Brazil ghi nhận tình trạng phá rừng Amazon giảm mạnh

Ngày 3/8, các quan chức Brazil cho biết diện tích rừng Amazon trên lãnh thổ nước này bị tàn phá trong tháng 7 vừa qua đã giảm hơn 66% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nỗ lực của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhằm bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Theo các quan chức trên, hệ thống giám sát vệ tinh trong chương trình giám sát DETER của cơ quan vũ trụ quốc gia Brazil ghi nhận 500 km2 diện tích rừng Amazon trên lãnh thổ Brazil bị tàn phá trong tháng 7 vừa qua. Đó là con số thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và giảm mạnh so với con số 1.478 km2 ghi nhận trong tháng 7/2022.

Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại Humaitá, bang Amazonas, Brazil, ngày 16/9/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Môi trường Marina Silva nhấn mạnh những con số trên cho thấy chiến dịch của Chính phủ Brazil ngăn chặn nạn phá rừng đã thu được kết quả tích cực sau nhiều năm gia tăng vấn nạn này. Bộ trưởng Silva cho biết thêm hiện không còn quy định về việc miễn trừ đối với tội phạm môi trường, đồng nghĩa bất kỳ trường hợp nào vi phạm cũng đều bị xử phạt.

Bà Mariana Napolitano, phụ trách bảo tồn tại Văn phòng đại diện của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ở Brazil, nhận định tình trạng phá rừng ở Amazon giảm trong tháng 7 năm nay là một dấu hiệu quan trọng cho thấy việc tăng cường các hoạt động ngăn chặn nạn phá rừng đang phát huy hiệu quả.

Thông thường, thời tiết ở Amazon khô hơn vào tháng 7 và đây là thời gian “cao điểm” diễn ra tình trạng phá rừng, khiến diện tích “lá phổi xanh” của Trái Đất ngày càng bị thu hẹp nghiêm trọng.

Kể từ khi Tổng thống Lula da Silva nhậm chức vào tháng 1 năm nay, diện tích rừng Amazon bị phá tại Brazil đã giảm 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kế hoạch, vào tuần tới, nước này sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (ACTO) gồm 8 quốc gia có chung rừng nhiệt đới Amazon lớn nhất thế giới.

Đây là lần đầu tiên sau 14 năm hội nghị thượng đỉnh ACTO được tổ chức. Hội nghị này hướng tới mục tiêu tìm cách ngăn chặn tình trạng thu hẹp diện tích rừng Amazon cũng như tình trạng sụt giảm các nỗ lực bảo tồn rừng nhiệt đới được cho là vùng đệm chính chống biến đổi khí hậu này.

Trái với diễn biến tích cực trên, diện tích trảng cỏ (xavan) Cerrado đa dạng sinh học ở phía Nam Amazon bị phá trong tháng 7 vừa qua lên đến 612 km2, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cảnh báo chiến dịch của Chính phủ Brazil trấn áp nạn phá rừng Amazon có thể khiến tội phạm môi trường “tấn công” Cerrado. Diện tích thảm thực vật nhiệt đới này bị tàn phá trong 12 tháng qua đã tăng lên mức cao kỷ lục 6.359 km2.

Ngày 3/8, Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad cho biết chính phủ nước này hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh của ACTO vào ngày 7 – 8/8 tới tại thành phố Belem của Brazil sẽ thực sự là một bước ngoặt lớn, đảo ngược tình trạng suy thoái rừng nhiệt đới Amazon. Chính phủ Colombia cũng hy vọng sự kiện trên sẽ cho thấy cần phát huy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết vấn đề liên quan rừng Amazon. Yếu tố này có ảnh hưởng lớn đến chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh nói trên diễn ra sau một cuộc họp tại thành phố Leticia của Colombia cách đây một tháng.