Những khu rừng cỏ biển ở vùng Baltic, một bể dự trữ carbon khổng lồ, đang dần biến mất. Vì thế, một dự án nhằm hướng dẫn người dân nơi đây phủ xanh lại đáy biển đang được triển khai với những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.
Những chồi non dưới vùng nước đục
Ngay ngoài khơi bờ biển Kiel ở miền bắc nước Đức, những người thợ lặn sử dụng bay để đào những chồi cỏ biển màu xanh ngọc lục bảo với rễ từ một đồng cỏ rậm rạp dưới nước, nhẹ nhàng rũ bỏ lớp trầm tích trước khi đặt chúng vào những chiếc túi màu vàng.
Trở lại đất liền, họ bảo quản các chồi non trong các hộp làm mát lớn, trước khi ra khơi vào ngày hôm sau đến một khu vực cằn cỗi xa hơn về phía bắc để trồng lại chúng theo vòng tròn. Một thợ lặn giữ một sợi dây, và người kia sử dụng nó để điều hướng và bơi xuống vùng nước đục để gieo cỏ.
Họ hy vọng công việc khó khăn này, một phần của dự án mới đào tạo công dân địa phương khôi phục đồng cỏ biển ở biển Baltic, có thể giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các đồng cỏ đóng vai trò là bể chứa tự nhiên rộng lớn có thể lưu trữ hàng triệu tấn carbon, nhưng chúng đã giảm mạnh trong thế kỷ qua do chất lượng nước ngày càng xấu đi, các nhà khoa học cho biết.
Lea Verfondern, 21 tuổi, một trợ lý thú y thuộc nhóm công dân đầu tiên tham gia khóa đào tạo vào đầu tháng 7, quả quyết nói trước khi mặc bộ đồ lặn có mũ trùm đầu: “Nó giống như làm vườn dưới nước. Mọi người nên đóng góp để bảo vệ môi trường vì nó… ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”.
Theo một nghiên cứu năm 2012, cỏ biển lưu trữ lượng carbon từ carbon dioxide (CO2) làm nóng hành tinh trên mỗi dặm vuông nhiều hơn gấp đôi so với rừng trên đất liền. Các “nhà máy khí hậu này” cũng giúp hỗ trợ nghề cá và bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, từ những năm 1860 đến 2016, chỉ riêng châu Âu đã mất 1/3 diện tích cỏ biển, qua đó giải phóng một lượng lớn carbon vào khí quyển và đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu.
Trong khi có những sáng kiến khác để khôi phục các “nhà máy khí hậu” trên toàn thế giới, thì Dự án Khôi phục Cỏ biển SeaStore ở Kiel, do Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholtz điều hành, là một trong những dự án đầu tiên nhằm mục đích cho phép người dân thực hiện điều đó một cách tự chủ.
Verfondern, 6 thợ lặn khác và một số tình nguyện viên trên cạn đã trồng khoảng 2.500 cây trong khóa học cuối tuần vào tháng Bảy.
Phủ xanh… đáy biển
Dẫn đầu sáng kiến cỏ biển Baltic là tiến sĩ Angela Stevenson, một nhà nghiên cứu tại tổ chức GEOMAR, người đã trồng ba cánh đồng thử nghiệm trong những năm gần đây, phát hiện ra rằng chồi có khả năng phục hồi tốt hơn hạt.
Stevenson đã phát triển khóa học, bao gồm một bài thuyết trình trực tuyến cũng như đào tạo thực hành, để tăng tốc độ trồng trọt. Nhóm bảo tồn hàng hải Sea Shepherd đã cung cấp đợt tình nguyện viên đầu tiên và sắp xếp thiết bị, thực phẩm, nơi lưu trú và giấy phép.
“Mục đích của chúng tôi là mở rộng quy mô sau giai đoạn thí điểm này”, Stevenson nói. “Mục tiêu cuối cùng là làm xanh lại Biển Baltic”.
Martin Lampe, một chuyên gia công nghệ thông tin 52 tuổi, một trong những tình nguyện viên, cho biết Biển Baltic đã thay đổi rất nhiều kể từ khi ông đi lặn ở đó khi còn trẻ nên ông cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia cứu lấy vùng biển này.
“Những ngày như hôm nay cho tôi thấy chúng ta thực sự có thể giải quyết được tình hình nếu có đủ người đóng góp”, Lampe nói.
Tiến sĩ Stevenson cho biết GEOMAR cũng đang nghiên cứu khả năng chống chịu của cỏ biển đối với sự gia tăng nhiệt độ. Họ hy vọng sẽ tạo ra nhiều chủng cỏ chịu nhiệt hơn vì không giống như cá, cỏ biển không thể di cư đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn khi đại dương ấm lên.
Nhóm cũng tiếp tục hái cỏ biển có hoa để thu hoạch hạt giống và thử nghiệm trồng chúng dưới đáy biển. Nếu nó có thể tìm ra cách để làm điều này thành công, họ sẽ đưa ra một phương pháp khôi phục ít tốn công sức hơn nhiều.
Theo ước tính của bà Stevenson, sử dụng phương pháp hiện tại, sẽ cần nửa triệu thợ lặn, trồng chồi trong 12 giờ mỗi ngày trong cả năm, để khôi phục lại tất cả cỏ biển đã mất ở Biển Baltic dọc theo bờ biển của Đức.
Ngay cả khi đó, những nỗ lực của họ sẽ chỉ cứu vãn một phần nhỏ lượng khí thải của Đức.
Nhưng theo tiến sĩ Stevenson, không phải vì thế mà nhóm của bà cảm thấy nản lòng. “Chúng tôi sẽ phải nghĩ ra những công nghệ mới giúp chúng tôi loại bỏ (carbon) một cách nhân tạo. Nhưng nếu chúng ta đã có các giải pháp dựa trên tự nhiên để lưu trữ carbon, thì chúng ta cũng phải tranh thủ sử dụng nó”, nữ tiến sĩ người Đức chia sẻ.
Quang Anh (Theo Reuters)