Tổng thư ký LHQ: Cần có hành động mạnh mẽ hơn để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang đạt đến mức độ “khủng khiếp”, với tháng 7 đang trên đà trở thành tháng nóng nhất được ghi nhận trên Trái đất, báo trước những hậu quả lớn hơn nếu không có hành động mạnh mẽ hơn để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Tổng thư ký LHQ khẳng định thế giới bước vào “kỷ nguyên sôi sục”. Ảnh: CBS

“Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc”, ông Guterres nói với các phóng viên ở New York. “Kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến. Không khí ngột ngạt đến mức không thể thở được, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt đến mức không thể chịu nổi, và mức độ lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch cũng như việc thế giới không hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên là không thể chấp nhận được”, ông cảnh báo.

Ông Guterres trích dẫn dữ liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của EU khẳng định tháng 7 sẽ là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Ông nói: “Nhân loại đang ngồi trên ghế nóng. Và rõ ràng là con người phải chịu trách nhiệm. Tất cả điều này là hoàn toàn phù hợp với dự đoán và cảnh báo đã được các nhà khoa học và chuyên gia lặp đi lặp lại nhiều năm qua. Điều ngạc nhiên duy nhất là tốc độ của sự biến đổi khí hậu đã nhanh đến chóng mặt”.

Giám đốc Copernicus, Carlo Buontempo cho biết, kỷ lục tháng 7 sẽ không phải là một sự kiện riêng lẻ vì các dự báo theo mùa cho thấy nhiệt độ có khả năng duy trì ở mức cao hơn mức trung bình. “Thời tiết khắc nghiệt, vốn đã ảnh hưởng đến nhiều triệu người trong tháng 7, thật không may là thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và là điềm báo trước về tương lai”.

Chris Hewitt, Giám đốc dịch vụ khí hậu của WMO, nói với các phóng viên rằng có 98% khả năng ít nhất một trong 5 năm tới sẽ phá kỷ lục về năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Ông Guterres lập luận rằng “không còn thời gian” để các nhà lãnh đạo thế giới bào chữa và chờ người khác hành động trước. Ông nói: “Nhiệt độ tăng nhanh đòi hỏi hành động tăng tốc”.

Một trong số số các hành động mà Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi là chấm dứt sử dụng than đá ở các nước phát triển vào năm 2030 và ở phần còn lại của thế giới vào năm 2040.