Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện nhiều điểm sạt lở.
Ngày 2-8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và các sở, ngành liên quan triển khai các phương án, giải pháp khắc phục và phòng, chống sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc và các địa bàn khác trong tỉnh.
Chủ động kiểm tra sạt lở trong toàn tỉnh
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Lâm Đồng giao lãnh đạo các sở, ngành; chủ tịch UBND các huyện, TP chủ động kiểm tra thực tế để triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai.
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân ở khu vực hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà); xã Đam B’ri và xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc); xã Lộc Nam và Lộc Thành (huyện Bảo Lâm). Trong đó, nghiêm trọng nhất là sự cố sạt lở ở chốt CSGT đèo Bảo Lộc ngày 30-7 khiến 3 chiến sĩ CSGT và 1 người dân tử vong.
Về sự cố sạt lở ở chốt CSGT đèo Bảo Lộc, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), nhận định: Nguyên nhân ban đầu vụ sạt lở là do tác động của lượng mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày, vị trí thế đất cao. Sầu riêng trồng ở đây mới từ năm 2019 nên không có độ che phủ.
Cũng theo ông Lực, diện tích đồi sầu riêng nơi bị sạt lở là rừng phòng hộ và cho rằng địa phương ở đây là tỉnh Lâm Đồng phải chịu trách nhiệm trong việc quan tâm, quy hoạch, rà soát đất rừng phòng hộ.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh khẩn trương rà soát và khắc phục những điểm sạt lở, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. |
Vườn sầu riêng tồn tại nhiều năm
Trao đổi với PV, một lãnh đạo ngành lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết: Diện tích 2,7 ha vườn sầu riêng nằm trong khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô theo phân định là đất lâm nghiệp, thuộc rừng phòng hộ.
Đến năm 2008, phần diện tích này bao gồm chốt CSGT đèo Bảo Lộc và miếu Ba Cô được đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng theo Quyết định 450/QĐ-UBND ngày 19-2-2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Đến năm 2013, UBND huyện Đạ Huoai đưa thửa đất trên là 2,1 ha (trừ 0,6 ha gồm chốt CSGT đến khu vực miếu Ba Cô) vào quy hoạch ba loại rừng theo kế hoạch sử dụng đất của huyện này.
Theo lãnh đạo ngành lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng, việc lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nói đất này là đất rừng phòng hộ và chỉ trồng theo mục tiêu lâm nghiệp thì không sai về quy định nhưng chưa thực sự hiểu hết thực tế tỉnh Lâm Đồng.
“Thực ra hiểu theo tình hình thực tế của Lâm Đồng thì nó không đúng cho lắm. Lâm Đồng có 60.000 ha đất lâm nghiệp người dân đã sản xuất ổn định nhưng bao năm nay Nhà nước chưa điều chỉnh được cho người dân” – vị này cho biết.
Lãnh đạo ngành lâm nghiệp phân tích thêm nếu ở miền Trung có địa hình núi cao, người dân không trồng được gì nên chỉ trồng được cây đặc thù lâm nghiệp. Trong khi ở Lâm Đồng người dân thường trồng cây ăn trái. Thực tế này khác với cái chung của toàn quốc.
Như vậy, khu vườn này được canh tác từ năm 1975, sản xuất ổn định từ năm 1985 thì theo luật chúng ta nên điều chỉnh đất này ra khỏi quy hoạch ba loại rừng cho người dân. “Phải có lý và cả tình nữa. Ngoài ra, năm 2008, theo quyết định thì đất này đã được đưa ra ngoài đất lâm nghiệp rồi. Đến năm 2013 thì đưa vô lại do cơ cấu của địa phương chứ không phải khu đất này thuộc đất rừng mà đưa vô lại” – vị lãnh đạo này thông tin thêm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ Ban quản lý rừng Nam Huoai cho biết: Vườn sầu riêng phía sau chốt CSGT đèo Bảo Lộc do cha của bà Đặng Thị Lộc, ngụ thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai khai hoang và canh tác từ năm 1975. Khi đó cha bà Lộc trồng lúa, sau đó thì chuyển sang trồng bơ, mít, cà phê cho đến năm 1985 thì bàn giao lại cho bà Lộc.
“Hiện tại một người đàn ông tên Bi (cháu của bà Lộc) đã chặt bỏ những cây ăn trái khác, chỉ trừ lại cây sầu riêng có độ tuổi 3-7 năm. Thậm chí có nhiều cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi đang cho thu hoạch trái tồn tại trên thửa đất này” – cán bộ trên cho hay.•
Khẩn trương khắc phục sạt lở ở huyện Lâm Hà
Ngày 2-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành và huyện Lâm Hà khẩn trương xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà. Tổng số hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng là 9 hộ với gần 54 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 5 hộ đã bị ảnh hưởng (4 hộ có nhà ở, 1 hộ không có nhà) trên diện tích hơn 25 ha đất sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc và UBND huyện Lâm Hà cắm biển cảnh báo, thực hiện các giải pháp hạn chế tác động của nước mặt xuống khu vực sạt trượt, sụt lún đất… |