Ngày 26-7, tại TP. Pleiku, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng phối hợp với Văn phòng Dự án tổ chức Frankfurt Zoological Society tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng hoạt động về bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai đến năm 2023”. Thông qua góc nhìn đa chiều, các chuyên gia, nhà khoa học đã giúp cho tỉnh xây dựng hoàn thiện kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển.
Chủ trì hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp-Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng và Tiến sĩ Hà Thăng Long-Trưởng Văn phòng Dự án tổ chức Frankfurt Zoological Society tại Việt Nam.
Những cách làm hay
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhìn nhận: Công tác quản lý và vận hành khu dự trữ sinh quyển là nhiệm vụ mới, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phải dựa trên các mối quan hệ hành chính và ngoài hệ thống hành chính. Do đó, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai. Đồng thời, Ban cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn cũng như nguồn lực từ các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để vận hành, quản lý, phát triển Khu dự trữ sinh quyển theo đúng những điều đã cam kết với UNESCO.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hội thảo khoa học “Định hướng hoạt động về bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai đến năm 2030” nhằm tiếp nhận các thông tin, cơ sở khoa học và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ các chuyên gia để xây dựng hoàn thiện kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển của tỉnh đến năm 2030.
Tại hội thảo, bà Hà Thị Yến, Phó Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai-cho rằng: Truyền thông môi trường là một công cụ quan trọng đối với việc điều phối khu dự trữ sinh quyển, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ, hành vi về môi trường của từng cá nhân trong cộng đồng. Từ đó, thúc đẩy họ tự nguyện tham gia các hoạt động của khu dự trữ sinh quyển và lôi kéo những người khác cùng tham gia, tạo ra hiệu quả sâu rộng hơn.
“Truyền thông môi trường không chỉ nhằm mục đích giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm mà quan trọng hơn là khơi dậy năng lực cộng đồng để họ có thể phát huy và tự mình trở thành chủ thể thúc đẩy công tác truyền thông môi trường. Do vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển, chúng tôi luôn chủ động, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền và giáo dục môi trường, vận động người dân và học sinh, sinh viên tại các trường thuộc vùng đệm, vùng lõi và vùng chuyển tiếp hưởng ứng tích cực công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học”-bà Yến chia sẻ kinh nghiệm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sinh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Bản Địa-cho biết: Công ty đang triển khai chương trình khảo nghiệm trồng lúa đặc sản hữu cơ có khả năng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với mục tiêu tạo ra vùng trồng khoảng 100 đến 160 ha tại xã Kon Pne, huyện Kbang. Nơi đây có điều kiện thuận lợi là nằm trong vùng lõi rừng nên chỉ cần bà con thực hiện đúng quy trình, không dùng phân bón, thuốc hóa học sẽ góp phần tăng giá trị kinh tế của sản phẩm. Định hướng của doanh nghiệp là dùng giá trị kinh tế để tập trung cho người dân canh tác giống lúa này với điều kiện là bà con phải tham gia công tác bảo vệ rừng.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Bản Địa nêu giải pháp: “Đi đôi với việc phát triển thương hiệu “gạo bảo vệ rừng” xuất khẩu là kế hoạch phát triển vùng đệm, trồng tái tạo rừng và dược liệu dưới tán rừng nhằm cải thiện sinh kế lâu dài cho người dân. Thông qua hội thảo lần này, chúng tôi mong muốn kết nối với các đơn vị chủ rừng để tạo ra sản phẩm bản địa, tăng thêm giá trị cho nông sản, giúp bà con vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia công tác bảo vệ rừng. Để làm được điều này, doanh nghiệp rất mong các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh đồng hành về mặt chính sách”.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh-Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đề xuất nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học như: bảo tồn trên diện rộng; đa dạng sinh học với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển văn hóa, xã hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, sau khi thành lập, các khu dự trữ sinh quyển có thể kêu gọi các tổ chức bảo tồn lớn hỗ trợ trong vấn đề giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong bảo tồn và bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.
“Nâng cao nhận thức cho cộng đồng phải được xem là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và kết hợp nhiều khía cạnh khác nhau trong đặc thù riêng của mỗi vùng về hệ sinh thái nhân văn. Khu dự trữ sinh quyển có thể dùng lợi ích kinh tế để khuyến khích người dân địa phương tham gia bảo tồn đa dạng sinh học ở dạng hỗ trợ cho trồng rừng, hợp đồng khai thác, bảo vệ rừng hoặc cho phép người dân sử dụng có điều kiện tài nguyên rừng”-ông Cảnh đề xuất.
Hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển
Trao đổi về định hướng quản lý và phát triển các khu dự trữ sinh quyển, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng-Trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên (Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Đơn vị đang hỗ trợ UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng và phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường gồm các nội dung như: tăng cường thực thi pháp luật về quản lý các khu dự trữ sinh quyển, pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; hoàn thiện các văn bản, quy chế, kế hoạch quản lý và kiện toàn ban quản lý, nâng cao năng lực quản lý các khu dự trữ sinh quyển.
“Chúng tôi đã và đang có những hoạt động hỗ trợ cho địa phương trong việc làm thế nào quản lý hiệu quả khu dự trữ sinh quyển sau khi thành lập; hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với khu dự trữ sinh quyển như: kế hoạch, quy chế quản lý, bảo vệ rừng và hướng dẫn quan trắc đa dạng sinh học. Cùng với đó, chúng tôi có chương trình tăng cường năng lực, nhận thức cho các cơ quan ở địa phương; kết nối với các đơn vị quốc tế thông qua các chương trình, dự án, hội thảo; kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học để làm thế nào quản lý hiệu quả; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng đầu tư, thành lập, quản lý, sử dụng và phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển”-Tiến sĩ Dũng thông tin.
Nêu thực tế tại địa phương, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho hay: Địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch sinh thái. Mặc dù là nơi có đến 70% diện tích rừng, hầu hết nằm trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý là các xã trong khu vực vùng lõi như: Đak Rong, Krong và Kon Pne có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, từ 32% đến 47%.
Do vậy, huyện rất mong Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, các bộ, ngành quan tâm để có các hoạt động thiết thực nhằm tạo sinh kế cho người dân thông qua các mô hình, dự án cụ thể, hướng đến việc nâng cao đời sống. Đặc biệt, cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để thực hiện các dự án trồng dược liệu dưới tán rừng; đầu tư hình thành các điểm du lịch và sớm hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt dự án phát triển du lịch sinh thái Kon Chư Răng.
Trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, các đại biểu tham dự hội thảo đã chia tổ thảo luận và đề xuất nhiều định hướng về hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng như: Làm sao để cải thiện sinh kế của người dân; triển khai phương án bảo tồn và phục hồi, phát triển các loài nguy cấp, quý hiếm; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; tăng cường kết nối vùng lõi; phục hồi, phát triển văn hóa đặc thù địa phương; nghiên cứu áp dụng truyền thống tập quán trong quản lý rừng của cộng đồng địa phương. Đáng chú ý là các giải pháp về mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch; công tác xúc tiến, kết nối du lịch, xây dựng chiến lược phát triển du lịch cho khu dự trữ sinh quyển…
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhận định: Qua hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều nhiệm vụ chiến lược, giải pháp và dự án ưu tiên đến năm 2030 nhằm quản lý bền vững khu dự trữ sinh quyển trên cơ sở nâng cao hiệu quả bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và giá trị văn hóa, lịch sử. Đây cũng là động thái góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế sinh thái theo các lĩnh vực lợi thế như nông-lâm nghiệp bền vững, du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng, tăng lợi ích từ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân sinh sống trong phân vùng khu dự trữ sinh quyển.
“Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hiện nay. Từ chỗ tiếp thu, tổng hợp cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện thể chế (tổ chức, cơ chế điều hành và ngân sách/tài chính hoạt động), Ban Quản lý sẽ nâng cao năng lực nhằm phát triển khu dự trữ sinh quyển theo đúng chức năng, mô hình bảo tồn và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.