Việc chuyển đổi phương thức sản xuất lương thực trên quần đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu cũng như đẩy nhanh tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Biến đổi khí hậu gây tác động đến an ninh lương thực
Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc +2 diễn ra tại Ý từ ngày 24-26/7, bà Lisa Singh, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Mauritius và Seychelles cho biết: “Kể từ khi tôi đến đây vào năm 2022, tôi đã nhiều lần chứng kiến tình trạng thời tiết khắc nghiệt xảy ra như lũ lụt, bão và có khi là thiếu nước”.
Tác động có thể nhìn thấy của biến đổi khí hậu kết hợp với sự xa xôi về địa lý, quy mô nền kinh tế nhỏ và chi phí nhập khẩu cao đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực của quốc đảo Mauritius. Hậu quả ngày càng nghiêm trọng kể từ đại dịch COVID-19 và những cú sốc về nguồn cung và hàng hóa liên quan đến chiến tranh ở Ukraine làm dấy lên mối lo ngại lớn về an ninh lương thực khi coi đây là chìa khóa cho chương trình chuyển đổi kinh tế bền vững.
Các hệ thống thực phẩm không chỉ là thách thức trong nông nghiệp mà còn là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi” ảnh hưởng đến kết quả của các SDG. Sự kiện sắp tới ở Ý tạo cơ hội cho hai nước Mauritius và Seychelles tập trung vào con đường phía trước để thúc đẩy sự biến đổi của hệ thống thực phẩm.
Sản xuất lương thực phải được xem xét trên các lĩnh vực và không được tách biệt. Nước và năng lượng là đầu vào trực tiếp ở tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị thực phẩm, trong khi tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và các dịch vụ của chúng là nền tảng cho sự an toàn của những đầu vào này. Nông nghiệp chiếm 30% lượng nước sử dụng chỉ riêng ở Mauritius. Trên toàn cầu, 1/3 năng lượng sẵn có của thế giới được tiêu thụ bởi chuỗi giá trị sản xuất lương thực.
Tiếp cận toàn diện
Giải quyết tình trạng khan hiếm nước và đầu tư vào năng lượng tái tạo là rất quan trọng đối với an ninh lương thực. Mauritius nhập khẩu 3/4 năng lượng là năng lượng tái tạo, chiếm 24% tổng năng lượng hiện tại. Quốc đảo này nhập khẩu hơn 77% nhu cầu lương thực của đất nước trong bối cảnh các hộ gia đình đang gặp khó khăn do giá lương thực đối với các mặt hàng thiết yếu như bánh mì, đậu lăng đen, sữa bột và dầu ăn tiếp tục tăng. Sự phụ thuộc của họ vào hàng nhập khẩu như hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công nghệ và thiết bị khiến họ dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung và hàng hóa trên toàn thế giới.
Chuyển đổi hệ thống thực phẩm có thể đóng một vai trò quan trọng trong các chiến lược giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu của các quốc gia. Ví dụ, để phù hợp với những đóng góp được xác định trên toàn quốc, Mauritius đã tái khẳng định cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ ngành nông nghiệp. Việt Nam cũng xác định nông nghiệp là ngành ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nhiều vào kỹ thuật tưới tiêu hiệu quả và nông nghiệp thông minh với khí hậu.
Rõ ràng đối với Liên hợp quốc, việc hỗ trợ tiếp cận hệ thống tổng thể để giải quyết các mối liên kết giữa lương thực, khí hậu, nước, năng lượng và giới là rất quan trọng.
Đối với các quốc gia như Mauritius, nơi du lịch là một nguồn thu nhập GDP đáng kể, tác động của biến đổi khí hậu đặt ra rủi ro về tính bền vững do các hệ sinh thái tự nhiên hiếm hoi nhưng mong manh của nó.
Đời sống và sinh kế của cộng đồng dân cư, nhất là vùng ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp. San hô bị tẩy trắng và ô nhiễm do con người gây ra đang gây áp lực lên hệ sinh thái đầm phá, ảnh hưởng đến những người đánh cá thủ công.
Phối hợp với Liên minh châu Âu thông qua dự án Ecofish, Liên hợp quốc đang áp dụng những công nghệ mới để trao quyền cho những người đánh bắt thủ công rời khỏi các đầm phá bị khai thác quá mức.
Ươm mầm nông nghiệp “thông minh”
Bằng cách cải thiện khả năng phục hồi kinh tế của các cộng đồng ngư dân truyền thống trên, Mauritius sẽ tăng cường an ninh lương thực thông qua việc quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên biển.
Tại Rodrigues, một phần của quần đảo Mauritius, Liên hợp quốc đang hỗ trợ 8 phụ nữ thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất nghệ Rodrigues để trồng và chế biến nghệ thành bột để bán.
Giải quyết vấn đề năng lượng đầu vào trong nông nghiệp, bà Marie-Anne, một trong những thành viên của Hiệp hội trên cho rằng với sự hỗ trợ tài chính từ Chương trình Tài trợ Nhỏ (SGP) của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) do Liên hợp quốc hỗ trợ, bà và các thành viên trong Hiệp hội đã có thể mua một máy sấy năng lượng mặt trời để thay thế một máy chạy điện tiêu thụ nhiều năng lượng và tốn kém nhiều chi phí.
Bà Perrine, một thành viên khác của Hiệp hội chia sẻ công việc này giúp phụ nữ giải phóng bản thân và cũng sẽ tạo điều kiện cho con cháu của họ có thể tiếp tục công việc trong tương lai.
Văn phòng Liên hợp quốc tại Mauritius cũng đang thực hiện thí điểm những giải pháp hệ thống thực phẩm bền vững sáng tạo khác. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và UN Women thuộc Quỹ SDG chung đang triển khai giải pháp sử dụng phân bón sinh học chi phí thấp được sản xuất tại địa phương từ rong biển.
FAO, UNDP, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đang hỗ trợ các sáng kiến “ươm mầm” nông nghiệp “thông minh”. Theo bà Singh, chỉ còn 7 năm nữa là hoàn thành Chương trình nghị sự 2030, các cơ quan của Liên hợp quốc tại Mauritius sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ đa dạng hóa nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và đầu tư vào nguồn nhân lực để chống lại các cú sốc về nguồn cung.
“Hợp tác để tăng cường hành động khí hậu hơn nữa và thúc đẩy các lộ trình vững chắc là chìa khóa để bảo vệ tương lai vì người dân, hành tinh, sự thịnh vượng và hòa bình của Mauritius”, bà Singh nhấn mạnh.