Bangladesh vẫn là trung tâm của nạn săn trộm hổ mặc dù chính quyền nước này tuyên bố đã trấn áp thành công các nhóm săn bắt trộm, theo nghiên cứu được công bố hôm thứ Sáu (28/7).
Da, xương và thịt của hổ được mua bởi những người buôn bán chợ đen, đây là một phần của hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp rộng lớn hơn trị giá ước tính 20 tỷ đô la Mỹ mỗi năm trên toàn cầu.
Nghiên cứu từ nhóm bảo tồn Panthera và Viện Khoa học Trung Quốc cho biết các bộ phận của hổ được săn bắt ở Sundarbans đã được xuất khẩu sang 15 quốc gia, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là những điểm đến phổ biến nhất.
Rob Pickles, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Bangladesh đóng một vai trò chính trong việc buôn bán hổ bất hợp pháp so với những gì chúng tôi nhận thức trước đây”.
Các nhóm săn bắt hoạt động ở Sundarbans đã tìm thấy một hoạt động buôn bán béo bở từ việc săn trộm hổ trước khi Chính phủ Bangladesh thực hiện một cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 2016.
Theo số liệu chính thức, ít nhất 117 tên trộm đã bị bắn chết và hàng trăm tên khác bị bắt giữ, trong khi nhiều tên khác đầu hàng theo lệnh ân xá của chính quyền.
Nghiên cứu của Panthera, được công bố trên tạp chí Khoa học và Thực hành Bảo tồn, nói rằng khoảng trống do cuộc đàn áp tạo ra đã được lấp đầy bởi hơn 30 tổ chức săn trộm hổ chuyên nghiệp khác.
Nghiên cứu cho biết thêm, nhiều người buôn bán hoạt động thông qua các công ty hậu cần của riêng họ và trong một số trường hợp, họ che giấu hoạt động của mình thông qua giấy phép buôn bán động vật hoang dã hợp pháp.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tiêu thụ nội địa các bộ phận của hổ đã tăng trở lại sau cuộc trấn áp. Nghiên cứu cũng chỉ ra những người mua địa phương giàu có đang mua thuốc, cũng như các vật trang trí như hộp sọ và da làm từ các bộ phận của hổ.
Chỉ có 114 con hổ Bengal sống ở khu vực Sundarbans của Bangladesh, theo một cuộc điều tra được công bố vào năm 2019 – tăng nhẹ kể từ mức thấp kỷ lục 4 năm trước.
Theo Panthera, nạn săn trộm là mối đe dọa số một đối với hổ trên toàn cầu. Và Trung Quốc là thị trường lớn nhất khi sử dụng các bộ phận cơ thể của chúng trong y học cổ truyền.
Mai Anh (Theo AFP, CNA)