Các Bộ trưởng Môi trường của nhóm G20 đã không đồng ý về mức phát thải toàn cầu cao nhất vào năm 2025 và các vấn đề quan trọng khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu tại cuộc họp ở Ấn Độ vào thứ Sáu (28/7).
Không có bước đột phá nào xảy ra tại hội nghị diễn ra trước thềm các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 này, với các cuộc đàm phán cũng không đạt được sự đồng thuận về việc tăng gấp ba lần sử dụng năng lượng tái tạo.
“Tôi rất thất vọng”, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Pháp Christophe Bechu nói sau cuộc họp. “Chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận về việc tăng mạnh năng lượng tái tạo, chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận về việc loại bỏ dần hoặc giảm dần nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá”.
“Các kỷ lục về nhiệt độ, thảm họa, hỏa hoạn nghiêm trọng và chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận về mức phát thải cao nhất vào năm 2025”, ông cho biết thêm và nói rằng cuộc thảo luận trở nên phức tạp vì các vấn đề địa chính trị.
Bộ trưởng biến đổi khí hậu của Ấn Độ Bhupender Yadav, người chủ trì cuộc họp, thừa nhận đã có “một số vấn đề về năng lượng và một số vấn đề định hướng mục tiêu”.
Cuộc họp ở Chennai diễn ra vài ngày sau khi các Bộ trưởng Năng lượng của khối – chiếm hơn 80% GDP toàn cầu và lượng khí thải CO2 – cũng không đồng ý ở Goa về lộ trình cắt giảm nhiên liệu hóa thạch khỏi năng lượng toàn cầu.
Điều đó được coi là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính ngay cả khi các chuyên gia khí hậu đã chỉ ra rằng nhiệt độ toàn cầu kỷ lục là nguyên nhân gây ra lũ lụt, bão và sóng nhiệt.
Các nhà sản xuất dầu lớn lo ngại tác động của việc giảm thiểu mạnh mẽ nhiên liệu hóa thạch đối với nền kinh tế của họ. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường đang rất lo lắng sau khi một loạt các thỏa thuận đều không thể đạt được.
“Châu Âu và Bắc Phi đang cháy, châu Á bị lũ lụt tàn phá nhưng các bộ trưởng khí hậu G20 đã không thống nhất được hướng đi chung để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu đang leo thang từng ngày”, Alex Scott của tổ chức tư vấn biến đổi khí hậu E3G cho biết.
Adnan Amin, giám đốc điều hành các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 năm nay, nói rằng tất cả những người có mặt tại hội nghị hôm thứ Sáu đều hiểu “mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng” mà thế giới đang phải đối mặt.
“Nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải đạt được một loại hiểu biết chính trị nào đó”, ông nhận xét. “Rõ ràng là mọi quốc gia trên thế giới sẽ bắt đầu bằng cách xem xét lợi ích cá nhân trước mắt của mình”.
Hoàng Anh (Theo AFP, CNA, BLO)