Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, khắc phục các khu vực sạt lở, lên phương án ứng phó, di dời dân.
Ngày 4-8, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập nặng khi xảy ra mưa lớn. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở đất đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, gây thiệt hại về người và tài sản của người dân địa phương.
Sạt lở khắp nơi, đường sụt lún, đứt gãy
Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết chỉ trong tháng 6 và 7, tỉnh Lâm Đồng đã có 17 điểm sạt lở, làm chín người thiệt mạng. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là vụ sạt lở đất trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt) và vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc khiến chín người thiệt mạng.
“Địa hình tại Lâm Đồng chủ yếu là đồi núi, có độ cao 200-1.500 m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa…, đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở đất rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài” – ông Lộc thông tin.
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết trong bảy tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 10 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 5 vụ sạt lở đất…, hậu quả làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Thiên tai cũng khiến hư hỏng, thiệt hại 235 căn nhà, 283 ha cây trồng, cuốn trôi gần 1 ha ao cá và hơn 2.800 con gia cầm, gia súc.
Mưa bão cũng gây ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bàn TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai…, ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 23 tỉ đồng.
Đối với 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất, ông Lộc cho biết địa phương đã lên kịch bản trong từng tình huống ứng phó. Cụ thể hơn, đưa 94 hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Còn 150 hộ dân khác ở các điểm xung yếu thì các địa phương theo dõi để sẵn sàng di dời khi tình hình thời tiết xấu.
Hiện các địa phương đang ghi nhận các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở, sau đó gửi về Sở NN&PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh có phương án xử lý.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã lập nhóm Zalo chỉ đạo, điều hành trực tiếp và kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo mưa lớn để các địa phương chủ động trong công tác phòng ngừa thiên tai.
Do ảnh hưởng của mưa lớn nhiều ngày đã làm ảnh hưởng đến taluy hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong). |
Trước đó, rạng sáng 4-8, nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xảy ra ngập lụt, lũ quét cục bộ và sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tại TP Bảo Lộc, mưa lớn liên tục đã khiến nước suối Đại Lào dâng cao, gây ngập cục bộ tại xã Đại Lào và xã Lộc Châu, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân.
Mưa lớn cũng khiến đường tránh TP Bảo Lộc sụt lún, đứt gãy và hư hỏng nặng, giao thông trên tuyến đường này bị chia cắt. Lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ các địa phương đã huy động các lực lượng trên địa bàn đến hiện trường hỗ trợ người dân di dời đồ đạc đến nơi an toàn.
Nguy cơ vỡ đập thủy lợi
Chiều 4-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết mưa lớn kéo dài tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều địa phương.
Theo vị lãnh đạo này, tính đến chiều 4-8, vết nứt, lún đất tại Km1900+350, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa) đã mở rộng 20-50 cm (tăng gấp đôi so với ngày 2-8), chiều sâu khoảng 1 m.
Thành ủy, UBND TP Gia Nghĩa đã tổ chức thăm hỏi, động viên 16 hộ gia đình tại tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, hỗ trợ mỗi hộ dân 3 triệu đồng; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các hộ dân bị ngập, phải di dời.
Tại TP Gia Nghĩa còn ghi nhận sạt lở thêm 50 m đường giao thông liên xã Đắk Nia – Đắk Ha (huyện Đắk Glong). Xuất hiện thêm hai điểm sạt lở cục bộ tại xã Đắk Nia, phải di dời hai hộ gia đình tới địa điểm an toàn; một điểm sạt lở tại phường Nghĩa Trung, phải di dời ba hộ dân.
Theo báo cáo của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, do ảnh hưởng của mưa lớn nhiều ngày đã làm ảnh hưởng đến hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong).
Cụ thể, tại vị trí đập tràn đã xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400 m từ hạ lưu đập tràn tới cống thoát nước số 1 đường tránh ngập, chiều cao cũng trượt khoảng 30 m.
Ngoài ra, mái taluy đất phía hạ lưu tràn đã xảy ra hiện tượng nứt gãy, vết nứt có những vị trí kéo dài khoảng 20 m. Đối với các hộ dân xung quanh đồi, nhà cửa đã có hiện tượng nứt gãy nền.
Hiện Ban quản lý các dự án tỉnh Đắk Nông đã phối hợp cùng chính quyền địa phương cử cán bộ xuống vận động di dời nhà cửa, vật nuôi, tài sản đối với 34 hộ dân.
Hàng trăm ngôi nhà bị ngập, ảnh hưởng
Lãnh đạo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết tính đến chiều 4-8, mưa lũ đã làm ngập, ảnh hưởng 154 căn nhà và các kiến trúc (145 căn nhà, chín phòng trọ).
Mưa lớn kéo dài còn làm ngập úng khoảng 593,1 ha cây trồng các loại; khoảng 214,85 ha và 135 ao hồ của người dân bị ngập, thất thoát cá tràn bờ; các địa phương đã phải thực hiện di dời 81 hộ dân tại các điểm bị sạt lở, sụt lún đến nơi an toàn.
“Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, đặc biệt là sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc, nền đất yếu. Chúng tôi đã đề nghị các nơi cần đề phòng ngập úng cục bộ các nơi trũng thấp và ven các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi có địa hình dốc…” – vị lãnh đạo này cho hay.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, cho biết vừa qua tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông xảy ra nhiều điểm sụt lún, sạt lở nền đất, nền đường… Nguyên nhân có thể là do số ngày mưa nhiều, lượng mưa trong 1 giờ lớn dẫn đến bão hòa độ ẩm đất và một phần do địa hình, địa chất ở một số khu vực kết cấu kém bền vững.
Trong ngày 4-8, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã kiểm tra thực địa, thăm hỏi người dân ở khu vực sạt trượt tại bon Bu Krắk, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Ông Hồ Văn Mười yêu cầu huyện Tuy Đức bảo đảm đời sống cho các hộ dân thuộc diện phải di dời. Địa phương rà soát, tính toán phương án tái định cư cho người dân. Các lực lượng vũ trang, dân quân và chính quyền cùng tham gia hỗ trợ người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.