Bộ Môi trường Uruguay cho biết 90% trong số khoảng 2.000 con chim cánh cụt bị chết là các con non không có mỡ dự trữ và tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus cúm gia cầm.
Nhà chức trách Uruguay cho biết trong 10 ngày qua phát hiện khoảng 2.000 con chim cánh cụt đã chết trôi dạt vào bờ biển phía Đông nước này. Dù chưa rõ nguyên nhân, song dường như không phải là do cúm gia cầm.
Theo Bộ Môi trường, những con chim cánh cụt Magellan, chủ yếu là chim non, đã chết ở Đại Tây Dương và bị dòng nước đẩy dạt vào các bờ biển của Uruguay.
Bộ trên cho biết những con chim này chết trong nước và 90% trong số đó là các con non không có mỡ dự trữ và bụng đói. Tất cả các mẫu xét nghiệm được lấy đều cho kết quả âm tính với virus cúm gia cầm.
Những nhà bảo vệ môi trường cho rằng nguyên nhân khiến số lượng chim Magellan chết gia tăng là do đánh bắt bừa bãi và trái phép, thiếu thức ăn và thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài chim cánh cụt, gần đây các nhà bảo vệ động vật cũng phát hiện xác của các loài chim hải âu, mòng biển, rùa biển và sư tử biển trên các bãi biển của Maldonado, phía Đông thủ đô Montevideo của Uruguay.
Năm ngoái, hàng trăm con chim cánh cụt Magellan chết đã trôi dạt vào các bãi biển miền Nam Brazil, mà không rõ nguyên nhân chết.
Được đặt tên theo nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha ở thế kỷ 16 Ferdinand Magellan, chim cánh cụt Magellan là động vật bản xứ ở Nam Mỹ, chủ yếu sinh sống ven biển Argentina, Chile…
Các quần thể chim cánh cụt thường di cư đến tìm thức ăn tại các vùng biển phía Bắc ấm áp hơn trong thời kỳ mùa Đông tại Nam Bán cầu.