hút thuốc… cũng sẽ được mang ra, xếp gọn để chuẩn bị cho lễ tang.

Bước vào buổi lễ, đầu tiên những người phụ nữ trong gia đình sẽ đi bộ quanh voi để chào tạm biệt. Chung quanh, tiếng khóc hờ vang vọng khoảnh rừng sâu. Đặc biệt, người M’nông không đào hố mà lấy cây rừng đắp lên mình voi. Riêng voi đực sẽ có thêm thủ tục “cột ngà”.

Tấm biển tuyên truyền được treo ngay đầu đường vào Khu du lịch Bản Đôn. Ngừng cưỡi voi và hãy cười cùng voi.

“Khoảng đất chọn là mồ voi được đặt cạnh một thân cây lớn. Khi voi qua đời, chúng tôi sẽ kéo cong ngọn cây, buộc chặt vào ngà voi rồi mới tiến hành sơn táng. Trải qua thời gian, voi sẽ bị phân hủy. Mùa khô, thời gian quy định là 3 tháng, mùa mưa sẽ ngắn hơn. Lúc này, ngọn cây sẽ kéo vút ngà voi lên lưng chừng trời. Đây cũng là lúc các nài voi được phép mang ngà về nhà dài tích trữ”, ông Đàng Năng Long kể lại.

Sau khi voi “mồ yên mả đẹp”, người nhà sẽ tiếp tục cắt cử vài thành viên ở lại mộ voi để đốt củi sưởi ấm từ 2 đến 3 ngày có khi đến cả tuần, để bày tỏ tình cảm quyến luyến, thương tiếc và cũng có lẽ để voi cảm thấy ấm áp hơn khi sang thế giới bên kia. Khoảng 1 tuần sau khi voi mất, ngày mở cửa mả, gia đình sẽ đến tạ mộ, chủ voi sẽ đứng trước mộ để nhắn nhủ đôi lời, ôn lại những kỷ niệm giữa người và động vật trong suốt một thời gian dài gắn bó bên nhau.

Thế nhưng, mảnh ký ức linh thiêng ấy giờ chỉ còn trong quá vãng. Không ít mồ voi khi vừa được phủ cây rừng đã bị quật lên. Ngà bị đục. Đuôi voi cũng bị chặt. Vết máu loang lổ trên khoảng đất đỏ như nỗi đau đại ngàn vẫn đang âm thầm rỉ máu. Đau đớn đến độ, vua voi Đàng Năng Long đã phải vừa khóc, vừa cắn răng đục bỏ phần ngà của một chú voi nhà trước khi an táng.

Thậm chí, không ít lần, ông đã phải đi ngược phong tục trăm năm khi chính tay buộc đá vào xác voi rồi thả xuống lòng hồ Lăk mùa nước đầy để kẻ xấu không thể tìm ra mộ voi.

Hồ Lắk, một địa điểm từng được ông Đàng Năng Long làm lễ thủy táng nhằm giấu xác cho voi.

“Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên coi mồ voi là cấm địa. Nhưng cấm địa ấy đã và đang bị xâm phạm quá nhiều”, tiếng thở dài mênh mang giữa chiều mưa tháng 8.

Ngay tại thời điểm đầu khi chúng tôi có mặt tại Tây Nguyên, tình trạng của voi nhà Tây Nguyên vẫn hết sức bi đát. Tại huyện Lắk, voi nhà vẫn “cõng khách” du lịch lội qua mặt hồ mênh mông trong khi đợi hiện thực hóa lộ trình… giảm gánh nặng cho voi nhà của địa phương. Các sản phẩm được làm từ ngà như nhẫn, vòng đeo tay… được bày bán khá công khai tại các cửa hàng trang sức ngay giữa các thành phố Pleiku (Gia Lai), Buôn Mê Thuột hay tại “đất voi” hồ Lắk (tỉnh Đắk Lắk).

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh, do Tổ chức động vật châu Á tài trợ. Tổng giá trị khoản viện trợ là 55 tỷ 452 triệu đồng, tương đương 2,43 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 50 tỷ 888 triệu đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng hằng năm là 4 tỷ 564 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026.

Sau khi được thuyết phục, chủ nhân một cửa hàng lưu niệm ngay cạnh trụ sở Ban Quản lý Khu du lịch hồ Lắk đã mang ra một chiếc vòng tay được giới thiệu là làm từ ngà voi Tây Nguyên chính hiệu. Chị này cho hay, đây là đồ trang sức được chế tác vốn để cho “chị gái” dùng nhưng vì… nể nên quyết định nhượng lại với giá 7 triệu đồng.

Để tăng niềm tin, chủ cửa hàng thậm chí còn bày cho chúng tôi cách kiểm tra ngà thật/giả: “Ngà thật khi được soi dưới nguồn sáng sẽ hiện vân caro, còn không xuất hiện các dấu hiệu trên thì là ngà giả, làm từ nhựa tổng hợp hoặc xương động vật”.

Một số sản phẩm từ voi được bày bán tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai), bao gồm: Lông, đuôi, răng, xương. Chủ cửa hàng cho hay, toàn bộ đều có xuất xứ từ Lào. (Ảnh: Sơn Bách)

Còn tại Bản Đôn (Đắk Lắk), sau khi được liên hệ, một nài voi thậm chí còn trực tiếp mang lông voi đến rao bán cho phóng viên với giá 200-300.000 đồng với lời cam kết: “Đây là lông đuôi voi nhà chuẩn 100%”. Người này còn dặn lần sau chỉ nên liên hệ mua qua Facebook… vì lý do nhạy cảm.

Còn ở tỉnh Gia Lai, chúng tôi cũng có thể dễ dàng tìm được các sản phẩm tương tự tại dãy cửa hàng bán đồ lưu niệm tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ). Mặc dù bên ngoài chỉ bày bán các sản phẩm giả ngà, nhưng khi khách có nhu cầu, chủ tiệm Si Li Na ngay lập tức quay vào trong nhà rồi lấy ra một rổ các sản phẩm từ “voi xịn”.

“Đây là răng hàm của voi con. Còn đây là xương đùi và lông đuôi. Nhẫn ngà thì chỉ còn 2-3 chiếc”, người đàn ông lớn tuổi đứng quầy nhiệt tình quảng cáo với chúng tôi.

Thấy chúng tôi còn hoài nghi, chủ cửa hàng đưa khúc “hàm voi” lên chỉ rõ những vết chân răng còn nham nhở. Riêng phần xương đùi voi dài chừng 1 gang tay được ông rao giá 1 triệu đồng. Ngoài ra còn một nửa chiếc răng khác của voi.

“Trước đây, khúc răng này khá dài, nhưng vừa rồi có khách mua nên tôi đã chặt đi một nửa”, chủ cửa hàng quảng cáo thêm.

Phần xương hàm (bên trái) và khúc xương cũng như nửa chiếc răng còn lại của voi. Riêng chiếc răng vẫn có thể nhận ra từ vết chân răng rõ nét. (Ảnh: Sơn Bách)

Riêng búi lông đuôi voi được “định giá” 500.000 đồng/sợi, qua quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận ra một phần thịt đã khô quắt vẫn còn bám chặt vào phía gốc-bằng chứng cho việc nhổ trực tiếp từ voi nhà. Khi được hỏi về nguồn gốc, chủ cửa hàng khẳng định: Toàn bộ sản phẩm đều có xuất xứ từ… Lào, bởi voi Tây Nguyên hiện nay còn rất ít. Hơn nữa, việc buôn bán khá ế ẩm do ít khách hỏi nên từ nhiều tháng qua, ông đã không nhập thêm hàng mới.

Có cung thì mới có cầu. Niềm tin mù quáng vào sự may mắn đã khiến bức tranh chung về voi-mảnh ký ức còn sót lại của đại ngàn Tây Nguyên bỗng trở nên bi đát. Thế nhưng, nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của những chàng Đôn Ki-hô-tê như Đàng Năng Long và rất nhiều tổ chức bảo tồn cũng như chính quyền địa phương, sau cùng, voi nhà cũng dần tìm được tia hy vọng…

 

(Kỳ tiếp theo: Hy vọng từ việc cởi trói cho voi nhà)